Đón đầu dòng khách Halal: Cú hích cho du lịch Thủ đô

Giới chuyên gia dự báo, du lịch Halal sẽ đóng góp gần 350 tỷ USD cho ngành du lịch thế giới vào năm 2030. Để đón dòng khách khó tính và có những yêu cầu đặc biệt này, du lịch Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng cần có giải pháp đồng bộ, phù hợp.

Dòng khách du lịch Halal đang nổi lên là thị trường nhiều tiềm năng vì khách lưu trú lâu và chi tiêu cao. Ảnh: BTC

Dòng khách du lịch Halal đang nổi lên là thị trường nhiều tiềm năng vì khách lưu trú lâu và chi tiêu cao. Ảnh: BTC

Đó là những vấn đề được bàn luận tại hội thảo quốc tế “Triển vọng phát triển du lịch gắn với Halal trên địa bàn thành phố Hà Nội” diễn ra vào ngày 15-4 tại Hà Nội, do Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội phối hợp với Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi (ISAWAAS), Trung tâm Chứng nhận Halal Việt Nam tổ chức. Sự kiện là một trong những hoạt động cụ thể hóa Đề án phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hội thảo có sự tham gia của 150 đại biểu trong nước và quốc tế.

Thị trường mới mẻ

Du lịch Halal có thể hiểu là du lịch Hồi giáo hay du lịch thân thiện với người Hồi giáo, bảo đảm các dịch vụ du lịch cung cấp phù hợp với những yêu cầu đặc thù của đạo Hồi. Hiện du lịch Halal vẫn còn khá mới tại Việt Nam nói chung và tại Hà Nội nói riêng.

TS. Trịnh Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội. Ảnh: BTC

TS. Trịnh Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội. Ảnh: BTC

Đánh giá về tiềm năng thị trường Halal, TS. Trịnh Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội cho biết, du lịch Halal đang nổi lên như một xu hướng toàn cầu, dự kiến sẽ đóng góp gần 350 tỷ USD cho ngành du lịch thế giới vào năm 2030. “Với hơn 1,9 tỷ người theo đạo Hồi trên toàn thế giới, đây là một thị trường đầy tiềm năng mà Việt Nam cần chủ động tiếp cận”, TS. Trịnh Thị Thu Hà bày tỏ.

PGS.TS. Đinh Công Hoàng, Trưởng phòng Nghiên cứu Trung Đông và Tây Á, Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi. Ảnh: BTC

PGS.TS. Đinh Công Hoàng, Trưởng phòng Nghiên cứu Trung Đông và Tây Á, Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi. Ảnh: BTC

Còn PGS.TS. Đinh Công Hoàng, Trưởng phòng Nghiên cứu Trung Đông và Tây Á, Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi, đã đưa ra cái nhìn tổng quan về thị trường Halal toàn cầu với quy mô hơn 7.000 tỷ USD trong năm 2024 và dự kiến chạm mốc 10.000 tỷ USD vào năm 2028 (tốc độ tăng trưởng hàng năm 6-8%). “Thị trường du lịch Halal đang được rất nhiều nước quan tâm, ngoài các quốc gia có tôn giáo chủ yếu là đạo Hồi như Malaysia, các nước Trung Đông, Indonesia thì một số nước như Singapore, Thái Lan… cũng đang là những điểm đến đón lượng khách du lịch Hồi giáo nhiều nhất thế giới”, PGS.TS. Đinh Công Hoàng thông tin.

Với nguồn tài nguyên du lịch phong phú, vị trí địa lý thuận lợi, môi trường chính trị ổn định và văn hóa hiếu khách, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình du lịch này. Trong đó, Thủ đô Hà Nội với vị trí là trung tâm kinh tế, văn hóa và du lịch, có rất nhiều lợi thế để đón đầu dòng khách Halal, biến thị trường này trở thành cú hích cho du lịch Thủ đô, nhất là trong bối cảnh các thị trường gửi khách quốc tế đang bão hòa.

Thực tế, thời gian gần đây, Việt Nam đang đón lượng khách Halal lớn đến từ Ấn Độ, Trung Đông, trong đó có nhiều dòng khách hạng sang, tỉ phú đến Việt Nam để nghỉ dưỡng. Điều này mở ra những cơ hội lớn cho du lịch Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng trong việc khai thác dòng khách có chi tiêu cao, góp phần tăng nguồn thu cho du lịch.

Xây dựng hệ sinh thái du lịch Halal

Mặc dù được đánh giá là thị trường nhiều tiềm năng và cơ hội khai thác lớn, song các chuyên gia nhận định, du lịch Halal Việt Nam vẫn đang gặp nhiều khó khăn và hạn chế. PGS.TS. Đinh Công Hoàng phân tích, du lịch Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng còn thiếu các cơ sở hạ tầng có tính đặc thù dành cho khách du lịch Halal như: thiếu cơ sở cầu nguyện, dịch vụ chưa đồng bộ từ ẩm thực cho đến các loại hình giải trí. Để đón dòng khách Halal một cách bài bản và chuyên nghiệp, Việt Nam cần xây dựng hệ sinh thái Halal với đầy đủ các dịch vụ: ẩm thực, lưu trú thân thiện, dịch vụ giải trí đạt tiêu chuẩn Halal.

Về các tiêu chí dịch vụ đạt chứng nhận Halal, ông Ramlan Osman, Giám đốc Trung tâm chứng nhận Halal quốc gia (HALCERT) cho rằng, các khách sạn, nhà hàng cần có khu ẩm thực, cà phê dành cho khách Halal; khu giải trí cần có không gian riêng biệt cho nam và nữ. Các điểm đến cần đáp ứng yêu cầu thân thiện, phù hợp với văn hóa đạo Hồi. Tại các sân bay, khách sạn cũng cần có khu vực riêng để cầu nguyện…

ngài Shovgi Kamal Oglu Mehdizade – Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Azerbaijan tại Việt Nam. Ảnh: BTC

ngài Shovgi Kamal Oglu Mehdizade – Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Azerbaijan tại Việt Nam. Ảnh: BTC

Chia sẻ thêm về thị trường Việt Nam, ngài Shovgi Kamal Oglu Mehdizade – Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Azerbaijan tại Việt Nam – cho rằng, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn với nhiều quốc gia như Pakistan, Azerbaijan, Kazakhstan, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập… Hầu hết khách du lịch Hồi giáo khi đến đây đều yêu thích các bãi biển, trải nghiệm nghỉ dưỡng thân thiện. Họ cũng quan tâm đặc biệt đến việc xuất khẩu các sản phẩm thực phẩm từ Việt Nam sang các quốc gia của họ. “Việt Nam cần thu hút các chuyên gia quốc tế đến từ các quốc gia Hồi giáo để hỗ trợ phát triển ngành du lịch Halal, từ đó thu hút được nhiều du khách Hồi giáo hơn nữa”, ngài Shovgi Kamal Oglu Mehdizade gợi ý.

Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội – bà Đặng Hương Giang – cho biết, dư địa để thu hút khách du lịch Halal đến Hà Nội còn rất lớn. Để tận dụng cơ hội này, Sở Du lịch Hà Nội sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch về đặc điểm dòng khách Hồi giáo.

Giám đốc Sở Du lịch Đặng Hương Giang phát biểu về kế hoạch đón khách du lịch Halal tại Hà Nội. Ảnh: BTC

Giám đốc Sở Du lịch Đặng Hương Giang phát biểu về kế hoạch đón khách du lịch Halal tại Hà Nội. Ảnh: BTC

Thời gian tới, Sở Du lịch sẽ làm việc với các sân bay, cơ sở lưu trú để chuẩn bị khu vực riêng đón khách Halal, khu vực cầu nguyện; đồng thời chuẩn bị các dịch vụ ẩm thực Halal phù hợp. Hà Nội sẽ phối hợp với các Đại sứ quán, kết nối với các tổ chức quốc tế để tăng cường tổ chức các sự kiện giao lưu văn hóa với các nước theo đạo Hồi; phối hợp đào tạo nguồn nhân lực phục vụ khách Hồi giáo.

Ngoài ra, Sở Du lịch Hà Nội sẽ đề xuất thành phố xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ tốt nhất cho các đơn vị phục vụ khách Hồi giáo. “Hà Nội sẽ có các chiến lược trước mắt và dài hạn để sẵn sàng đón khách du lịch Hồi giáo đến Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung”, bà Đặng Hương Giang cho biết.

Theo kế hoạch đến năm 2030, Hà Nội đặt mục tiêu xây dựng một hệ sinh thái du lịch Halal toàn diện, trong đó ưu tiên hình thành các “Halal Friendly Zones” – khu vực thân thiện với người Hồi giáo tại các quận trung tâm.

Hoàng Lân

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/don-dau-dong-khach-halal-cu-hich-cho-du-lich-thu-do-699057.html