Đôn đốc, bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả các dự án giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia

Phát biểu của CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ kết luận phiên chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực giao thông vận tải

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực giao thông vận tải đã có 112 đại biểu đăng ký chất vấn, trong đó đã có 20 đại biểu đặt câu hỏi, 17 đại biểu tranh luận, còn 76 đại biểu đăng ký chất vấn và 2 đại biểu đăng ký tranh luận nhưng chưa được đặt câu hỏi, tranh luận.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận phiên chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực giao thông, vận tải. Ảnh: Quang Khánh

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận phiên chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực giao thông, vận tải. Ảnh: Quang Khánh

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra rất sôi nổi và trách nhiệm, rất thẳng thắn và có tính xây dựng cao. Các đại biểu Quốc hội đã bám sát nội dung chất vấn, rất tích cực đeo bám, tranh luận để làm rõ thực trạng và trách nhiệm. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng tuy nhận nhiệm vụ chưa lâu nhưng nắm vững các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành; đã trả lời đầy đủ, nhận diện đúng các tồn tại trong ngành, giải trình khá đầy đủ các vấn đề còn bất cập, hạn chế và đề xuất một số giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để thực hiện tốt hơn chức trách, nhiệm vụ của bộ và ngành giao thông vận tải.

Qua báo cáo của Bộ trưởng gửi đến đại biểu Quốc hội và diễn biến phiên chất vấn cho thấy, thời gian qua ngành giao thông vận tải, Bộ Giao thông vận tải đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực vượt khó, hoàn thành khối lượng công việc rất lớn và phức tạp, tiếp tục có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bộ Giao thông vận tải đã hoàn thành 4/5 quy hoạch ngành quốc gia; tích cực triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Nghị quyết 43/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về các dự án quan trọng quốc gia. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công của Bộ đạt khá so với mặt bằng chung của cả nước, đã đưa vào khai thác sử dụng 566 km đường cao tốc phía Đông giai đoạn 1, 2016-2020, đang tích cực triển khai và chuẩn bị khởi công các dự án mới theo Nghị quyết của Quốc hội.

Sản lượng các loại hình vận tải đều phục hồi, tăng trưởng ấn tượng sau dịch Covid - 19. Chất lượng phương tiện, chất lượng phục vụ, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, cung cấp dịch vụ được đẩy mạnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân và góp phần tiết kiệm chi phí xã hội. Đã kế thừa, tiếp tục đẩy mạnh việc thu phí không dừng của giai đoạn 2016-2020 và cho đến nay đã hoàn thành thu phí không dừng trên phạm vi cả nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận phiên chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực giao thông, vận tải. Ảnh: Quang Khánh

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận phiên chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực giao thông, vận tải. Ảnh: Quang Khánh

Cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh. Công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật, trật tự an toàn giao thông được tăng cường. Các nhóm giải pháp về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông được thực hiện đồng bộ; tai nạn giao thông hằng năm tiếp tục giảm ở cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương; ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính và ở Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh từng bước được kiềm chế.

Trong lĩnh vực đăng kiểm, Bộ đã tích cực tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân, vừa ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung các quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, kịp thời xử lý tình trạng đình trệ đăng kiểm trong thời gian gần đây, trong đó cho phép tự động giãn chu kỳ kiểm định đối với các xe ô tô chở người đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải...

Tuy nhiên, ngành giao thông vận tải còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, khó khăn, như: việc tổ chức triển khai các dự án kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các dự án trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia chưa đạt yêu cầu về tiến độ đề ra. Giải ngân đầu tư công còn rất chậm. Các hình thức đầu tư PPP và huy động các nguồn lực ngoài ngân sách, đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông còn rất hạn chế. Chưa có giải pháp giải quyết căn bản tồn đọng, vướng mắc của một số dự án BOT. Chúng ta đang nói phát huy các nguồn lực xã hội nhưng gần đây xu hướng chuyển từ PPP sang đầu tư công nhiều, hầu như không có dự án nào lớn được đầu tư theo phương thức PPP trong thời gian gần đây. Đây là vấn đề phải rất lưu ý trong giai đoạn tới.

Thiếu cơ chế, chính sách đột phá, khuyến khích đầu tư phát triển vận tải đa phương thức, vận tải thủy nội địa, vận tải đường sắt. Chất lượng dịch vụ vận tải logistics chưa đáp ứng được yêu cầu. Thị phần vận tải công cộng ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn rất thấp. Tỷ lệ phương tiện thân thiện sử dụng nhiên liệu sạch như điện, xăng sinh học còn rất khiêm tốn. Dịch vụ vận tải phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, vận tải đường bộ hiện vẫn chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 70% vận tải hành khách và hàng hóa trong tổng số các loại hình vận tải, không cân đối với các phương thức vận tải khác. Chi phí logistics trong giá thành của doanh nghiệp cao, trong khi đóng góp của ngành logistics trong GDP còn thấp so với khu vực và thế giới.

Các đại biểu dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV. Ảnh: Quang Khánh

Các đại biểu dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV. Ảnh: Quang Khánh

Tình hình trật tự, an toàn giao thông vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông tuy có giảm nhưng số người thương vong do tai nạn giao thông vẫn ở mức cao. Ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, đầu mối giao thông trọng điểm, các đô thị lớn, đặc biệt trên địa bàn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Để xảy ra tình trạng tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phạm vi rộng, thời gian dài trong hoạt động đăng kiểm nhưng chưa được chủ động phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời. Việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, quản lý lái xe sau cấp phép còn nhiều bất cập và yếu kém.

Trên cơ sở kết quả của phiên chất vấn, đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, các bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp đã đề ra, nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, trong đó tập trung vào một số vấn đề chính sau đây:

Thứ nhất, tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc thi công các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các dự án quan trọng quốc gia và trọng điểm của ngành giao thông vận tải, bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả. Phối hợp chặt chẽ với các địa phương, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm nguồn vật liệu trong quá trình triển khai các dự án. Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, huy động tối đa các nguồn lực ngoài ngân sách, áp dụng linh hoạt các hợp đồng đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP, phù hợp với đặc điểm lợi thế của từng lĩnh vực. Triển khai nghiên cứu các cơ chế, chính sách để đầu tư, khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm đầu tư đồng bộ các đường gom, đường dân sinh, trạm dừng nghỉ dọc đường cao tốc. Tổ chức triển khai việc thu phí đối với các tuyến đường cao tốc đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước theo các Nghị quyết của Quốc hội. Nghiên cứu các giải pháp hiệu quả để bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông khi đưa vào khai thác.

Trong năm 2023, làm rõ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý và đề xuất các giải pháp khả thi để giải quyết dứt điểm tồn đọng đối với các dự án BOT theo thông báo, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian, thủ tục đầu tư, tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Bảo đảm công khai, minh bạch, khả thi và hiệu quả trong việc huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông theo quy định của pháp luật hiện hành. Việc thí điểm (nếu có) những nội dung khác với quy định pháp luật phải được thực hiện theo đúng quy định của Hiến pháp và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Thứ hai, tiếp tục tái cơ cấu thị trường vận tải theo hướng giảm thị phần vận tải đường bộ, tăng thị phần các phương thức vận tải đường thủy nội địa và đường sắt. Phát triển ngành logistics để giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp. Tăng tỷ trọng logistics trong GDP. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại trong thiết kế, xây dựng, quản lý, khai thác hạ tầng giao thông. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư phát triển hệ thống vận tải công cộng đô thị và liên tỉnh gắn với lộ trình hợp lý, hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân trong các đô thị lớn. Nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông vận tải. Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho phương tiện, linh kiện, vật liệu và hạ tầng để tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh và lưu hành đối với phương tiện thân thiện với môi trường.

Thứ ba, chủ trì xây dựng dự án Luật Đường bộ theo phân công của Chính phủ. Phối hợp với Bộ Công an, các bộ, ngành liên quan xây dựng dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ Sáu, tháng 10.2023, thông qua tại Kỳ họp thứ Bảy, tháng 5.2024. Đồng thời, chú trọng nâng cao năng lực, hiệu quả thực thi pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, triển khai quyết liệt các giải pháp kiểm soát tải trọng phương tiện, đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Tổ chức triển khai hiệu quả các quy hoạch toàn ngành và các quy hoạch chuyên ngành thuộc lĩnh vực giao thông vận tải. Nghiên cứu triển khai các giải pháp về an toàn giao thông, chống ùn tắc ngay từ khi tổ chức thực hiện các quy hoạch, tổ chức giao thông khoa học hợp lý. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành. Tiếp tục triển khai hiệu quả công tác thu phí không dừng, bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông gắn với rà soát, xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn.

Thứ tư, tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực do Bộ Giao thông Vận tải phụ trách. Trước hết và trọng điểm là lĩnh vực đăng kiểm, đào tạo cấp phép lái xe... Tăng cường xã hội hóa trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ đăng kiểm, tập trung khắc phục tình trạng đình trệ trong hoạt động đăng kiểm, xử lý triệt để các sai phạm và sớm đưa hoạt động đăng kiểm trở lại bình thường. Chỉ đạo rà soát kịp thời sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật, quy trình, quy phạm trong lĩnh vực đăng kiểm. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công do Bộ Giao thông Vận tải phụ trách.

Thứ năm, tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật, ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại, đồng thời rà soát, hoàn thiện về nội dung, phương pháp đào tạo, các loại tiêu chuẩn, điều kiện về cơ sở vật chất đối với các cơ sở đào tạo, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, phục vụ tốt nhu cầu của Nhân dân. Có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, phòng, chống các hành vi tiêu cực, tham nhũng, chấm dứt tình trạng cấp giấy phép lái xe cho những người không đủ năng lực hành vi và sức khỏe. Nghiên cứu giải pháp quản lý lái xe sau đào tạo. Các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ mong muốn không để cho lĩnh vực này xảy ra những khuyết điểm và sai phạm như lĩnh vực đăng kiểm mà chúng ta thấy rất đáng tiếc và phải rút ra rất nhiều bài học kinh nghiệm vừa qua.

* Đầu đề do Báo Đại biểu Nhân dân đặt

N. Bình lược ghi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/don-doc-bao-dam-tien-do-chat-luong-hieu-qua-cac-du-an-giao-thong-trong-diem-quan-trong-quoc-gia-i331838/