Đôn đốc doanh nghiệp năng lượng tái tạo gửi thông số để xây dựng khung giá

Hết ngày 20/10, mới chỉ có 59 trong tổng số 293 doanh nghiệp năng lượng tái tạo liên quan gửi thông số để xây dựng khung giá mua điện cho các dự án chuyển tiếp.

Sáng nay, 21/10, Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công thương) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức họp trực tiếp và trực tuyến với các doanh nghiệp năng lượng tái tạo nhằm đôn đốc việc gửi thông số dự án, phục vụ việc xây dựng khung giá điện phục vụ cho quá trình đàm phán giá mua điện tại các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp.

Theo EVNEPTC, tới nay mới nhận được 59 phản hồi từ phía các chủ đầu tư so với tổng số 293 đơn vị đã ký Hợp đồng mua bán điện với EVN và được gửi yêu cầu cấp số liệu.

Cũng theo đánh giá sơ bộ của EVNEPTC, các số liệu vẫn thiếu hoặc chưa đầy đủ.

Trao đổi với các chủ đầu tư, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho hay, mục đích của cuộc gặp hôm nay là đốc thúc các chủ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo nhanh chóng gửi số liệu,phục vụ xây dựng khung giá đàm phán các dự án chuyển tiếp.

Về nguyên tắc các thông số này lấy từ Báo cáo dự án hay thiết kế kỹ thuật ở các dự án đã triển khai và nếu sự phản hồi, cung cấp số liệu của các nhà đầu tư chỉ chiếm số ít so với các dự án được thống kê sẽ gây khó khăn nhất định và độ chính xác không cao trong việc xây dựng khung giá này. Ngoài thu thập số liệu từ các chủ đầu tư, Bộ và EVN sẽ còn thu thập số liệu từ các công ty tư vấn.

Đối tượng áp dụng Thông tư 15/2022/TT-BCT:
Các tổ chức, cá nhân tham gia triển khai đầu tư nhà máy hoặc phần nhà máy điện mặt trời đã ký kết hợp đồng mua bán điện với EVN trước ngày 01/01/2021 và các nhà máy hoặc phần nhà máy điện gió đã ký kết hợp đồng mua bán điện với EVN trước ngày 01/11/2021 nhưng không đáp ứng điều kiện áp dụng giá mua điện quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều 5 Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg và khoản 7 Điều 1 Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg.
Các nhà máy hoặc phần nhà máy này phải tuyệt đối tuân thủ theo đúng các quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng, bám sát khả năng hấp thụ của hệ thống điện quốc gia và khả năng giải tỏa công suất của lưới điện; tuân thủ theo đúng cơ chế giá điện tại thời điểm đưa vào vận hành, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả Dự án theo cơ chế được duyệt.
Trong trường hợp các cơ quan thanh tra, kiểm tra phát hiện vi phạm thì sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng cơ quan có thẩm quyền có thể rút giấy phép đầu tư, đình chỉ dự án theo các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng

Ngoài ra ông Tuấn cũng cho biết, Thông tư 15/2022/TT-BCT cũng chỉ quy định về đối tượng sẽ áp dụng khung giá này và không có giới hạn thời gian sẽ áp dụng. Hiện Bộ và EVN đang rất khẩn trương để xây dựng khung giá này nên sự phối hợp, cộng tác từ các chủ đầu tư sẽ góp phần nhanh hoàn tất với độ phù hợp cao.

Trước đó, Bộ Công thương đã yêu cầu EVN có văn bản đề nghị các chủ đầu tư các nhà máy điện mặt trời mặt đất, nhà máy điện mặt trời nổi ký kết hợp đồng mua bán điện trước ngày 1/1/2021 và các nhà máy điện gió trên đất liền, nhà máy điện gió trên biển ký kết hợp đồng mua bán điện trước ngày 1/11/2021, cung cấp các báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật đã được thẩm định gửi EVN để phục vụ triển khai tính toán khung giá phát điện áp dụng cho các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.

EVN cũng được yêu cầu lựa chọn thông số, tính toán, xây dựng khung giá phát điện của nhà máy điện mặt trời, điện gió theo quy định tại Thông tư 15/2022/TT-BCT ban hành ngày 3/10/2022, trình Cục Điều tiết Điện lực kiểm tra, thẩm định và báo cáo Bộ Công thương xem xét để ban hành khung giá.

Tiếp đó, Công ty Mua bán điện (EVNEPTC) cũng đề nghị chủ đầu tư các nhà máy điện gió và điện mặt trời cung cấp Báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật của Nhà máy điện đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm định.

Các nhà máy năng lượng tái tạo được đề nghị cung cấp hồ sơ bản cứng liên quan đến các thông số, số liệu rất chi tiết như tổng mức đầu tư, giá trị vốn chủ sở hữu, giá trị vốn vay, giá trị vốn vay ngoại tệ - nội tệ với hợp đồng vay vốn cụ thể, tỷ lệ vốn chủ sở hữu, tỷ lệ vốn vay nội tệ và ngoại tệ, lãi suất vốn vay nội tệ và ngoại tệ, thuế thu nhập doanh nghiệp, thời gian trả nợ vay.

Các nhà máy điện mặt trời còn phải cung cấp thông số về cường độ bức xạ trung bình của nhà máy, hiệu suất nhà máy, tổng diện tích lắp tấm quang điện, hiệu suất chuyển đổi tấm quang điện, công suất định mức tấm quang điện. Còn các nhà máy điện gió sẽ cung cấp số liệu tổng mức độ bất định, hệ số công suất.

Các hồ sơ, số liệu này được đề nghị cung cấp bản cứng và ngày cuối cùng là 21/10/2022.

Thanh Hương

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/don-doc-doanh-nghiep-nang-luong-tai-tao-gui-thong-so-de-xay-dung-khung-gia-d176023.html