Đôn đốc thu, giảm nợ bảo hiểm xã hội

Nhằm bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của người lao động, năm 2020, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đã tăng cường đôn đốc thu, giảm tỷ lệ nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… Trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới xung quanh nội dung này, ông Vũ Đức Thuật, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội cho biết, những đơn vị, doanh nghiệp vi phạm chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội sẽ bị xử lý bằng những biện pháp mạnh.

Doanh nghiệp giao dịch tại Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội (162 Tô Hiệu, quận Hà Đông). Ảnh: Hữu Tiệp

- Chính sách bảo hiểm xã hội triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội trong những năm qua đã góp phần tạo ra “giá đỡ an sinh” vững chắc cho người lao động và nhân dân. Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng, không tham gia hoặc tham gia bảo hiểm xã hội không đầy đủ cho người lao động. Tình trạng này ảnh hưởng đến các bên như thế nào, thưa ông?

- Hiện toàn thành phố có hơn 1,7 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, hơn 1,6 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp đạt hơn 90% số người thuộc diện tham gia, hoàn thành vượt chỉ tiêu được giao. Bên cạnh những kết quả đạt được, ý thức chấp hành pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của một số đơn vị sử dụng lao động chưa nghiêm túc; còn tình trạng người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận, chủ động trốn đóng hoặc đóng không đúng mức quy định... Do đó, đến thời điểm cuối năm 2019, tổng số tiền nợ bảo hiểm xã hội phải tính lãi trên địa bàn thành phố vẫn còn hơn 900 tỷ đồng, bằng 1,98% kế hoạch thu của cả năm.

Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, mà còn ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội cũng ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của các đơn vị, doanh nghiệp…

- Năm 2020, Hà Nội phấn đấu giảm tỷ lệ nợ bảo hiểm xã hội xuống bằng hoặc dưới mức bình quân chung của năm 2019 là 1,98%. Vậy, ông có thể cho biết, các cơ quan chức năng sẽ triển khai những giải pháp gì để đạt được mục tiêu này?

- Nhằm đôn đốc thu, tăng thu bảo hiểm xã hội, hệ thống bảo hiểm xã hội trên địa bàn Hà Nội tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức đối thoại, tọa đàm với doanh nghiệp và người lao động về thực hiện nghĩa vụ đóng, nộp các chế độ bảo hiểm xã hội. Cùng với đó, Bảo hiểm xã hội thành phố đã phối hợp với các cơ quan truyền thông liên tục tuyên truyền, phổ biến về tính ưu việt của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đến mọi người dân…

Đối với những đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng, ngoài các giải pháp chung, hằng tháng, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội còn phân loại doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội theo loại hình sản xuất, kinh doanh, thời gian nợ, xác định nguyên nhân nợ. Trên cơ sở đó, đơn vị sẽ đề xuất và phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, thanh tra chuyên ngành nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người lao động.

Ngành Bảo hiểm xã hội cũng phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã mời những doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đến làm việc và yêu cầu doanh nghiệp nộp số tiền nợ theo quy định.

Những doanh nghiệp khó khăn về vốn, chúng tôi hướng dẫn họ có thể vay tiền từ Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) theo hợp đồng đã ký kết giữa Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội với ngân hàng này để đóng bảo hiểm cho người lao động. Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội thành phố đã giao chỉ tiêu giảm nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đến từng cán bộ quản lý thu, nhằm phát huy tốt hơn vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác bảo hiểm.

- Các doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội kéo dài sẽ bị xử lý ra sao, thưa ông?

- Ngoài xử lý vi phạm hành chính, những đơn vị nợ bảo hiểm xã hội với số tiền nợ lớn, thời gian kéo dài sẽ bị công khai danh sách trên các phương tiện thông tin đại chúng; một số trường hợp phải chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an để điều tra, xử lý theo quy định.

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Văn bản số 478/UBND-KGVX, ngày 14-2-2020 gửi các sở, ban, ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã và doanh nghiệp nợ đọng tiền bảo hiểm xã hội yêu cầu xử lý sau thanh tra tại các đơn vị nợ đọng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn thành phố năm 2019.

Theo đó, UBND thành phố giao Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động thành phố, Công an thành phố, Tòa án nhân dân thành phố, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố lập, hoàn thiện hồ sơ để chuyển cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, xem xét, xử lý theo quy định 2 đơn vị có hành vi vi phạm chính sách bảo hiểm xã hội, đó là: Công ty cổ phần Thái Lan Paint và Chi nhánh Công ty Khảo sát và Xây dựng USCO - Xí nghiệp Khảo sát đo đạc và Xây dựng. UBND thành phố cũng yêu cầu 22 đơn vị còn nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp phải nộp nốt số tiền còn lại.

Những biện pháp mạnh nhằm đôn đốc thu, giảm nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp triển khai trong năm 2020 được kỳ vọng sẽ giảm đáng kể tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội trên địa bàn thành phố. Bởi, trong năm 2019, qua hơn 5.600 cuộc thanh tra, kiểm tra, các cơ quan chức năng đã thu hồi hơn 565 tỷ đồng tiền nợ, giúp nhiều người lao động được thụ hưởng các quyền, lợi ích chính đáng.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Minh Ngọc

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/959812/don-doc-thu-giam-no-bao-hiem-xa-hoi