Đơn hàng dệt may ổn định đến hết năm
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Đức Giang cho biết, hầu hết doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết quý III và quý IV năm nay, đồng thời đang phát triển mẫu để chuẩn bị cho đơn hàng năm tới.
Một số doanh nghiệp đã có đơn hàng cho năm 2025
- Xuất khẩu dệt may nửa đầu năm nay diễn biến ra sao thưa ông?
- Dệt may là một trong những ngành có kim ngạch xuất khẩu đứng top đầu cả nước trong 6 tháng đầu năm nay khi đạt gần 21 tỷ USD, tăng khoảng 4% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu theo tháng cũng tăng trưởng trở lại trong tháng 6 với kim ngạch đạt 3,16 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ nhờ sự tăng trưởng 2% tại thị trường Mỹ trong khi các thị trường khác vẫn còn yếu.
Giá trị nhập khẩu của mặt hàng vải đạt 7,2 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm tăng 12,7% so với cùng kỳ, trong khi giá trị xuất khẩu vải tháng 6 đạt 1,2 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ. Giá bán của các loại sợi cũng đã tăng trưởng so với cùng kỳ. Đến nay ngành đã xuất khẩu vào 104 thị trường trên toàn cầu.
- Những yếu tố nào giúp ngành dệt may khởi sắc như vậy?
- Đó là do hầu hết các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu đã kiềm chế được lạm phát, giúp sức mua tăng lên. Bên cạnh đó, lượng hàng tồn kho trong năm 2023 của các nhãn hàng đã giảm, một số doanh nghiệp dệt may hiện đã thông qua Vitas để tìm những công ty nhỏ hơn thuê gia công lại đơn hàng.
Thời gian qua, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã chủ động đa dạng hóa thị trường và khách hàng; nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao trình độ tay nghề, chuyển hướng sản xuất từ chỉ nhận gia công sang hình thức tự chủ nguồn nguyên liệu, tự thiết kế và hoàn thành sản phẩm. Doanh nghiệp cũng tận dụng tối đa các cơ hội từ thị trường, chuyển sang sản xuất những mặt hàng có tính kỹ thuật khó, đơn hàng nhỏ… nhưng giá trị gia tăng cao thay vì các mặt hàng phổ thông giá rẻ, khó cạnh tranh.
-Thời điểm này, tình hình đơn hàng của doanh nghiệp như thế nào, thưa ông?
- Hầu hết doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết quý III và quý IV.2024; đồng thời đang phát triển mẫu để chuẩn bị cho các đơn hàng trong năm 2025. Cũng có những doanh nghiệp đã có đơn hàng cho quý I.2025, một số doanh nghiệp đang tiến hành đàm phán. Các đơn hàng về thị trường Việt Nam tương đối ổn định, tuy nhiên đơn hàng tăng không phải do nhu cầu tiêu dùng mà do chuyển dịch từ các thị trường khác về thị trường Việt Nam.
- Như vậy, ngành dệt may có thể đạt mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD trong năm nay không, thưa ông?
- Ngành cố gắng để đạt được mục tiêu này nhưng vẫn còn nhiều yếu tố cản trở. Chúng ta cũng đang phải chờ đợi vào sự tăng trưởng của quý III và quý IV.2024. Nhìn chung còn rất nhiều khó khăn.
Sức mua toàn cầu chưa tăng
- Cụ thể những khó khăn đó là gì?
- Đầu tiên là sức mua toàn cầu chưa tăng. Tiếp đến là những thách thức từ tiêu chuẩn “kép” của các nước nhập khẩu, phải sử dụng các sản phẩm có tỷ trọng tái chế, thân thiện môi trường, tiêu chuẩn xanh..., đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải thích ứng kịp xu thế mới ổn định được đơn hàng.
Ngoài ra, ngành cũng đang chịu áp lực phần cung thiếu hụt. Tổ chức đánh giá của các nhãn hàng, mỗi nhãn hàng đưa ra một tiêu chuẩn khác nhau, chính vì vậy doanh nghiệp làm sao để phù hợp thì mới có đơn hàng.
Áp lực cũng tới từ những thách thứcliên quan đến quan hệ chính trị, cụ thể giữa Trung Quốc và Mỹ. Đạo luật ngăn chặn lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ (UFLPA) của Mỹ ảnh hưởng ngành dệt may Việt Nam không xuất khẩu vào Trung Quốc một số sản phẩm sợi.
Vấn đề lao động dịch chuyển cũng đang là điểm nóng. Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng lao động dịch chuyển, nghỉ việc và hưởng chế độ một lần ở các đơn vị trong ngành dệt may, nơi giảm ít là 6%, nơi giảm nhiều từ 18 - 20%. Đây là khó khăn lớn. Hiện tại, các doanh nghiệp trong ngành thiếu khoảng 500.000 lao động; tập trung vào lao động có tay nghề, lao động cấp trung, quản lý, thiết kế sản phẩm.
Bên cạnh đó,mặc dù ngành dệt may có lợi thế là năm 2022 được Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giày Việt Nam từ nay đến năm 2030 và định hướng tầm nhìn đến năm 2035. Mục đích quy hoạch để các địa phương phát triển các khu công nghiệp và kêu gọi đầu tư vào ngành công nghiệp dệt, nhuộm nhằm giảm thiểu tối đa việc nhập khẩu nguyên liệu. Song thực tế, hầu hết các địa phương lo ngại vấn đề nước thải nên không mặn mà với việc này.
- Để đạt mục tiêu xuất khẩu năm 2024 và xa hơn là phát triển bền vững, Vitas khuyến cáo gì tới các doanh nghiệp?
- Để tham gia vào chuỗi cung ứng, Vitas luôn khuyến khích doanh nghiệp trong ngành phải đa dạng hóa thị trường, không phụ thuộc vào một thị trường nào. Đồng thời đa dạng hóa đối tượng khách hàng, nhãn hàng; đa dạng các mặt hàng sản xuất, cách sản xuất cũng phải khác, làm những đơn hàng khó hơn mới ổn định cho sản xuất và người lao động. Doanh nghiệp cần phải linh hoạt, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đa dạng của người mua mới có thể duy trì và phát triển lâu dài.
Ngoài ra, các doanh nghiệp dệt may phải thay đổi chiến lược sản xuất thông qua cải tiến quy trình, đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ, tự động hóa các khâu sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, công suất sản xuất, linh hoạt đáp ứng các đơn hàng nhỏ, đa dạng sản phẩm. Trong việc cắt giảm chi phí và thời gian sản xuất, doanh nghiệp cũng phải chú trọng đến việc lựa chọn các nguyên vật liệu thân thiện với môi trường, có khả năng tái chế phù hợp với xu hướng kinh tế tuần hoàn.
- Xin cảm ơn ông!