Dồn lực bảo đảm an toàn lưới điện truyền tải trục Nam – Bắc
Trong bối cảnh thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài trên diện rộng gây áp lực rất lớn trong việc bảo đảm cung ứng điện tại miền Bắc, việc truyền tải nguồn điện theo chiều Nam – Bắc luôn trong tình trạng mang tải cao. Việc bảo đảm an toàn cho lưới điện truyền tải đang được các đơn vị dồn lực thực hiện.
Đường dây, TBA đều mang tải cao
Theo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, để bảo đảm cấp điện cho miền Bắc trong cao điểm mùa khô 2023 đang căng thẳng như hiện nay, đơn vị này đã nâng ngưỡng truyền tải công suất trong ngắn hạn lên tới 2.600 MVA trên đường dây 500 kV Nho Quan - Nghi Sơn 2 - Hà Tĩnh theo chiều Nam - Bắc trong một số giờ cao điểm nhằm ưu tiên mục tiêu giữ nước các hồ thủy điện đa mục tiêu tại miền Bắc.
Tại Truyền tải điện Thanh Hóa, ông Lữ Thanh Hải, Giám đốc Truyền tải điện Thanh Hóa cho biết: Đơn vị quản lý vận hành hơn 750 km với 5 trạm biến áp với tổng dung lượng máy biến áp là 1.625 MVA.
Thời tiết nắng nóng kéo dài và nhiệt độ tăng nhanh, khu vực thị xã Nghi Sơn ghi nhận mức nhiệt độ cao hơn 40 độ C, khiến tình hình vận hành căng thẳng. Trên các đường dây 500 kV mạch 1, 2 các ngày gần đây mức mang tải hơn 1.500 A (trong khi các năm trước khoảng 1.000 A). Các đường dây khác đều mang tải cao.
Giữ vai trò điểm nút quan trọng nhất trong việc truyền tải điện ra phía bắc, lưới truyền tải tại Truyền tải điện Hà Tĩnh cũng luôn vận hành căng thẳng. Ông Nguyễn Sỹ Thắng, Giám đốc Truyền tải điện Hà Tĩnh cho biết: Bắt đầu từ ngày 19/5, xuất hiện đợt nắng nóng đầu tiên của năm 2023, tải trên các đường dây 500 kV khu vực Hà Tĩnh bắt đầu tăng cao, đặc biệt là đường dây 500 kV Hà Tĩnh – Vũng Áng tăng lên trên 80% định mức.
Chế độ điện áp 500 kV tại các nút của trạm biến áp thường xuyên vượt ngưỡng. Các ngăn lộ đường dây 220 kV tình trạng vận hành thường xuyên vận hành đầy và quá tải.
Bảo đảm an toàn lưới điện truyền tải là ưu tiên hàng đầu
Trước thực trạng này, để bảo đảm vận hành truyền tải, lãnh đạo Công ty Truyền tải điện 1 (PTC1) và các truyền tải điện trực thuộc đã thường xuyên trực tiếp đi kiểm tra các điểm vận hành đầy, quá tải, các điểm xung yếu, phát nhiệt tại các trạm biến áp và đường dây, đặc biệt là đối với trục đường dây 500 kV từ Vũng Áng - Hà Tĩnh – Nghi Sơn – Nho Quan luôn vận hành đầy tải vào các giờ cao điểm.
Đồng thời, các truyền tải điện thực hiện lập lịch trực tăng cường của lãnh đạo trạm, nhân viên vận hành nhằm bảo đảm công tác ứng trực kịp thời chỉ đạo khi có các tình huống bất thường xảy ra trên lưới, hạn chế tối đa khả năng xảy ra sự cố hoặc phải tách thiết bị ra khỏi vận hành.
Đơn vị đã chỉ đạo quán triệt lực lượng vận hành thường xuyên liên tục giám sát chặt chẽ tình trạng mang tải, tình trạng làm việc của các thiết bị ngăn tải cao.
Đối với phần đường dây, các đội truyền tải điện đã lập lịch trực và kiểm tra tăng cường của lãnh đạo, công nhân ngoài giờ hành chính. Đồng thời rà soát toàn bộ các khoảng cách có cây trong và ngoài hành lang. Qua rà soát đã thực hiện chặt tỉa các cây cao trong và ngoài hành lang ở một số khoảng cột bảo đảm vận hành an toàn. Cử người canh gác, thực hiện phân công nhiệm vụ chia ca canh gác liên tục từ 7h-19h tại các điểm pha đất thấp khi đường dây vận hành đầy tải, quá tải.
Cùng với đó, các truyền tải điện đã kiểm tra, rà soát các công trình có mái tôn, bạt, lưới trong và gần hành lang, thực hiện chằng néo chắc chắn để đề phòng nguy cơ gió lốc hất bay lên đường dây gây sự cố.
Tổ chức tuyên truyền ký cam kết không thả diều gần hành lang lưới điện cao áp. Chủ động phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền qua loa truyền thanh của xã, phường và ngăn chặn khi người dân cố tình thả diều.
Ngoài ra, các truyền tải điện đã phối hợp với các công ty điện lực kiểm tra khoảng cách giao chéo giữa các đường dây truyền tải diện với lưới điện phân phối, để xử lý các khoảng cách bảo đảm theo quy phạm.
Hiện, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam vẫn liên tục chỉ đạo, đôn đốc, tìm mọi giải pháp để tăng cường vận hành các nguồn điện, vận hành linh hoạt hồ chứa trong bối các hồ thủy điện lớn thiếu hụt nước; đôn đốc các nhà máy nhiệt điện tập trung ưu tiên xử lý sự cố các tổ máy; bảo đảm cung ứng than, khí cho phát điện; tích cực bổ sung các nguồn điện năng lượng tái tạo cho hệ thống; tăng cường vận hành an toàn hệ thống truyền tải Trung - Bắc; tiếp tục triển khai chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tiết kiệm điện.