Dọn nhà đón Tết, gắn kết tình thân

Với anh Mầu Quang Minh (giảng viên đại học), Tết Nguyên đán là một dịp mang ý nghĩa đặc biệt trong năm, là những ngày mà các thành viên trong gia đình đoàn tụ và quây quần bên nhau.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Từ nhỏ, bố mẹ đã luôn dạy tôi, sau này khi con lớn lên, dù con ở bất kỳ nơi đâu, giàu hay nghèo, có địa vị nào trong xã hội, có cuộc sống sang trọng hay giản dị thì việc cùng vợ con dọn dẹp, trang trí nhà cửa, đặc biệt là sắm sửa bày biện đồ cúng lễ trên bàn thờ là điều rất quan trọng.

Vì thế, từ khi có gia đình riêng cho đến bây giờ, tôi vẫn giữ thói quen đó với tâm thế hân hoan. Tôi cũng dạy con, việc dọn nhà hàng ngày hay những dịp đặc biệt không chỉ khiến những thành viên trong gia đình cảm thấy hạnh phúc mà còn là một phần trách nhiệm với gia đình.

Dụng tâm làm những việc như vậy chính là việc để có được tâm thái tự tại và hòa ái của một người có tâm thiện sâu sắc.

Thành nếp nhà, việc dọn dẹp nhà cửa đón Tết, đặc biệt là sắm sửa đồ lễ bày ban thờ gia tiên luôn mang lại cho các thành viên trong gia đình tôi một cảm xúc tích cực chứ không hình thức hay miễn cưỡng.

Một trong những việc mang lại cảm xúc vui vẻ, gắn kết cho các thành viên trong gia đình là gói bánh chưng.

Trong trí nhớ vẹn nguyên của tôi, lúc còn nhỏ xíu, ngồi trước cửa thấy bố ôm 1 mớ lá xanh rất to và một cuộn dây mỏng tang màu trắng, trên vai là cái cặp tài liệu to đùng, tay cầm lủng lẳng 1 túi nilon hân hoan bước vào nhà, "bỏ quên" con đang ngồi đó mà gọi rất to: "Em ơi, anh đi chợ về rồi nhé!".

Lân la tôi mới biết mớ lá xanh to đùng đó là lá rong, cuộn dây đó gọi là lạt, còn túi nilon đó có thịt, có những hạt gạo trắng ngần, những hạt đỗ xanh bé xíu. Và không bao giờ tôi có thể quên được ánh mắt ánh lên hạnh phúc của mẹ. Cảm xúc "bị bỏ rơi" ngay khi bên cạnh bố mẹ vẫn là cảm xúc hạnh phúc nhất tôi từng có, đến tận hôm nay.

Anh Mầu Quang Minh yêu thích việc bếp núc

Anh Mầu Quang Minh yêu thích việc bếp núc

Bây giờ, có nhiều nơi bán bánh chưng rất ngon, gói rất đẹp nhưng cảm giác được đi chợ, mua mớ lá rong, một vài ký gạo, đậu xanh, dăm ba cân thịt, hướng dẫn các con rửa lá, lau khô lá, ngâm gạo, ngâm đỗ, nói thêm về ý nghĩa của bánh chưng, của ngày Tết đoàn viên, rủ rỉ những câu chuyện không đầu không cuối về trường về lớp, về bạn bè và những hoài bão, ước mơ, cách để chạm được vào chúng… thấy lòng an yên đến lạ.

"Dọn nhà, dọn cửa, gột rửa trái tim"

Tôi luôn tâm đắc những triết lý trong cuốn sách "Dọn nhà, dọn cửa, gột rửa trái tim" của thiền sư Shoukei Matsumoto. Chúng tôi hay nói với các con, việc dọn dẹp, sắp đặt, lau chùi các đồ vật trong gia đình cũng chính là cách chúng ta nâng niu, trân quý và hoàn trả những lợi ích mà vật dụng trong ngôi nhà đã cung cấp.

Mỗi đồ vật trong gia đình, từ nơi trang trọng, linh thiêng tới những nơi sinh hoạt chung đều mang một sinh mệnh, nếu các con có thể coi trọng chúng, khi hỏng thì sửa lại và tiếp tục dùng thì đó chính là cách chúng ta đối xử tốt với đồ vật và cũng là cách mà các con sẽ thay đổi hành vi một cách tốt lên khi đối xử với những người xung quanh.

Việc lau dọn bàn thờ gia tiên là để bày tỏ lòng thành tâm, hiếu nghĩa, tri ân đối với người đã mất. Vì thế, chúng tôi hướng dẫn các con lau dọn từ trên cao rồi xuống đến thấp. Khi lau dọn phải thành kính, không cợt nhả, trêu đùa.

Khăn dùng để lau bàn thờ phải là khăn được sử dụng riêng biệt, sạch sẽ và thơm tho. Điều quan trọng khi làm lễ không phải là mâm cao cỗ đầy, khoe trương, tốn kém mà chính là tấm lòng thành tâm, hiếu kính. Do vậy, gia đình tôi luôn chọn đồ thật để thờ cúng.

Nhà tôi ai cũng thích hoa tươi nên việc cắm hoa dịp Tết chắc chắn không thể thiếu. Nơi tôi hay sử dụng hoa tươi nhất là phòng khách và bếp. Tôi là người hiện đại nhưng có chút hoài niệm và đôi khi hơi chấp niệm nên bằng "mọi giá" trong nhà luôn phải có 1 cành đào.

Thế nên thường vào Rằm tháng Chạp, hai bố con tranh thủ xuống tận vườn đào để ngắm nghía, nếu ưng là đặt cọc luôn rồi chờ tới ngày ông Công - ông Táo là mang cành đào về trưng trong phòng khách.

Phòng bếp và phòng ăn là một, cũng là nơi gia đình sử dụng nhiều nhất và gặp nhau nhiều nhất. Vì thế, không chỉ là ngày Tết mà ngày thường tôi cũng "phóng tay" cho việc làm đẹp như cắm hoa tươi, trang trí những thứ xinh xắn cho vui mắt.

Với tôi, mỗi lần được cùng các con dọn dẹp nhà cửa là mỗi lần tình cảm gia đình "thăng hạng" và tràn ngập yêu thương.

Cả nhà hân hoan,thảnh thơi thưởng xuân

Rất may mắn cho tôi, gia đình nội ngoại gần nhau, vì thế việc chạy qua, chạy lại thăm hỏi hai bên rất tiện. Từ nhiều năm nay, trưa ngày 29 Tết, gia đình tôi sẽ ăn tất niên bên ngoại, tối 29 Tết tất niên bên nội. Đây không chỉ là thói quen mà còn là một trách nhiệm cao cả khi mà cả gia đình tôi chia sẻ niềm vui với ông bà 2 bên.

Ngày cuối cùng của năm, tôi dành nhiều thời gian cho gia đình, sắp đặt lại mọi thứ cho hoàn tất để chiều 30 Tết có thể thảnh thơi nghe nhạc, thưởng hoa, là quần áo và lau những đôi giày sáng bóng. Ở tuổi U50, tôi vẫn còn cảm giác "được manh áo mới", vì thế tôi luôn dành việc này để làm vào mỗi chiều cuối năm.

Thông thường, 22h đêm 30 Tết, cả nhà tôi sẽ đi dạo phố, xem bắn pháo hoa trong niềm vui hân hoan cùng rất nhiều người xa lạ trên đường, gửi cho nhau những lời chúc, những cái bắt tay ấm áp tình người.

Trong ngày mùng Một và sáng mùng Hai Tết, cả nhà sẽ thăm và chúc mừng năm mới ông bà nội, ngoại, họ hàng, gọi điện hoặc gửi tin nhắn chúc mừng năm mới tới người thân và bạn bè ở xa.

Đến chiều mùng Hai Tết, cả gia đình sẽ lên đường du xuân, có năm ở trong nước, có năm đi nước ngoài. Đây cũng là dịp cả nhà đông đủ nhất và cũng là dịp để "xả hơi" sau một năm làm việc, học tập, lao động miệt mài.

Đã qua rất nhiều lần dọn nhà đón Tết, tôi thấy rằng mình phải làm gương cho các con trong việc dọn nhà cửa hằng ngày, hay vào những dịp quan trọng như đón Tết Nguyên đán. Bởi lẽ, tình yêu thương, san sẻ sẽ hình thành, đâm chồi, nảy lộc từ những việc tưởng chừng đơn giản như việc "dọn nhà đón Tết".

Thu Hương (Ghi)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/don-nha-don-tet-gan-ket-tinh-than-20250122170939825.htm