Đón 'siêu nhật thực' trăm năm chỉ có một lần

Hàng triệu người ở miền bắc Mexico, Mỹ và đông nam Canada sẽ có cơ hội quan sát nhật thực toàn phần vào hôm nay 8/4. Các nhà khoa học có thể thu thập những dữ liệu quý giá từ nhật thực toàn phần từ bầu khí quyển của mặt trời,...

Trăm năm mới có một lần nhật thực toàn phần.

Trăm năm mới có một lần nhật thực toàn phần.

Nhật thực toàn phần, hàng trăm năm mới có một lần, xảy ra vào lúc cực đại mặt trời; chúng ta có thể nhìn thấy sao chổi khi đang diễn ra nhật thực; đồng thời là nhật thực toàn phần dài nhất ở Mỹ kể từ năm 1806 và cũng là nhật thực toàn phần tối nhất ở Mỹ trong vòng 217 năm...

Cụ thể, nhật thực vào ngày 8/4 đi qua Bắc Mỹ và Trung Mỹ, tạo ra một đường thẳng bị che phủ toàn phần. Theo NASA, đường đi của nhật thực toàn phần sẽ khởi điểm từ Mexico, vòng về phía Đông Bắc từ tiểu bang Texas đến Ohio (Mỹ) rồi đến Canada và quay trở lại Maine (Mỹ).

Trong thời gian nhật thực, Mặt trăng sẽ nằm thẳng hàng giữa trái đất và mặt trời, che khuất ánh mặt trời. Lần gần nhất nhật thực toàn phần có thể quan sát được ở Bắc Mỹ trùng với cực đại mặt trời là ngày 26/2/1979, khi nhật thực toàn phần kéo dài 2 phút 49 giây. Lần cuối cùng nhật thực toàn phần dài xảy ra ở Bắc Mỹ dài như năm nay là ngày 16/6/1806, kéo dài tới 4 phút 55 giây.

Cận cảnh mặt trời trong thời gian diễn ra nhật thực. (Ảnh minh họa)

Cận cảnh mặt trời trong thời gian diễn ra nhật thực. (Ảnh minh họa)

Dự kiến phải đến tháng 8/2044, người Mỹ mới được đón một "siêu nhật thực" như năm nay. Nhật thực toàn phần vào ngày hôm nay cũng là lần đầu tiên sau 7 năm hiện tượng thiên văn học này được trông thấy trên đất liền ở châu Mỹ.

Theo bà Shannon Schmoll - Giám đốc Cung thiên văn Abrams tại Đại học Bang Michigan, nhật thực ngày hôm nay là cơ hội vàng cho giới nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu đặc biệt phấn khích về việc mặt trời gần đạt đỉnh của chu kỳ 11 năm.

Ba tên lửa nghiên cứu của NASA sẽ được phóng trước, trong và ngay sau nhật thực từ Virginia để đo lường những thay đổi. Việc ánh sáng mặt trời giảm mạnh do nhật thực gây ra nhanh và cục bộ hơn khi mặt trời lặn sẽ giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu thêm về cách thức ánh sáng ảnh hưởng đến tầng điện ly, từ đó có thể dự đoán tốt hơn những hiện tượng rối loạn tiềm ẩn.

Hiệu ứng "nhẫn kim cương" xảy ra trong thời gian nhật thực. (Ảnh: NASA)

Hiệu ứng "nhẫn kim cương" xảy ra trong thời gian nhật thực. (Ảnh: NASA)

Theo NASA, chỉ những người sống tại Mexico, khu vực trung và đông bắc nước Mỹ, phía đông Canada mới có thể quan sát được nhật thực toàn phần ngày 8/4. Các khu vực khác của Bắc và Trung Mỹ chỉ quan sát được nhật thực một phần.

Dải nhật thực toàn phần sẽ bắt đầu từ thành phố Mazatlan, Mexico, vào lúc 10h50 giờ địa phương (22h50 ngày 8/4 giờ Hà Nội và kết thúc tại tỉnh cực đông Newfoundland và Labrador của Canada vào lúc 14h48 giờ địa phương (rạng sáng 9/4 giờ Hà Nội). Tại Việt Nam không thể quan sát hiện tượng này, dù chỉ là nhật thực một phần.

Tô Nhàn

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/don-sieu-nhat-thuc-tram-nam-chi-co-mot-lan-168758.html