Đón Tết năm trâu, rủ nhau đụng lợn
Năm hết, Tết đến. Một trong những biểu hiện của tình làng nghĩa xóm của người Việt vào dịp này, là việc'đụng lợn'. Với nhiều người, từ 'đụng' có thể khó hiểu chăng?
Cứ theo như “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895) thì đụng có những nghĩa như: “Tưởng nhầm, động chạm, xán vào”. Thí dụ, “Trâu đụng là trâu xán đầu vào”, nay, ta hiểu là chúng húc đầu vào nhau. “Đụng lẫy xẩy hờn”, câu tục ngữ này được giải thích: “Giận lẫy, giận một người lại gây qua người khác”. Có thể liên tưởng đến câu “Giận cá chém thớt” chăng? Tâm lý con người ta, “Thương người thương cả đường đi/ Ghét người ghét cả tông chi họ hàng”. Kỳ cục thiệt.
Mà kỳ cục nhứt cho cái chuyện trâu đụng, vẫn là chuyện này: Anh chàng nọ sau thời gian đi công tác xa, thình lình trở về nhà nhưng không báo trước cho vợ. Đẩy cửa bước vào nhà, anh ta choáng váng, những muốn “ngất trên cành quất” khi bất ngờ nhìn thấy cô vợ đang nõn nường tểnh hểnh tênh hênh với thằng cha căng chú kiết lạ hoắc. Cáu quá. Điên máu. Anh ta không chần chừ, ngay tắp lự xông vào quyết ăn thua đủ, phải co tay dấm một phát cho đã nư, đã giận; nhưng ngay tích tắc, thằng chả kia đã không sợ lại còn ngoác mồm ra mà rằng: “Có giỏi thì… húc đi”. Ơ kìa, anh chàng này làm gì có sừng, sao tình địch lại nói thế? Có đấy! Bởi vì rằng, trong tình huống éo le này, anh ta đã cùng hội cùng thuyền với một nhân vật trong kiệt tác “Số đỏ”: “Ông phán mọc sừng”. Không rõ vì sao, người đàn ông có vợ ngoại tình lại gọi bị “cắm sừng”/ “mọc sừng”?
Nói khẽ thôi. Năm 2021 là năm con trâu, bàn đến chuyện này nghe xúi quẩy quá. Thôi thì, ta hãy bàn về chuyện đụng lợn cho thanh nhã hơn. Với nhiều người, thời bé xíu còn đi học, nhớ lại có lần cô giáo ra câu đố:
Ruộng xanh mà trồng đậu xanh
Trồng nếp, trồng hành rồi thả lợn vô.
Ai biết loại bánh gì? Thưa, đó là loại bánh còn từng được ví von cực hay:
Một thửa đất vuông, bốn phía xây thành
Xung quanh trồng chuối, giữa tỉa đậu, trồng hành
Ngoài thành trồng giang
Giang là loại cây cùng loại với tre, nứa... đại khái thế, dùng chẻ lạt. Nói tắt một lời, đây là câu đố về bánh chưng - một loại bánh không thể thiếu trong ngày Tết. Tại sao “Một loại bánh làm bằng gạo nếp, nhân thịt, đậu, ngoài gói lá buộc kỹ” (“Việt Nam tự điển” - 1931) lại gọi bánh chưng? “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895) cho rằng: “Bánh gói bằng nếp làm ra hình vuông cũng kêu là địa bỉnh, hiểu nghĩa trời tròn đất vuông, phải chưng cất theo phép cho nên gọi là bánh chưng”. Chưng ở đây là nấu cách thủy. Tất nhiên, cách giải thích này hợp lý chưa? Không bàn ở đây, chỉ xin chọn lấy mỗi từ chưng. Thí dụ, truyện thơ “Lục Vân Tiên” có câu: “Hỏi thời ta phải nói ra/ Vì chưng hay ghét cũng là hay thương”; hoặc “Nhị độ mai”: “Thẹn chưng mũ áo, hổ cùng cân đai” - chưng lại hiểu theo nghĩa tại, vì, bởi vì.
Như ta đã biết, một khi đã nấu bánh chưng thì không thể thiếu thịt heo/ lợn. Này, trong lúc thao tác bếp núc, cẩn thận nhé. Chó treo, mèo đậy. Đậy thịt thà lại, chứ sơ sẩy là chó mèo nó vồ ngay đấy chứ. Sự đời cũng lạ, xem kìa, “Mèo theo thịt mỡ ồn ào/ Cọp tha con lợn thì nào thấy chi!". Thịt mỡ trong ngữ cảnh này là nhằm chỉ thịt lợn. Câu này, còn có dị bản: “Mèo tha miếng thịt ồn ào/ Cọp tha con lợn thì nào thấy chi!. Không đắc địa lắm đâu. Với mèo, phải thịt mỡ, chứ không chỉ miếng thịt nói chung, bởi khoái khẩu của mèo vẫn là mỡ chứ không hẳn là thịt, vì thế thành ngữ mới đúc kết “Như mèo thấy mỡ” là vậy.
Miếng mỡ đó, chỉ mèo mới theo, mới đeo đuổi thèm thuồng, hễ chủ nhà bê đến chỗ nào là nó lẽo đẽo theo sau chờ chực, hễ có cơ hội là chộp liền. Do miếng ngon đó vẫn còn ngoài tầm, chưa xơ múi được gì nên nó mới theo. Còn tha lại khác, là nó đã ngoạm, đã cắn chặt vào miệng, đã mang đi rồi; nếu như thế lại không làm nổi bật sự trái khoáy giữa sự việc “theo” của mèo; và “tha” của cọp. Hỡi ôi, mèo chỉ mới theo miếng mỡ, tứ bề đã ồn ào cảnh giác, xua đuổi - mà dẫu, có hào phóng cho đi thì chẳng ảnh hưởng, đáng kể gì bởi người ta thường bảo “Ăn như mèo”, tức ăn rất ít. Chỉ ăn tẻo tèo teo. Trong khi đó, cọp xơi luôn cả con lợn, ai nấy im re bà rè dẫu hỏng ăn, tiếc đứt ruột nhưng nào dám ho he lấy nửa câu!
Với con lợn, hơn 600 năm trước, nhà chính trị thiên tài Nguyễn Trãi đã miêu tả:
Dài hàm, nhọn mũi cứng lông
Được dưỡng vì chưng có thửa dùng
Với hai câu thơ này, theo TS Trần Trọng Dương thì tác giả còn chơi chữ nữa dẫu không có từ lợn nhưng ai cũng biết tả… con lợn! Vì “Dài hàm, nhọn mũi” dịch từ câu: “Trường chủy tướng quân” (Tướng quân mõm dài) trong sách “Cổ kim chú”; còn “cứng lông” dịch từ “cang liệp” mà sách “Khúc lễ” đã dùng để chỉ con lợn! Rõ ràng, không chỉ đọc ca dao mà ngay cả thơ của người xưa để có thể thấu hiểu hết thâm ý ắt cũng không dễ.
Mà cô Hai ơi, các từ chưng/ vì chưng qua vài thí dụ vừa nêu trên, nay ta thấy hầu như đã biến mất trong lời ăn tiếng nói. Trong khi đó, sức sống của chưng trong bánh chưng vẫn còn tồn tại. Chắc chắn trường tồn mãi mãi với non sông gấm vóc nước Việt. Không bao giờ mất đi. Với bánh chưng, không chỉ trong sinh hoạt hiện tại, còn có thể tìm thấy từ ca dao tục ngữ như Ăn chực đòi bánh chưng, Vuông như bánh chưng tám góc, Dửng dưng như bánh chưng ngày Tết…; riêng, “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” thì “tràng pháo” đã “Mất hút con mẹ hàng lươn” vì không còn phù hợp với nếp sống thời đại công nghiệp hóa. “Thừa tiền mua pháo đốt chơi/ Pháo nổ lên trời, tiền vứt xuống ao”. Dẫu thừa tiền cũng chả dại. Xin vỗ tay, hoan nghênh một phát, phải không cô Hai?
Ngày Tết nấu bánh chưng, có nhân thịt lợn là lẽ tất nhiên. Có điều con lợn ấy, trong Nam lại gọi con heo. Ngoài ra, nó còn được gọi hợi, theo nhà nghiên cứu An Chi: “Xét về văn tự học thì chữ hợi là một biến thể của chữ thỉ có nghĩa là heo”; nếu thích người ta cũng gọi trư. Nếu văn học cổ điển Trung Quốc, có nhân vật Trư Bát Giới nổi tiếng thì Việt Nam ta chẳng kém cạnh gì. Cũng có nhân vật lừng danh không kém: Trạng Lợn.
Nếu Trạng Quỳnh có nguồn gốc phát tích từ Thanh Hóa, thì Trạng Lợn quê ở làng Mạnh Chư, huyện Bình Lục (Hà Nam). “Khác với Trạng Quỳnh, ngay cái tên Trạng Lợn cũng giàu ý vị hài hước. Nguyên trước Trạng có tên là Trạng Dừa. Dừa là tên nôm của làng Mạnh Chư mà “chư” đồng âm với chữ “trư” là lợn” (“Trạng Lợn” - Hội VHNT Hà Nam Ninh XB năm 1987, tr. 8). Lối chơi chữ này, với dừa, người Nam lại đọc thành “vừa” vì thế mâm ngũ quả ngày Tết thường có dừa là thế, nó nằm chung với các trái cây khác như mãng cầu, đu đủ, xoài như tâm nguyện “Cầu vừa đủ xài”.
Nghe đùa rằng, về sau, có người bèn chưng thêm cả cái líp nữa - tức roue libre: “Bộ phận của máy móc gồm hai vòng tròn kim loại lồng vào nhau, chỉ quay tự do được theo một chiều: líp xe đạp, xích líp”, “Đại từ điển tiếng Việt” (1999) giải thích. Sở dĩ có thêm cái líp này bởi trong tiếng Việt, líp có nghĩa tha hồ, thả cửa, tùy thích; đến mức độ hoành tráng hơn nữa là líp ba ga. Thế thì, thêm cái líp trong mâm ngũ quả, ta hiểu là “cầu vừa đủ xài líp ba ga”. Sướng thế. Chắc đùa thôi. Nào có ai dám tếu táo đến thế. Nhưng có một loại trái cây khiến nhiều nhà kiêng kỵ ngày Tết chính là trái pom, vì pom đồng âm với bom/ trái bom. Nghe ra bom đạn ì xèo đùng đoàng thì mất vui, chi bằng… né luôn cho nó lành.
Ủa, con lợn đâu rồi, sao lại nhảy sang chuyện trái cây, e lạc đề mất. Không đâu. Con lợn đây nè. Không chỉ trư mà còn có tên gọi nữa, đó là cúi/ heo cúi nhưng nay, cúi đã hoàn toàn biến mất. Sách cổ “Chỉ nam ngọc âm” giải nghĩa có câu: “Hà đồn cúi nước gặp người lội theo”, cúi đích thị là con lợn. “Từ điển Việt - Pháp” của J.F.M Génibrel (1898) còn ghi nhận heo cúi (porc). Thế nhưng khi cụ Đồ Chiểu viết: “Hỏa mai đánh bằng rơm con cúi”, cúi lại là từ đồng nghĩa nhằm chỉ dây rơm bện chặt, đốt cháy một đầu để mồi lửa. Tại sao ngày xưa gọi con heo là con cúi? Đến nay vẫn chưa ai có thể “chốt hạ” khiến chúng ta tâm phục khẩu phục.
Trong “Việt ngữ nghiên cứu” (NXB Đà Nẵng - 1997), nhà văn Phan Khôi dè dặt: “Ở Côn Đảo có một thứ cá gọi là cá cúi, giống con heo, tức lợn, chắc trong nước ta có nơi gọi con heo tức lợn là con cúi” (tr. 86). Đúng là ở nước ta có loại cá này, “Đại Nam quấc âm tự vị” cho biết: “Con cúi: Thứ cá biển nhiều mỡ như heo cũng gọi heo biển; thầy thuốc An Nam hay dùng mỡ nó làm thuốc trái, thuốc ghẻ; da nó cũng dùng một thể hoặc làm đồ ăn”. Không những thế, lợn còn gọi bằng cái tên cực kỳ sang chảnh: ông ỷ. Tức con lợn được nuôi nấng chu đáo, vỗ béo tăng cân nhằm cúng thần.
Có câu đố, đại khái với con heo thì miếng nào ngon nhất? Khỏi phải nghĩ cho mệt đầu, xin bật mí luôn “đáp án”: cái lưỡi là miếng ngon nhất. Tại sao? Vì… “Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”. Đùa thôi. Với việc mổ lợn cúng đình trong dịp vui Xuân đón Tết ở nông thôn miền Bắc ngày xưa, quan trọng nhất vẫn là miếng thịt nầm. Hãy nghe nhà văn Ngô Tất Tố giải thích: “Nó là dải thịt ở bụng con lợn, chạy theo chiều dài của một dẫy vú. Thịt ấy ta thường gọi là thịt bụng, tiếng chuyên môn của phường đồ tể gọi là thịt nầm”. Nó chính là miếng thịt dùng để lau dao trước khi mổ lợn tế thần và còn được gọi “thần huệ”, do đó, nó ngon là ngon vậy. Nếu miếng thịt ấy, kẻ khác “thuổng” mất thì sao? “Một khi cái tội ăn cắp hoặc đánh mất miếng thịt chùi dao bị truy ra, thì kẻ phạm tội cực kỳ nguy nghiệp. Nghèo thì van xin mỏi gối, giàu thì bị làng mổ lợn ăn vạ” (“Việc làng và các tập phóng sự”, NXB Văn hóa Thông tin - 2008 - tr.266).
Thông thường vào những ngày năm cùng tháng tận, chuẩn bị vui xuân đón Tết, nói như cụ Nguyễn Khuyến: “Trong nhà rộn rịp gói bánh chưng” thì “Ngoài cửa bi bô rủ chung thịt”. “Chung thịt” tức “đụng thịt” là nhà nào đó mổ con lợn béo, rủ hàng xóm đến “chia thịt” đem về ăn - gọi là “chia” nhưng phải trả bằng tiền theo giá của tình làng nghĩa xóm; hoặc khất nợ qua năm trả bằng lúa thóc cũng chẳng sao. Xét ra con lợn cũng đóng “vai trò” quan trọng khiến thiên hạ ăn Tết “tươi” hơn, đoàn kết hơn.
Ấy thế, trong “Lục súc tranh công”, nó lại bị con gà chê: “Heo ăn rồi ngủ ngáy sì sì/ Giả ngây dại biết gì về chủ”. Thế là con lợn bèn cãi, thí dụ: “Việc hòa giải, heo đầu công trạng/ Thấy mặt heo nguôi dạ oán thù”. Chà, con lợn lý sự lại cũng “cứng cựa” đấy chứ? Đọc câu “Thấy mặt heo nguôi dạ oán thù”, ắt nhiều người không thể nín cười vì cách nói ngộ nghĩnh quá, cũng tỷ như thời bao cấp trước đây có câu than phiền nghe ra cũng bật cười về mối quan hệ giữa cán bộ Ty và cấp thấp hơn: “Ty về lợn đón, gà đưa/ Về ty báo bữa cơm trưa khó lòng”.
Dù con lợn trong “Lục súc tranh công” có cãi, cãi thì cãi thế, tuy nhiên ta thừa biết tỏng nó vẫn còn ấm ức vì bỗng dưng… bị thiên hạ lôi cái xịch vào cụm từ “phim con heo”, mặc dù nó chẳng hề đóng phim xxx bao giờ cả. Đúng là oan ông Địa. Mà thôi, chuyện này ta sẽ bàn sau, Xuân đã đến, Tết đã về, mọi việc tạm gác lại đó, trước mắt hãy tì tì thưởng thức: “Tứ thời bát tiết canh chung thủy/ Ngạn liễu đôi bồ dục điểm trang”. Dù không cần dịch: “Bốn mùa tám tiết lòng chung thủy/ Bờ liễu non bồ dục điểm trang” nhưng ai cũng biết món ngon đó có liên quan đến lợn là nhờ… cụm từ “bát tiết canh”. Cụ Nguyễn Khuyến chơi chữ khi viết giúp cho cửa hàng bán thịt lợn như thế này, quả là đại bút.
Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/so-tay/don-tet-nam-trau-ru-nhau-dung-lon-628784/