Đón Tết rằm tháng Bảy ở Cao Bằng

Với người dân Cao Bằng dịp rằm tháng Bảy là cái tết thứ hai trong năm. Vào ngày 14 - 15/7 âm lịch hằng năm, các gia đình lại quây quần bên nhau, đây là dịp cho con cháu báo hiếu, thể hiện tình cảm với gia tiên, ông bà, cha mẹ.

Thông thường, người dân ăn Tết rằm tháng Bảy từ ngày 13 đến hết ngày 15/7 âm lịch. Chợ phiên các huyện những ngày này chủ yếu bán vịt, bánh gai, nhộn nhịp người qua lại, chợ gần như không hoạt động vào ngày lễ chính mà đông đúc nhất vào phiên áp rằm.

Những ngày này, gia đình nào cũng chuẩn bị mâm lễ dâng lên ông bà tổ tiên, đặc biệt trong đó không thể thiếu món thịt vịt, bún và bánh gai. Đây chính là nét đặc trưng của Tết rằm tháng Bảy. Dịp này, mọi gia đình đều nhộn nhịp, con cháu tụ hội vui vẻ chuẩn bị làm bánh, làm bún tươi truyền thống…

Gói bánh gai truyền thống trong dịp rằm tháng Bảy.

Gói bánh gai truyền thống trong dịp rằm tháng Bảy.

Một món ăn truyền thống khác không thể thiếu trong ngày này là món bánh gai. Nguyên liệu làm món bánh gai cần chuẩn bị: gạo nếp, lá gai, đường phên, đỗ xanh để làm nhân bánh, một số nơi còn thêm dừa bào sợi, thịt mỡ vào nhân cho thơm ngon. Bột bánh gai gồm nếp hương, lá gai phơi khô, luộc, giã qua rất nhiều lần, rây tơi, mịn, thơm ngào ngạt, đen bóng đặc trưng. Ngoài ra, còn chuẩn bị thêm lá chuối phơi một nắng cho mềm, dẻo dai để gói bánh. Qua nhiều công đoạn, với sự khéo léo tỉ mỉ, sau khi bánh gai ra thành phẩm sẽ có lớp vỏ bánh màu đen bóng bắt mắt, gói bên trong là lớp nhân đậu xanh, dừa, thịt mỡ tạo thành một món ăn có hương vị hài hòa, hấp dẫn.

Đặc biệt, vào rằm tháng Bảy nhiều gia đình còn làm thêm bún tươi truyền thống, nguyên liệu chính để làm món này đó là gạo. Gạo được ngâm qua đêm, được say, xát thành bột mịn, sau đó được cho vào túi vải buộc chặt để ráo nước, tiếp đó nặn thành từng bánh bột. Bột được cho lên bếp để luộc, sau khi đã chín, bánh được giã sao cho thật dẻo rồi mang vào khuôn để ép thành sợi bún. Bún có thể dùng tươi trực tiếp sau khi vừa ra lò, hoặc nhiều gia đình làm thành sợi bún khô để sử dụng lâu dài. Bún được làm theo quy trình truyền thống cho hương vị rất thơm ngon, dẻo dai, rất riêng biệt.

Từ ngày 14 âm lịch, dòng người trở nên đông đúc trên các ngả đường với phong tục “pây tái” truyền thống của nhân dân các dân tộc Tày, Nùng. Lễ "pây tái" mang ý nghĩa những người con gái sau khi đi lấy chồng, quanh năm cùng chồng con chú tâm công việc làm ăn nơi nhà chồng, lo toan quán xuyến hương khói thờ phụng ông bà tổ tiên nhà chồng. Trong năm, có ngày mùng 2 tháng Giêng và ngày rằm tháng Bảy là dịp người con gái được trở về nhà bố mẹ đẻ để chăm sóc, báo hiếu cha mẹ và sửa soạn lễ cúng tạ ơn ông bà tổ tiên. Những vật phẩm mang về nhà ngoại không thể thiếu đôi vịt là lễ vật quan trọng nhất, rồi đến bánh gai, bún, bánh kẹo, hương, tiền vàng,…

Với người Tày, Nùng ở Cao Bằng, dịp rằm tháng Bảy đặc biệt quan trọng bởi theo quan niệm đây là dịp để con cái báo hiếu với bố mẹ, tổ tiên và những người đã khuất. Là dịp để con rể thể hiện lòng tôn kính, lòng biết ơn công sức sinh thành, nuôi dạy người con gái của bố mẹ vợ giờ là vợ của mình. Đồng thời cũng là cơ hội để thắt chặt tình cảm giữa những người trong gia đình, trong dòng tộc, họ hàng và tình làng nghĩa xóm với nhau. Những người đi làm ăn xa, dịp này cũng nhất định phải trở về đoàn tụ cùng gia đình.

Mâm cỗ ngày rằm tháng Bảy với những món ăn đặc trưng.

Mâm cỗ ngày rằm tháng Bảy với những món ăn đặc trưng.

Sau khi gia đình chuẩn bị mâm cúng, bày biện mâm cỗ lên bàn thờ, thắp hương cho tổ tiên. Tiếp đó, mâm cỗ được để ở ngoài trời để cầu mong thần linh phù hộ cho mưa thuận, gió hòa, giúp cho cây trồng tươi tốt. Các loại vàng mã, giấy tiền được bày lên bàn thờ, sau đó hóa vàng cho tổ tiên và cầu mong các thành viên trong gia đình sức khỏe, gặp nhiều may mắn trong cuộc sống.

Anh Nông Văn Ích, tổ 5, phường Ngọc Xuân (Thành phố) chia sẻ: Dù cuộc sống có bận rộn, nhưng đúng ngày 15 âm lịch rằm tháng Bảy năm nào tôi cũng đưa vợ con về nhà ngoại báo hiếu tổ tiên, ăn bữa cơm thân mật, thưởng thức những món ăn quen thuộc trong không khí vui vẻ, đầm ấm.

Mặc dù nhịp sống hiện đại hối hả, với bộn bề công việc, nhưng rằm tháng Bảy chính là dịp để mọi người sống chậm lại, là lúc cả gia đình bên nhau nhớ về cội nguồn, con cái được thể hiện tấm lòng hiếu thảo với cha mẹ. Đây là nét văn hóa đặc sắc, đậm tính nhân văn cần được gìn giữ, bảo tồn và phát triển.

Khánh Duy

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/don-tet-ram-thang-bay-o-cao-bang-3171355.html