Đón Tết trên non cao
Chúng tôi chờ đợi, háo hức khi được anh Mùa A Chinh, Chủ tịch xã Tà Xùa (Bắc Yên, Sơn La) mời lên chơi bản, chung vui cùng bà con, đón Tết cổ truyền người Mông. Xã Tà Xùa nằm ở lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa, huyện Bắc Yên, được xem như thiên đường săn mây đẹp nhất Tây Bắc. Nằm ở độ cao gần 2.000m so với mực nước biển, đồng bào Mông đã định cư lâu đời trên vùng đất của mây, gió. Mỗi bản nhỏ của người Mông nằm chót vót trên quả núi với khoảng 40-50 nóc nhà đơn sơ. Nhà Mông thường làm bằng đất (kiểu trình tường) hoặc gỗ (kiểu nhà sàn thấp chỉ có 1 tầng).
Anh Mùa A Chinh nhiệt tình dẫn chúng tôi vào các thôn bản để ngắm cảnh, xem bà con đón Tết. Mấy vị trưởng thôn, trưởng bản, hay các cụ cao niên gặp khách phương xa cũng vui vẻ làm hướng dẫn viên. Theo chân các anh, chúng tôi lang thang trên những cung đường đất uốn lượn men theo sườn núi, đến thăm các bản ở Tà Xùa như Tà Xùa A, Tà Xùa C, Trung Chinh, Mống Vàng, Khe Cải… Trong nắng xuân, những cây đào khoe sắc bên biển mây trắng bồng bềnh khiến đất trời đẹp như tiên cảnh.
Thường vào cuối tháng 11 Âm lịch, khi mùa hoa đào nở rộ, người Mông bắt đầu chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc mình. Tết Mông diễn ra trong 3 ngày đầu tiên của tháng 12 Âm lịch, sớm hơn Tết Nguyên đán 1 tháng. Trước Tết Mông khoảng 1 tuần, phụ nữ nghỉ lên nương, ở nhà giặt quần áo, dọn dẹp nhà cửa… Họ cùng nhau đi chợ phiên mua nhu yếu phẩm cho gia đình đón Tết. Vợ chồng, con cái cùng nhau mang quần áo ra phơi để kịp có đồ mặc chơi Tết.
Vào thăm mấy nóc nhà, chúng tôi được xem cảnh phụ nữ Mông khéo tay ngồi bên hiên để thêu dệt các bộ trang phục truyền thống. Vài hộ gia đình khá giả còn sắm máy khâu để may những bộ áo váy truyền thống cho con, em mình mặc Tết. Ở một khu sân khác, không khí sôi nổi với tiếng cười, đùa không ngớt. Thì ra, mấy chàng trai, cô gái trẻ trung đang thi nhau giã bột để làm bánh dày. Bên cối bột, em gái Hờ Thị Nu cho biết, người Mông dù giàu hay nghèo đón Tết nhất định phải có bánh dày. Bánh dày được bày lên mâm cỗ để cúng tổ tiên, thầy núi và đất trời trong dịp Tết Mông và Tết Nguyên đán.
Đến hôm Tết chính của người Mông, thanh niên phụ nữ cùng nhau sắp mâm cỗ cúng cho gia đình. Người đàn ông cao tuổi là trụ cột trong gia đình đứng ra cúng bái tổ tiên. Mâm lễ cúng dịp Tết được người Mông đặt sát vách nhà, bên trên có dán những tờ giấy màu lạ mắt. Sau khi hạ lễ, mọi người cùng nhau quây quần ấm cúng thưởng thức. Khách đến chơi được chủ nhà mời ngồi ở vị trí trang trọng. Dịp Tết là những ngày bọn trẻ vui sướng nhất, khi được diện bộ trang phục mới đẹp đi chơi với bạn bè. Đứa chơi quay, đứa thả diều, đứa ném còn.
Tạm biệt Tà Xùa, chúng tôi sang Mộc Châu (Sơn La) để đón cái “Tết trắng” cùng bà con người Mông. Khi những thung lũng hoa mận ở đây nở trắng xóa có nghĩa mùa Tết, mùa xuân đã về. Có mặt thung lũng Nà Ka, thị trấn Nông trường Mộc Châu, chúng tôi đắm chìm vào thiên đường trắng của sắc hoa mận. Tại các bản làng Phiêng Luông, Lóng Sập, Chiềng Sơn, Tân Lập… đâu đâu rừng núi cũng nhuộm một màu trắng ngát hương thơm. Đây cũng là lúc bà con ở các bản Mông tại Mộc Châu rục rịch chuẩn bị đón Tết cổ truyền. Các bản ở đây cũng đón Tết Mông trong 3 ngày đầu tháng 12 Âm lịch, rồi sau đó dành ra vài ngày để đi chơi Tết, chơi hội. Đến cuối tháng 12 Âm lịch, họ tiếp tục đón Tết Nguyên đán.
Một nét thú vị là vào Tết Nguyên đán, người Mông ở Mộc Châu coi tiếng gà gáy đầu tiên trong ngày mồng 1 là thời khắc năm mới, không phải lúc giao thừa đúng 0 giờ như người Kinh dưới xuôi. Bà con tổ chức nhiều lễ hội với các trò chơi dân gian độc đáo, hấp dẫn như cầu bập bênh, đánh còn, ném pao, chơi quay, múa ô trong trang phục váy truyền thống… Các bản Mông ở đây còn tổ chức nhiều môn thể thao hiện đại như bóng đá, bóng chuyền cho cả nam và nữ, cả già lẫn trẻ.
Lên cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) dịp Tết đến, xuân về chúng ta được chiêm ngưỡng bức tranh phong cảnh hùng vỹ, cuốn hút mang tên “Muôn hoa nở bên đá”. Cung đường Hạnh Phúc dài 185km mang đến cho bà con đồng bào vùng cao Hà Giang những cái Tết ấm no cùng mùa xuân vui tươi phơi phới. Đến Phố Cáo, Phó Bảng, hay thung lũng Sủng Là dịp cuối năm Âm lịch, mọi người sẽ thấy bà con người Mông bắt đầu chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. Lúc này, vườn cải đã bung nở nhuộm vàng thung lũng, những gốc đào bung sắc đỏ bên hàng rào đá.
Tết nơi miền cao nguyên Đá không chỉ đẹp bởi muôn sắc hoa, còn lộng lẫy bởi vẻ sặc sỡ nhiều màu của những bộ trang phục, nét rộn ràng lễ hội rẻo cao. Những ngày đầu xuân, người Mông ở các thôn bản cao nguyên Đá Đồng Văn chọn bãi đất bằng phẳng, rộng để tổ chức lễ hội Gầu Tào. Thầy cúng, trưởng bản, hay người cao tuổi sẽ đứng ra tổ chức nghi lễ cúng giữa trời đất. Đồ lễ cúng hội thường có gà trống, thủ lợn, nải chuối, chai rượu, cành đào đang nở hoa… Sau lễ cúng, mọi người bắt đầu khai hội vui chơi. Những chàng trai Mông thi tài thổi khèn, múa khèn, thi thổi sáo Mèo… Những thiếu nữ diện bộ váy lộng lẫy nhất, nhịp nhàng uyển chuyển điệu múa theo tiếng khèn, tiếng sáo.
Không chỉ bản Mông, đồng bào Lô Lô ở Cực Bắc thuộc xã Lũng Cú, Đồng Văn, cũng có ngày Tết, ngày xuân vui tươi, nhộn nhịp. Đến bản Lô Lô Chải, xã Lũng Cú những ngày Tết chúng ta sẽ được ngắm những cô gái Lô Lô diện bộ trang phục truyền thống sặc sỡ trên người. Đặc biệt, trong mỗi căn nhà trình tường của bà con Lô Lô có các tảng thịt gác bếp vàng, nhìn ngon mắt. Tết của người Lô Lô ở Lũng Cú cũng đầy sắc màu, thú vị. Mọi người dán giấy màu niêm phong vào dụng cụ lao động, chuồng trại ngụ ý rằng chúng đã được nghỉ Tết. Đêm giao thừa mọi người quây quần canh nồi bánh chưng, nghe người cao tuổi kể chuyện, nhâm nhi chén rượu ngô. Rạng sáng đầu năm mới, trai gái, lớn bé kéo sang nhà nhau trộm lộc (cành củi, bắp ngô, ngọn rau cải…)
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/don-tet-tren-non-cao-711608.html