Đón Tết với trà sen xứ Huế
Cứ mỗi một xuân về Tết đến thì trong mỗi gia đình truyền thống đất cố đô không thể thiếu những búp sen đã được ướp trà từ những ngày hè năm trước.
Đối với người Huế, chuyện ăn, uống được coi là một nghệ thuật, là một lạc thú ở đời. Và để có những buổi trà sen ngày Tết, họ cũng đã chuẩn bị một cách công phu và tinh tế đến từng công đoạn.
Thật vậy!
Người già kể lại, từ những ngày xa xưa dưới thời vua chúa còn trị vì trên mảnh đất thần kinh này, cứ mỗi mùa sen đến, vua hay các bậc vương gia quyền thế thường cho các thiếu nữ trinh nguyên chèo thuyền ra những hồ sen chọn những bông sen còn hàm tiếu và dùng tay bỏ vào đóa sen một nhúm trà nhỏ vừa đủ cho một bình trà sáng, sen cổ xứ Huế tuy nhỏ nhưng hương thơm thanh thoát không loài sen nào sánh bằng.
Đêm xuống, cánh hoa cúp lại, hương sen len lỏi vào từng cánh trà. Khi ánh bình minh hé rạng cũng là lúc các thiếu nữ lại chèo thuyền ra ngắt từng bông sen đó dâng vua ngự.
Cách ướp trà sen này thường được gọi là trà sen ướp xổi, ngày nay do nhu cầu của người thưởng ngoạn trà nhiều và để cho hương trà sen xứ Huế đi xa thì người làm trà ở Huế đã có những công đoạn ướp trà có khác chút xíu nhưng chất lượng thì không hề thua kém cách xưa...
Thông thường cứ đến một mùa sen về thì người làm trà đến các hồ sen khắp nơi tại cố đô Huế để chọn mua những bông sen đang chúm chím nở hàm tiếu. Nhưng phải chọn đúng sen cổ của Huế và tốt nhất là sen phải được trồng trong hồ Tịnh Tâm.
Khi sen được đem về, các trà nương dùng bàn tay thon nhỏ của mình nhẹ nhàng cho trà vào giữa hoa sen, xếp từng cánh hoa lại như ban đầu và chọn một phần của lá sen gói nguyên bông sen lại rồi cột lại bởi một cọng dây nhằm định vị toàn bộ bông sen.
Cứ như thế hàng trăm hoa sen đã ủ trà còn nguyên cành sen được cho vào một chum nước cho sen được tươi và đi tiếp chu kỳ tỏa hương của mình. Nước không được ngập hoa sen và trà ướp sen phải được lựa chọn là trà sạch, trà chất lượng.
Cứ thế sau khoảng 5 giờ, sen được cắm trong nước xong thì các trà nương đem ra cắt từng đóa hoa khỏi cành cho vào túi giấy hoặc túi hút chân không rồi đem vào tủ cấp đông.
Trà được ướp khoảng 1 tháng trở lên là có thể dùng nhưng nếu cấp đông đến 5, 6 tháng thì tốt hơn. Để có một buổi sáng với chén trà sen thì tối hôm trước người ta chuyển trà từ ngăn cấp đông ra ngăn mát, sáng mai khi thức giấc ta sẽ có một bông sen ướp trà thơm dịu tâm hồn...
Công phu hơn, tinh tế hơn là ướp trà sen bằng những hạt gạo sen li ti. Đây quả thật là một quá trình công phu, mất nhiều thời gian. Một cân trà ướp hương sen cần có 1.000 đến 2.000 bông sen. Sen được hái khi trời vừa ửng sáng, lúc còn e ấp hơi sương, tinh túy của đất trời còn đọng lại trong đài nhụy sen...
Bông sen còn đẫm sương được tách lấy phần hạt gạo rồi rải đều, cứ một lớp trà một lớp gạo sen, gạo sen được tách ra từ nhụy sen, là phần hạt nhỏ li ti có màu trắng đục đính trên sợi chỉ vàng.
Gạo sen được xem là bộ phận chứa hương thơm nhất của bông hoa và có đặc điểm khô. Cứ một lớp trà sẽ rắc một lớp mỏng gạo sen, sau đó ủ lại. Hương từ gạo sen sẽ quyện vào trà để mang lại mùi đặc trưng cho vị trà sen. Sau cùng phủ một lớp giấy bản.
Ướp như vậy liên tục 7-9 lần, mỗi lần ướp xong lại sấy khô rồi mới ướp tiếp trong khoảng thời gian từ 20-25 ngày đêm. Trà dùng để ướp sen thì phải chọn loại trà sạch đạt tiêu chuẩn hữu cơ, được sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt.
Thế đó! Công phu tinh tế và thú ướp trà sen được nâng lên tầm nghệ thuật của sự tao nhã nơi mảnh đất thơ mộng này. Hãy về với Huế, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán trong tiết trời se lạnh để thưởng ngoạn trà sen sau những tháng ngày bôn ba vì cuộc mưu sinh...
Hương dịu của tách trà sen sẽ làm tâm hồn mình thanh tao hơn, nhẹ nhàng hơn: Nâng niu từng đóa, sen hồ Tịnh/Ngậm trà tinh túy, ủ hương trinh/Nhặt mưa, gói nắng, sương về đậu/Trà sen thưởng ngoạn, đượm ấm tình...
Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/don-tet-voi-tra-sen-xu-hue-172221114100334554.htm