Đông Anh, Hà Nội: Trạm bê tông không phép 'mọc' trong Cụm công nghiệp Thụy Lâm
Cụm công nghiệp Thụy Lâm (Đông Anh, Hà Nội) được kỳ vọng phát triển theo hướng sạch, nay biến thành điểm ô nhiễm do xuất hiện hai trạm trộn bê tông trái phép.
Trong khi cả nước đang thúc đẩy phát triển công nghiệp gắn với tiêu chí “xanh – sạch – bền vững”, thì tại xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh (TP Hà Nội), người dân đang sống trong nỗi lo thường trực về ô nhiễm môi trường. Lo lắng là bởi Cụm công nghiệp Thụy Lâm vốn được quy hoạch theo hướng công nghiệp sạch lại đang xuất hiện 2 trạm trộn bê tông được lắp đặt chỉ cách khu dân cư chừng 150 mét.

Một trạm trộn bê tông nhựa ngay đối diện khu dân cư tại thôn Vân Điềm, xã Vân Hà, huyện Đông Anh
'Tan biến' kỳ vọng “cụm công nghiệp sạch”
Theo Quyết định số 5838/QĐ-UBND ngày 21/10/2019 của UBND TP Hà Nội, Cụm công nghiệp Thụy Lâm được thành lập với kỳ vọng trở thành điểm sáng phát triển công nghiệp sạch trên địa bàn huyện Đông Anh. Cụm có diện tích 17 ha, tổng vốn đầu tư hơn 326 tỷ đồng, do Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng Thanh Bình làm chủ đầu tư. Ngành nghề thu hút chủ yếu là: chế biến gỗ, mộc dân dụng, chạm khắc mỹ nghệ, sơn mài... và các ngành công nghiệp không gây ô nhiễm.
Tuy nhiên, người dân phản ánh và thực tế ghi nhận: Tại thời điểm hạ tầng kỹ thuật của cụm còn đang trong quá trình xây dựng, hai trạm trộn bê tông (xi măng và bê tông nhựa) đã được triển khai lắp đặt chỉ cách khu dân cư khoảng 150m.
Ngày 8/4, phóng viên đã có mặt ghi nhận thực tế, ông Nguyễn Văn Khoát (thôn Vân Điềm, xã Vân Hà, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) đứng trước cửa nhà và chỉ cho chúng tôi thấy: Hai trạm trộn bê tông lắp đặt chỉ cách khu dân cư 150m. Trong đó, trạm trộn bê tông tươi với gần chục thùng chứa đã đi vào hoạt động lâu nay. Hàng ngày xe bồn bê tông ra vào thường xuyên cả ngày lẫn đêm, tiếng ồn, khói bụi làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân.

Trước đó, UBND xã Thụy Lâm yêu cầu tháo dỡ, thời gian thực hiện trước ngày 20/2/2025
Tiếp lời ông Khoát, ông Nguyễn Văn Kiên (cùng trú tại thôn Vân Điềm, xã Vân Hà, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) cho biết, Cụm công nghiệp Thụy Lâm được quy hoạch là cụm công nghiệp sạch nhưng đến nay vẫn chưa thể hoạt động. Mục đích là để tập trung các làng nghề phát sinh xung quanh vào đây hoạt động để tránh ô nhiễm. Thế nhưng, thay vì được như kỳ vọng thì trong cụm lại nhường chỗ cho trạm trộn bê tông gây ô nhiễm.
Nguy cơ “bùng phát” ô nhiễm kép
Điều đáng nói, cư dân thôn Vân Điềm (gần cụm công nghiệp) phản ánh: Họ đang hàng ngày phải chịu đựng ô nhiễm từ mùi khét và khói bụi phát tán từ thôn Quan Độ, xã Văn Môn (Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh). Giờ đây, người dân tiếp tục đứng trước nguy cơ bị bủa vây bởi tiếng ồn và bụi bẩn từ các trạm trộn nói trên.

Bên trong trạm trộn bê tông thương phẩm đã đi vào hoạt động nhiều ngày qua
Ông Nguyễn Đình Mạnh, thôn Vân Điềm, xã Vân Hà, huyện Đông Anh, TP Hà Nội, nêu quan điểm, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan cần quyết liệt, có câu trả lời thỏa đáng cho người dân. Bởi người dân đã gánh chịu ô nhiễm không chỉ khói bụi của trạm bê tông mà còn mùi khét, khói bụi phát tán từ thôn Quan Độ, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, Bắc Ninh.
Người dân đặt câu hỏi: Nếu không có biện pháp xử lý dứt điểm, liệu toàn bộ khu dân cư có trở thành “tâm điểm” ô nhiễm từ mùi – khói – tiếng ồn – bụi bẩn?
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thu, Chủ tịch UBND xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội cho biết, việc xây dựng 2 trạm trộn bê tông trong Cụm công nghiệp Thụy Lâm là không đúng. Theo tài liệu ông Thu cung cấp, trước đó ngày 6/1/2025, Tổ công tác Quản lý đất đai, trật tự xây dựng xã Thụy Lâm đi kiểm tra phát hiện Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng Thanh Bình đang xây dựng 2 trạm trộn bê tông nằm trong dự án.
Qua kiểm tra hiện trường, UBND xã yêu cầu đình chỉ hoạt động xây dựng trạm trộn của Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng Thanh Bình tại Cụm công nghiệp Thụy Lâm. Yêu cầu công ty bổ sung giấy phép xây dựng hạng mục trạm trộn tại Cụm công nghiệp Thụy Lâm theo quy định.
Tiếp đó, ngày 13/3/2025, tại biên bản làm việc giữa UBND xã Thụy Lâm với Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng Thanh Bình về nội dung đơn thư kiến nghị phản ánh của công dân, công ty vẫn chưa có giấy phép theo quy định. UBND xã Thụy Lâm yêu cầu tháo dỡ, thời gian thực hiện trước ngày 20/2/2025.
Trước câu hỏi của phóng viên về việc trạm trộn bê tông vẫn tồn tại và đã đi vào hoạt động, ông Nguyễn Văn Thu cho biết, UBND xã Thụy Lâm sẽ tiếp tục kiểm tra, nếu không tháo dỡ sẽ có văn bản báo cáo UBND huyện Đông Anh theo quy định.

Xe bồn tấp nập ra vào để chở bê tông
Trong bối cảnh chưa nhận được phản hồi rõ ràng từ các cơ quan chức năng, người dân kiến nghị: Tạm dừng ngay việc lắp đặt 2 trạm trộn bê tông nói trên, đồng thời yêu cầu minh bạch hóa hồ sơ pháp lý, đánh giá tác động môi trường và lộ trình đầu tư thực tế của chủ đầu tư.
Thụy Lâm không chỉ là vùng đất giàu truyền thống mà còn là nơi cư trú của hàng nghìn hộ dân đang kỳ vọng vào tương lai đô thị hóa bền vững, văn minh. Việc “cấy ghép” trạm trộn bê tông khi chưa đủ pháp lý, chưa có sự đồng thuận, đang đặt ra một tiền lệ xấu: Lợi ích doanh nghiệp có đang “vượt lên trên” lợi ích cộng đồng?