Đông Anh, Hoàn Kiếm thu ngân sách gấp nhiều lần các tỉnh là điều đáng suy nghĩ
Cần có những bài học về cơ chế phát triển, về Thủ đô, để phát huy hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước. Đây là yêu cầu của Tổng Bí thư khi thảo luận tại tổ về hai dự án luật: Tổ chức chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước.
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định tinh gọn, sắp xếp bộ máy được nhân dân, Quốc hội, các cơ quan đồng tình ủng hộ. Việc tổ chức, triển khai nhanh, tốt, là chủ trương được nhân dân trông đợi.
Phân cấp, phân quyền tạo ra sự năng động, sáng tạo trong quản lý
Một trong những tồn đọng được Tổng Bí thư nêu ra là vấn đề về quản lý ngân sách. Từ thực trạng có ngân sách, có tiềm lực nhưng không phát triển được; có tiền mà không tiêu được do hệ thống luật lệ quy định phức tạp, như: phải đủ yêu cầu quy định mới được tiêu tiền, địa phương này hỗ trợ địa phương khác không được, hợp tác đầu tư công công không được, công dư không được, tư tư lại càng không được,…Tất cả đều bị bó cứng theo kế hoạch ban đầu, theo chủ trương phân bổ từ đầu năm của Quốc hội.
![Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu thảo luận tổ tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_600_51467168/0cbe06463708de568719.jpg)
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu thảo luận tổ tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9.
Tổng Bí thư đặt câu hỏi :“Tất cả đều theo kế hoạch mà Quốc hội phân bổ vốn từ đầu nhiệm kỳ. Dù hằng năm còn tăng thu và nhiều nguồn khác,...Muốn điều chỉnh gì phải xin Quốc hội. Chính phủ lại bổ cho các địa phương. Đồng nào mua muối là phải mua muối, mua gạo là phải mua gạo, lấy tiền mua gạo đi mua muối là không được. Dân thiếu ăn, thiếu gạo, ông bảo muối không cần, cần mua gạo cứu dân là không được thì năng động, sáng tạo ở đâu?”.
Không chỉ cứng nhắc trong thực thi công việc, Tổng Bí thư còn chỉ ra sự chồng chéo trong chức năng, nhiệm vụ của bộ máy dẫn tới khó khăn trong công tác quản lý và phục vụ người dân.
Tổng Bí thư yêu cầu: “Hiện nay, Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Bộ Tài chính đang giữ cả nhiệm vụ thu và chi. Thu, chi nước ngoài là Bộ Kế hoạch - Đầu tư; thu chi nội địa là Bộ Tài chính. Những thứ vô lý như thế phải điều chỉnh”.
![Toàn cảnh phiên họp.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_600_51467168/059013682226cb789237.jpg)
Toàn cảnh phiên họp.
Nhiều bài học được rút ra từ thu ngân sách của Hà Nội
Đánh giá yêu cầu của đất nước hiện nay đòi hỏi phát triển với tốc độ rất cao, rất nhanh, bứt phá. Vì thế còn nhiều việc phải làm, nhiều bài học kinh nghiệm cần nghiêm túc nhìn nhận như cơ chế, phát huy sức lao động, tạo hành lang cho doanh nghiệp,…
“Ví dụ về một quận, huyện của Hà Nội, huyện Đông Anh, Tổng Bí thư đưa ra số thu ngân sách gần 29.000 tỷ, quận Hoàn Kiếm thu khoảng hai mươi mấy nghìn tỷ. Con số này bằng nhiều tỉnh, thậm chí hơn hai chục lần so với một số tỉnh nghèo. Vậy tại sao một huyện, một quận như vậy, với quy mô đất đai và dân số như thế, lại có thể làm được những điều như vậy?”
Tổng Bí thư yêu cầu toàn xã hội phải có sự chuyển mình, thúc đẩy sự tham gia của xã hội vào quá trình nâng cao hiệu quả bộ máy hành chính và củng cố nền dân chủ, huy động sức mạnh của Nhân dân và Nhà nước phục vụ Nhân dân, nâng cao đời sống của nhân dân.