Khi món quà tình yêu thành 'gánh nặng' kinh tế

Những hộp sôcôla ngày Lễ Tình nhân luôn là biểu tượng ngọt ngào của tình yêu. Nhưng năm nay, những món quà này không chỉ thể hiện tình cảm sâu đậm mà còn thể hiện... độ dày của ví tiền.

Sôcôla được trưng bày bán ở Brussels, Bỉ. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN

Sôcôla được trưng bày bán ở Brussels, Bỉ. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN

Sự bùng nổ giá hạt ca cao - nguyên liệu chính làm nên sôcôla - đang khiến những món quà dịp lễ này trở thành một cam kết tài chính lớn hơn bao giờ hết.

Theo ông Philippe de Sellier, Chủ tịch Tập đoàn Leonidas và Hiệp hội sôcôla Bỉ Choprabisco, giá ca cao đã tăng vọt trong 2 năm qua. Từ mức 2.000 USD/tấn vào hè 2022, giá ca cao đã leo thang chóng mặt, đạt đỉnh hơn 12.000 USD/tấn vào mùa Giáng sinh 2023 và hiện vẫn dao động quanh 10.000 USD/tấn.

Ông Bart Van Besien, chuyên gia từ tổ chức Oxfam, cho biết: "Chúng ta đang chứng kiến mức giá cao nhất trong 50 năm qua".

Với Bỉ - quốc gia được mệnh danh là thiên đường sôcôla, đây là cơn ác mộng. Ông Dominique Persoone - chủ thương hiệu Chocolate Line - tự nhận là may mắn khi vẫn có nguồn dự trữ từ trang trại cá nhân tại Mexico. Thế nhưng, đối với nhiều doanh nghiệp khác, nhất là những cửa hàng sôcôla nhỏ, việc đóng cửa là không tránh khỏi.

Thay vì thu lợi nhuận như mọi năm, nhiều nhà sản xuất đành tăng giá bán để bù vào chi phí nguyên liệu, ví dụ giá sôcôla của thương hiệu Chocolate Line đã tăng 20% chỉ trong một năm. Theo ông De Sellier, mức tăng sẽ khác nhau tùy vào từng nhà sản xuất.

Cú sốc giá ca cao không đơn thuần là vấn đề cung - cầu mà là một cơn bão hoàn hảo, khi biến đổi khí hậu, dịch bệnh, đầu cơ hàng hóa và sự thay đổi trong xã hội toàn cầu cùng hội tụ.

Theo ông Van Besien, sản lượng ca cao giảm mạnh do biến đổi khí hậu, khi mô hình mưa và hạn hán bất thường khiến các vùng trồng trọng điểm ở Tây Phi bị ảnh hưởng nặng nề. Dịch bệnh cây trồng càng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt.

Trong khi đó, sự phát triển của tầng lớp trung lưu ở nhiều quốc gia khiến nhu cầu tiêu thụ sôcôla tăng mạnh. Trớ trêu thay, nhiều nông dân đã bỏ ruộng vườn để tìm kiếm cơ hội tốt hơn ở thành phố, càng làm nguồn cung ca cao suy giảm. Ông Van Besien nhận định sự nghịch lý của thị trường ca cao nằm ở chỗ: khi giá thấp, người nông dân không đủ sống nên bỏ nghề; còn khi giá cao, nguồn cung lại cạn kiệt.

Thanh Phương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/khi-mon-qua-tinh-yeu-thanh-ganh-nang-kinh-te-20250213171534541.htm