Nằm ở khu vực cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô Hà Nội, huyện Đông Anh ngăn cách Hà Nội bởi con sông Hồng. Phía đông giáp huyện Gia Lâm, quận Long Biên; phía tây giáp huyện Mê Linh; phía bắc giáp huyện Sóc Sơn.
Huyện Đông Anh là cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô Hà Nội có diện tích tự nhiên 185.08km2, quy mô dân số đạt hơn 437.000 người, có 24 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, sau khi huyện Đông Anh được lên quận, các đơn vị hành chính này cũng sẽ được lên phường.
Huyện Đông Anh là đấu mối giao thông quan trọng với nhiều lợi thể phát triển mọi mặt về kinh tế - xã hội thủ đô. Địa phương này được kết nối với thủ đô Hà Nội bởi ba cây cầu lớn là cầu Thăng Long; cầu Nhật Tân và cầu Đông Trù (bắc qua sông Đuống) nối quận Long Biên.
Huyện Đông Anh cách sân bay quốc tế Nội Bài 13 km, có nhiều tuyến đường huyết mạch đi qua như Thăng Long - Nội Bài (đường Võ Văn Kiệt), cao tốc Nhật Tân - Nội Bài (đường Võ Nguyên Giáp), quốc lộ 5 kéo dài (gồm đường Trường Sa và Hoàng Sa), quốc lộ 3...
Trục đường Võ Nguyên Giáp hay còn được gọi là cung đường ngoại giao bởi hầu hết đoàn khách quốc tế khi đến sân bay Nội Bài đều lựa chọn cung đường này để di chuyển về nội đô. Đường Võ Nguyên Giáp chạy qua địa phận 4 xã của huyện Đông Anh bao gồm: Vĩnh Ngọc, Tiên Dương, Vân Nội, Nguyên Khê. Đường có tổng chiều dài 12,1 km, đi từ đầu phía Bắc cầu Nhật Tân và kết thúc tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài.
Tuyến đường dẫn vào trung tâm hành chính của huyện Đông Anh được trang trí cờ hoa rực rỡ chuẩn bị cho lễ kỉ niệm 79 năm ngày Quốc khánh và 79 năm ngày giải phóng huyện Đông Anh.
Huyện Đông Anh được định hướng phát triển thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ, tài chính, thương mại và giao dịch quốc tế khu vực Bắc sông Hồng, đóng vai trò động lực phát triển ở phía Bắc thủ đô.
Những năm trở lại đây, huyện Đông Anh đang phát triển theo hướng công nghiệp hóa, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và thương mại dịch vụ, giảm tỉ trọng ngành nông nghiệp một cách hợp lý.
Khu công nghiệp Thăng Long (thuộc xã Võng La và xã Kim Chung) nằm trên địa bàn huyện Đông Anh được thành lập năm 1997 là một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất tại Hà Nội với diện tích gần 300 ha. Đây là nơi quy tụ các doanh nghiệp FDI lớn như Canon, Panasonic, Yamaha, Sumitomo... Khu công nghiệp này tạo việc làm cho 60.000 lao động, nộp ngân sách mỗi năm khoảng 90 triệu USD.
Biểu tượng mới của huyện Đông Anh là nhà văn hóa huyện trị giá 300 tỷ đồng có thiết kế mái mô phỏng trống đồng Đông Sơn.
Công trình này nằm trên đường Cao Lỗ (đối diện sân vận động Đông Anh) gồm 1 tầng trệt và 4 tầng nổi với tổng diện tích sàn 17.913 m2.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW cơ sở 2 nằm trên địa bàn xã Kim Chung (huyện Đông Anh), đây là một trong những cơ sở y tế hoạt động tích cực nhất và đã cứu chữa được rất nhiều ca bệnh có biến chứng nặng trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát tại Hà Nội.
Thủ đô Hà Nội hiện có 12 quận, trong đó có 4 quận lõi gồm: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng; 8 quận mới gồm: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hà Đông, Hoàng Mai, Long Biên, Tây Hồ và Thanh Xuân. 17 huyện (Đông Anh, Gia Lâm, Ba Vì, Mê Linh, Quốc Oai, Thanh Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Thanh Trì, Phú Xuyên, Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ, Thạch Thất, Thường Tín, Ứng Hòa) và thị xã Sơn Tây. Thành phố đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2025 có 3-5 huyện lên quận, trước mắt là ưu tiên nguồn lực, hoàn thiện các tiêu chí đưa hai huyện Đông Anh, Gia Lâm lên quận vào năm 2025 và hai huyện Thanh Trì và Hoài Đức lên quận vào cuối năm 2025.
Việt Linh