Đóng băng ngành xuất khẩu hoa tươi

Kể từ năm 2016 đến nay, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu hoa tươi Lâm Đồng đạt tăng trưởng âm.

Hoa cúc cắt cành của Đà Lạt Hasfarm phải cắt bỏ để làm phân hữu cơ.

Hoa cúc cắt cành của Đà Lạt Hasfarm phải cắt bỏ để làm phân hữu cơ.

Theo Sở Công thương, số lượng xuất khẩu hoa tươi quý I/2020 đạt 66 triệu cành và chậu hoa các loại, với giá trị 11 triệu USD. Con số này hiện đã giảm 34,1% về lượng và 17,4% giá trị so với cùng kỳ.

Con số tăng trưởng âm này được lý giải do dịch COVID-19 lan nhanh, diễn biến phức tạp ở quy mô toàn cầu, người tiêu dùng ở các nước chỉ quan tâm đến các mặt hàng nhu yếu phẩm, các hoạt động lễ hội đều bị hủy bỏ hoặc hoãn nên nhu cầu tiêu thụ hoa giảm theo.

Thời gian gần đây, tham gia xuất khẩu hoa tại Lâm Đồng, ngoài các doanh nghiệp FDI, một số hộ tư nhân, doanh nghiệp tại Đà Lạt cũng tìm kiếm thị trường xuất khẩu thông qua liên kết hợp tác quốc tế với các nhà phân phối tại các thị trường hướng tới.

Trong các thị trường xuất khẩu hoa, qua Nhật chiếm tỷ trọng cao nhất lên tới 60% sản lượng, Úc chiếm 3,2%, Đài Loan 3,1%, còn lại tập trung ở các nước như Hàn Quốc, Bỉ, Thái Lan, Philippines, Singapore, Nga, Campuchia.

Mỗi năm Đà Lạt xuất bán khoảng hơn 300 triệu cành sang thị trường các nước, chiếm 10% tổng sản lượng hoa của các vùng nông nghiệp Đà Lạt. Sản lượng xuất khẩu hoa tăng đều trong nhiều năm. Tuy nhiên, hiện tại nhìn chung các đơn vị sản xuất hoa đều lao đao, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu hoa.

Ông Huỳnh Tấn Sơn - Giám đốc Công ty Hoa Mặt Trời cho biết: “Bắt đầu từ năm 2017, lan Vũ nữ của Công ty đã đi vào thị trường Nhật Bản và phát triển ổn định. Hiện Công ty có 10 ha đang sản xuất và gần 15 ha liên kết với các nông hộ. Khi dịch COVID-19 bùng phát, những đợt hoa của Công ty vẫn đang cho thu hoạch; ngoài ra công ty còn thu mua cho người dân theo hợp đồng liên kết, song tất cả hoa phải hủy hết vì không thể xuất đi. Ông Huỳnh Tấn Sơn chia sẻ thêm, “Không chỉ hoa cắt cành xuất khẩu, mà một lượng lớn cây giống xuất sang các thị trường châu Âu, Mỹ cũng ngừng hết vì các thị trường này đóng cửa và các chuyến bay quốc tế cũng ngưng hoạt động. Việc tiêu thụ các sản phẩm hoa cho thị trường nội địa cũng không khá khẩm hơn”.

Còn đối với Công ty Đà Lạt Hasfarm - đơn vị đứng đầu về sản xuất và xuất khẩu hoa ở Lâm Đồng cũng không ngoại lệ. Ông Nguyễn Văn Bảo - Phó Tổng Giám đốc Công ty cho biết: Xuất khẩu hoa của Đà Lạt Hasfarm cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Cụ thể, thị trường Trung Quốc đóng cửa hoàn toàn, Đài Loan, Hồng Kông giảm mạnh. Đây là những thị trường xuất khẩu hoa cúc chủ yếu của Hasfarm song hiện nay đã gần như tê liệt. Hiện sản lượng hoa cắt cành xuất khẩu của công ty giảm tới 40%, sản lượng hoa tiêu thụ tại thị trường nội địa giảm 50%. 14/18 cửa hàng phân phối hoa của Hasfarm đặt tại Sài Gòn và Hà Nội đều phải tạm đóng cửa. Mặc dù thiệt hại do đóng cửa hơn hàng tỷ đồng so với việc duy trì, song Hasfarm vẫn quyết định đóng cửa bởi không thể biết được thời điểm nào dịch bệnh được kiểm soát.

Ông Bảo cho biết thêm, Hasfarm hiện liên kết với hơn 200 hộ, diện tích 35 ha, trong đó, có tới 60 hộ liên kết sản xuất hoa cúc. Đối với các nông hộ này, những hộ đã xuống giống hoa cúc, Công ty Hasfarm vẫn tiếp tục thu mua trong vòng 2 tháng rưỡi tiếp theo. Mặc dù hoa cúc thu của người dân về công ty chỉ có cách băm bỏ. Hasfarm hiện sản xuất trên diện tích 320 ha ở trên 4 farm. Trong đó hơn 50% sản xuất hoa cúc. Ở thời điểm này, toàn bộ công nhân viên của Hasfarm chuyển sang sản xuất theo ca, chủ yếu thực hiện công tác cải tạo đất. Đó là giải pháp để công ty này lược bớt chi phí vận hành song vẫn đảm bảo đội ngũ để sẵn sàng tái sản xuất khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.

H.YÊN - N.NGÀ

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202004/dong-bang-nganh-xuat-khau-hoa-tuoi-2996436/