'Đóng băng' Nord Stream 2 có thể tác động tới giá năng lượng trong tương lai
Theo báo The Local, Đức đã phản ứng trước động thái của Nga ở miền Đông Ukraine bằng thông báo không đưa vào sử dụng dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2).
Chiều ngày 22/2, Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định ông sẽ đình chỉ Nord Stream 2, được xây dựng để cung cấp khí đốt tự nhiên trực tiếp từ Nga tới Đức. Trước đó, Nord Stream 2 không nhận được sự ủng hộ của các nước Đông Âu và Mỹ, song Chính phủ Đức đã phải miễn cưỡng sử dụng vì tầm quan trọng của dự án này đối với tương lai năng lượng của Đức.
Tuy nhiên, ông Scholz đã phải thay đổi chiến thuật sau khi đối mặt với áp lực lớn từ các đồng minh giữa bối cảnh Nga triển khai quân đội dọc khu vực biên giới sát với Ukraine. Từ tháng 1/2022, nhà lãnh đạo Đức đã ngừng gọi (Nord Stream 2) là một “liên doanh kinh tế tư nhân”, điều này ngụ ý rằng Nord Stream 2 sẽ trở thành một phần của gói trừng phạt.
Ngừng Nord Stream 2 tác động thế nào đến việc phân phối khí đốt?
Khoảng một nửa số hộ gia đình ở Đức hiện sưởi ấm bằng khí đốt tự nhiên. Vì vậy, nhiều người đang tự hỏi rằng liệu quyết định ngừng dự án Nord Stream 2 có khiến người dân bị ảnh hưởng trong những ngày giá rét còn lại của mùa Đông không?
Hầu hết các nhà phân tích dường như không quan tâm đến kịch bản này. Cho đến nay, chưa có nguồn khí đốt nào chảy qua đường ống Nord Stream 2, chạy dưới Biển Baltic từ cảng Vyborg của Nga đến bờ biển Đức. Mặc dù việc xây dựng đã hoàn tất hồi năm ngoái nhưng đường ống vẫn đang chờ giấy phép từ các cơ quan chức năng của Đức.
Do đó, quyết định “đóng băng” dự án sẽ không làm cho lượng khí đốt nhập khẩu vào Đức bị giảm. Kịch bản quan ngại hơn lúc này là Nga sẽ phản ứng bằng cách hạn chế nguồn cung thông qua các đường ống vốn đang cung cấp cho châu Âu chạy qua Ukraine và Ba Lan hiện nay.
Đức phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga. Riêng khí đốt tự nhiên chiếm hơn 1/4 các nguồn năng lượng chính của nước này, trong đó khoảng 55% nguồn cung nhập khẩu từ Nga. Vì vậy về lâu dài, việc Nga ngừng xuất khẩu sang Đức sẽ gây ra những hậu quả lớn đối với an ninh năng lượng. Tuy nhiên, với nguồn cung ngắn hạn, các nhà phân tích và chính giới tin rằng vẫn có thể an toàn.
Phát biểu trong ngày 22/2, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã tìm cách trấn an người dân rằng họ không cần quá hoảng sợ, an ninh nguồn cung sẽ được đảm bảo trong mùa Đông này. Ông Habeck tuyên bố rằng Đức có thể tăng nhập khẩu từ Na Uy và Hà Lan, những nhà cung cấp lớn thứ hai và thứ ba sau Nga.
Ngoài ra, nền kinh tế lớn nhất châu Âu này có thể nhập khẩu thêm khí đốt hóa lỏng (LNG) mà Mỹ hiện là nhà xuất khẩu lớn. Hơn nữa, trong mùa Đông này, Đức có các kho dự trữ khí đốt tự nhiên lớn trong các hồ chứa ngầm dưới lòng đất. Theo Hiệp hội dự trữ khí đốt tự nhiên (INES), Đức có 47 hồ chứa tương tự và hiện có khoảng 1/3 số hồ đã đầy.
Jörg Krämer, chuyên gia kinh tế trưởng tại Commerzbank, ước tính: “Đức có thể cầm cự đến mùa Thu vì nước này vẫn còn khoảng 30 tỷ m3 dự trữ. Bên cạnh đó, nhiều khí đốt hóa lỏng hơn sẽ được nhập khẩu và mức tiêu thụ trong những tháng mùa Hè là tương đối thấp”. Trong khi đó, ông Tobias Federico thuộc Công ty tư vấn Energy Brainpool cho biết các cơ sở dự trữ khí đốt hiện đầy hơn dự kiến.
Triển vọng giá năng lượng
Một mối quan tâm khác là Nga có thể tìm cách tạo ra sự khan hiếm nguồn cung để đẩy giá trên thị trường năng lượng châu Âu lên. Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã phản ứng với quyết định của Đức ngừng dự án Nord Stream 2, bằng dòng trạng thái trên Twitter rằng: “Chào mừng bạn đến với thế giới mới, nơi người châu Âu sẽ sớm trả 2.000 euro cho 1.000 mét khối khí tự nhiên”.
Giá năng lượng đã ghi nhận mức cao kỷ lục vào năm ngoái, không chỉ do cuộc khủng hoảng Ukraine mà còn do nhu cầu gia tăng ở khu vực Đông Á. Các nhà phân tích và chính giới Đức đều dự báo giá trên thị trường năng lượng sẽ tăng đột biến trong ngắn hạn.
Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck nói: “Tôi dự đoán giá khí đốt sẽ tăng trong ngắn hạn, nhưng về trung hạn, hy vọng thị trường sẽ nhanh chóng lắng xuống”. Tuy nhiên, ông Habeck chỉ ra rằng tình trạng đầu cơ và sự bấp bênh về nguồn cung trên thị trường trong tương lai có thể dẫn đến hiện tượng tăng giá.
Chuyên gia Clemens Fuest, Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế Ifo ở Munich, nhận định: “Ngay cả khi nguồn cung khí đốt không bị cắt giảm, vẫn sẽ có một cú sốc về giá, ít nhất là tạm thời”.
Đồng quan điểm này, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng phát triển của Đức (KfW) Fritzi Köhler -Geib, cho biết: “Nỗi lo sợ chiến tranh luôn hiện hữu ở châu Âu, có khả năng ảnh hưởng đáng kể đến nguồn cung và giá năng lượng, cũng như nhiều mặt hàng khác”. Đó là chưa kể vẫn còn mối lo ngại rằng giá năng lượng cao hơn sẽ làm gia tăng lạm phát, vốn đang ở mức cao nhất kể từ những năm 1990.
Bộ trưởng Kinh tế Habeck tuyên bố giải pháp dài hạn để vượt qua sự kiểm soát của Nga đối với giá khí đốt là tăng tốc đầu tư vào năng lượng tái tạo. Chỉ có một cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo lớn hơn mới có thể làm cho nước Đức “thoát khỏi cuộc chiến kích động và thao túng giá cả” của các nước khác./.