Đồng bằng sông Cửu Long chủ động phòng, chống cúm gia cầm

Hiện nay, các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chưa ghi nhận ca nhiễm bệnh cúm A (H5N1). Tuy nhiên, trước thông tin dịch cúm A (H5N1) diễn biến phức tạp tại Campuchia, các tỉnh, thành phố trong vùng đã kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch từ biên giới đến nội địa, vận động hộ chăn nuôi, người tiêu dùng nâng cao nhận thức, chấp hành nghiêm các quy định của cơ quan chức năng.

Chủ động tiêm phòng và xây dựng kịch bản ứng phó

Hằng năm, khi những cánh đồng trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu thu hoạch dứt điểm vụ lúa đông xuân cũng là lúc người nuôi vịt ở các tỉnh, thành phố lân cận đưa đàn về lưu trú. Tuy nhiên năm nay, dù hàng chục héc-ta lúa đã thu hoạch xong nhưng trên cánh đồng vẫn chưa có đàn vịt chạy đồng nào xuất hiện. Theo ngành chức năng tỉnh Bạc Liêu, thông thường, thời gian lưu trú của đàn vịt chạy đồng ở mỗi địa điểm khá ngắn. Mặt khác, một số địa bàn giáp ranh có địa hình sông ngòi chằng chịt nên khâu quản lý khá nhọc nhằn. Trong bối cảnh dịch cúm gia cầm diễn biến phức tạp, địa phương hạn chế đàn vịt di trú, đồng thời tăng cường rà soát việc tiêm phòng. Trường hợp đàn vịt di trú không có giấy kiểm dịch hoặc giấy chứng nhận tiêm phòng hết hạn, địa phương sẽ kiên quyết trả về.

Cán bộ thú y tiêm phòng vaccine cho đàn vịt của người dân ở huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp.

Cán bộ thú y tiêm phòng vaccine cho đàn vịt của người dân ở huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp.

Tại Đồng Tháp, theo thống kê, toàn tỉnh có khoảng 3,5 triệu con gia cầm. Trong đó, vịt là một trong 5 ngành hàng chủ lực được địa phương lựa chọn để tái cơ cấu nông nghiệp. Trước thông tin nước láng giềng xuất hiện dịch cúm gia cầm, hơn 40 thành viên trong Hội quán Tân Hòa ở xã biên giới Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng đã tăng cường theo dõi, quản lý đàn vật nuôi.

Với hơn 10 năm kinh nghiệm chăn nuôi gia cầm, đồng thời cũng là Chủ nhiệm Hội quán Tân Hòa nên ông Hồ Quang Toản luôn ý thức và thực hiện nghiêm việc phòng, chống dịch cúm gia cầm để bảo đảm vật nuôi phát triển khỏe mạnh, không ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người. “Trong quá trình nuôi, tôi cũng tiêm đủ vaccine phòng bệnh cho đàn gia cầm, phun thuốc khử trùng tiêu độc, rắc vôi bột xung quanh chuồng nuôi theo khuyến cáo, hướng dẫn của các ngành chức năng. Nếu mình thực hiện nghiêm và tốt công tác phòng, chống dịch thì sẽ bảo đảm vật nuôi phát triển khỏe mạnh, kinh tế cũng được bảo đảm, quan trọng hơn là bảo vệ sức khỏe cho gia đình và mọi người xung quanh”, ông Toản bộc bạch.

Theo nhận định của ngành chức năng, thời tiết hiện nay đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường, rất thuận lợi cho virus cúm gia cầm phát triển. Theo ông Vương Hữu Tiến, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau, cùng với kiểm soát, sở đã xây dựng kịch bản ứng phó với 3 giai đoạn dịch xảy ra.

Kiểm soát việc vận chuyển gia cầm tuyến biên giới

Là tỉnh có 2 cửa khẩu quốc tế, 2 cửa khẩu quốc gia và 1 cửa khẩu phụ, có gần 100km đường biên giới tiếp giáp Campuchia, để kịp thời ứng phó với dịch cúm A (H5N1), An Giang đã tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, mua bán gia cầm qua biên giới.

Có mặt tại Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên (An Giang), chúng tôi ghi nhận việc lưu thông qua lại giữa Việt Nam-Campuchia tấp nập với hàng trăm lượt người/ngày. Tuy nhiên, không có gia cầm hay động vật mà chỉ có trao đổi hàng hóa, thăm thân, du lịch... Ông Nguyễn Hoàng Sơn, Phó trạm trưởng Trạm Kiểm dịch động vật Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên cho biết: “Thực hiện công văn của tỉnh về phòng, chống dịch cúm gia cầm, các lực lượng: Bộ đội Biên phòng, hải quan, kiểm dịch động vật, y tế... tích cực phối hợp thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống, kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh. Hầu hết xe chở nông sản, hàng hóa từ Campuchia về Việt Nam tại Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên đều phải đi qua hệ thống phun tiêu độc, khử trùng đạt chuẩn quốc tế”.

Việc ngăn chặn dịch cúm gia cầm ngay từ biên giới cũng được tỉnh Kiên Giang áp dụng. Ngoài hai cửa khẩu Hà Tiên và Giang Thành, tỉnh Kiên Giang còn nhiều đường mòn, lối mở, khu vực chăn nuôi thuận tiện qua lại giữa cư dân hai bên biên giới nên nguy cơ nhập lậu, vận chuyển trái phép gia cầm vào nội địa rất cao. Vì thế, lực lượng Bộ đội Biên phòng luôn tăng cường kiểm soát chặt chẽ các đường mòn, lối mở qua lại biên giới; đồng thời phối hợp chặt chẽ các lực lượng trên địa bàn tổ chức tuần tra, kiểm tra thường xuyên việc trao đổi hàng hóa, gia súc, gia cầm qua cửa khẩu.

Thượng tá Nguyễn Văn Tùng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên cho biết, tất cả người nhập cảnh Việt Nam đều phải đi qua máy cảm biến nhiệt. Các loại hàng hóa gia súc, gia cầm qua cửa khẩu đều có giấy kiểm dịch của lực lượng chức năng. Đặc biệt, đối với người ở các địa phương có dịch cúm gia cầm được kiểm soát chặt chẽ, trường hợp nóng sốt sẽ không được làm thủ tục nhập cảnh. “Chúng tôi thường xuyên trao đổi với các lực lượng chức năng Campuchia để kịp thời thông báo tình hình và xử lý khi có tình huống xảy ra. Đơn vị vẫn duy trì chốt biên giới tuần tra các đường mòn, lối mở và khuyến cáo người dân không nên tham gia, tiếp tay cho các hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép, buôn bán gia cầm lậu, không rõ nguồn gốc. Nếu phát hiện sự việc trên, người dân có thể tố giác để kịp thời ngăn chặn, xử lý”, Thượng tá Nguyễn Văn Tùng cho biết.

Bài và ảnh: THÚY AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/dong-bang-song-cuu-long-chu-dong-phong-chong-cum-gia-cam-721870