Đồng bằng sông Cửu Long chung sức phát triển kinh tế xanh bền vững
Việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh không chỉ là một yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà còn là nền tảng để xây dựng một nền kinh tế bền vững và thịnh vượng cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
ĐBSCL cần cải thiện môi trường đầu tư, phát triển kinh tế xanh bền vững
Là một trong ba đồng bằng lớn trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu, Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện đang đứng trước những thách thức to lớn về kinh tế - xã hội, môi trường.
Trong đó, môi trường, biến đổi khí hậu (BĐKH) và biến động nước xuyên biên giới từ phía thượng nguồn sông Mekong (làm suy giảm nguồn nước và phù sa) cũng như những vấn đề phát triển nội tại ở chính đồng bằng như khai thác tài nguyên thiên nhiên, lạm dụng các loại nông dược trong sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, ô nhiễm môi trường (đất, nước, không khí), các hoạt động khai thác cát và nước ngầm quá mức... đã tác động rất lớn đến hệ sinh thái, đời sống và sinh kế của hàng triệu người dân ĐBSCL.
Với các doanh nghiệp, khảo sát do VCCI triển khai trong năm 2023 cho thấy, có tới 72,4% doanh nghiệp ĐBSCL đang chịu tác động tiêu cực của thiên tai, biến đổi khí hậu; đây là con số cao nhất trong các khu vực trên cả nước.
ĐBSCL cũng đứng trước những cơ hội phát triển mới, với Nghị quyết số 120/NQ-CP năm 2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu và Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 - là bản quy hoạch vùng đầu tiên được tổ chức lập theo cách tiếp cận tích hợp đa ngành, với quan điểm phát triển “thuận thiên”, “chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Theo Báo cáo Kế hoạch Quốc gia thích ứng với BĐKH giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, tổn thất và thiệt hại kinh tế Giai đoạn từ 2011-2016, diện tích rừng ngập mặn vùng ĐBSCL đã giảm gần 10%, còn 179,3 nghìn ha vào năm 2016; 24 khu vực thường xuyên bị xói lở với tốc độ xói lở từ 5-45 m/năm, trung bình mất khoảng 500 ha đất/năm; 562 điểm sạt lở dài gần 800 km. Tình trạng suy thoái đa dạng sinh học diễn ra ngày càng nghiêm trọng, tổn thất và thiệt hại phi kinh tế khí hậu trở nên bất lợi hơn trong 5 năm qua (xâm nhập mặn, hạn hán, xói mòn bờ biển, mưa cực đoan) tác động đến nền kinh tế và sinh kế của địa phương, dẫn đến gia tăng di cư. Khu vực ĐBSCL có tỷ suất xuất cư cao nhất cả nước (cao nhất 13,8 ‰ năm 2021, TCTK, 2023), trong đó gần 99% chuyển đến khu vực Đông Nam Bộ.
BĐKH gây tác động bất lợi tới các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bao gồm: gián đoạn sản xuất kinh doanh, giảm năng suất lao động và doanh thu, gián đoạn kênh vận chuyển, tăng chi phí sản xuất, đình trệ mạng lưới phân phối, giảm chất lượng sản phẩm, thiệt hại cơ sở vật chất, nhân lực... Do vậy, trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức về môi trường và BĐKH, việc phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường trở thành yêu cầu cấp thiết.
Việt Nam nói chung và các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL cũng không nằm ngoài xu hướng này. Do đó, việc cải thiện môi trường kinh doanh đồng thời với bảo vệ môi trường là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết.
Phát biểu tại Hội thảo “ĐBSCL cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững” do VCCI và UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp tổ chức vào ngày 31/ 7/2024 vừa qua, ông Hoàng Quang Phòng - Phó chủ tịch VCCI cho rằng, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh không chỉ là một yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà còn là nền tảng để xây dựng một nền kinh tế bền vững và thịnh vượng.
Một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển, đổi mới và cạnh tranh lành mạnh. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng.
Hơn nữa, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh còn giúp các tỉnh, thành phố trong khu vực ĐBSCL nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút các nguồn lực đầu tư từ cả trong và ngoài nước. Điều này đặc biệt quan trọng khi chúng ta đang hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế xanh và bền vững, đảm bảo sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường.
Điểm sáng về cải thiện môi trường đầu tư tại các tỉnh ĐBSCL
Đồng hành tháo gỡ những điểm nghẽn trong hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp nhà đầu tư, nhiều tỉnh trong vùng ĐBSCL đã tăng cường cải cách hành chính, giảm các thủ tục gây phiền hà, khó khăn cho doanh nghiệp; tổ chức cà phê doanh nghiệp, các hội nghị đối thoại với doanh nghiệp chính thức hoặc không chính thức nhằm chia sẻ, trao đổi, giải quyết kịp thời khó khăn của doanh nghiệp theo quy định và tạo mọi điều kiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp…
Theo dõi kết quả chỉ số PCI, PGI những năm gần đây, Trà Vinh đã có sự bứt phá trong chất lượng chỉ đạo điều hành. Nhìn chung các chỉ số thành phần đều có chuyển biến tích cực. Trong đó, thời gian thực hiện thủ tục hành chính đã được rút ngắn, trùng lặp thanh, kiểm tra ít hơn, gánh nặng cho doanh nghiệp được giảm bớt, tiếp cận đất đai đang có chiều hướng thuận lợi hơn… Trong đó, tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm 2023 đạt 10,27%, đứng đầu khu vực ĐBSCL và đứng thứ 6 cả nước. Đây là mức tăng trưởng cao nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, để cải thiện tốt môi trường đầu tư gắn với phát triển kinh tế xanh hiệu quả bền vững, tỉnh Trà Vinh đang tập trung nguồn lực phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn GAP gắn với thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường; chăn nuôi từng bước chuyển đổi theo hướng chăn nuôi tập trung, an toàn sinh học; phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh và bán thâm canh; nuôi tôm sinh thái kết hợp với trồng rừng, trồng lúa. Phát triển công nghiệp chủ yếu tập trung vào công nghiệp chế biến, chế tạo theo hướng quy trình sản xuất sạch hơn; sản xuất và phân phối điện đang tập trung vào lĩnh vực điện năng lượng tái tạo điện gió, điện mặt trời.
Với 16 năm liền đứng vào top 5 của cả nước về chỉ số PCI, tỉnh Đồng Tháp đang chuyển dịch mạnh sang mô hình sản xuất theo hướng “thuận thiên”, thích ứng với BĐKH, phù hợp với xu thế tiêu dùng, thị trường.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho rằng, trước những thách thức đang đặt ra, việc xây dựng một nền kinh tế bền vững là vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương trong vùng. Với chủ trương thực hiện “kinh tế tuần hoàn” để thúc đẩy “tăng trưởng xanh”, Đồng Tháp đang tập trung chuyển đổi sản xuất đối với ngành hàng chủ lực của tỉnh như lúa gạo, cá tra, sen, xoài và hoa kiểng nhằm kéo dài chuỗi sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, tạo sinh kế lâu dài cho người dân nông thôn; tiếp tục nâng cao chất lượng quản trị môi trường, thúc đẩy thực hành xanh, cải thiện Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển an toàn, bền vững trong sản xuất và tiêu dùng trước sự biến đổi thất thường của khí hậu toàn cầu và thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường do sản xuất, chế biến và tiêu dùng ngày càng nghiêm trọng.
Đề án Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 và việc cụ thể hóa các nội dung cam kết tại Diễn đàn Mekong Startup lần I - năm 2022 tại tỉnh Đồng Tháp nhằm thúc đẩy các mục tiêu "nông nghiệp hiện đại - tuần hoàn - phát thải thấp" khu vực ĐBSCL, đây là một trong những cơ sở giúp cho vùng ĐBSCL đề xuất các bên liên quan để tìm ra giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững trong thời gian tới.
Giải pháp nâng cao chất lượng quản trị môi trường, hướng tới phát triển bền vững qua kết quả PGI
Theo Nhóm nghiên cứu Dự án sáng kiến chỉ số Xanh cấp tỉnh của VCI, phát hiện chỉ số PCI, PGI 2023 cho thấy, qua khảo ĐBSCL là khu vực có điểm số PCI 2023 cao thứ ba cả nước, được doanh nghiệp đánh giá cao về thiết chế pháp lý, gia nhập thị trường.
Vấn đề tiếp cận đất đai thuận lợi so với nhiều khu vực khác, nhưng lợi thế này có dấu hiệu giảm dần và hiện đang là lĩnh vực còn gặp phiền hà nhất. Tỷ lệ doanh nghiệp phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh do gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai từ 37,5% (2022) lên 68% (2023). Cùng với 3 khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là tiếp cận vốn tín dụng, tìm kiếm khách hàng và biến động thị trường đang là thử thách lớn nhất của doanh nghiệp đang phải đối mặt để vượt qua.
Đồng thời ĐBSCL cũng được đánh giá khá tích cực về công tác giảm thiểu môi trường, rủi ro thiên tai, tuân thủ tiêu chuẩn môi trường với điểm số trung vị PGI cao thứ hai trong các khu vực. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp được cơ quan nhà nước hướng dẫn quy định pháp luật về bảo vệ môi trường còn hạn chế, tỷ lệ doanh nghiệp hưởng lợi từ các chính sách khuyến khích đầu tư xanh chưa cao cũng là bài toán đặt ra cần giải quyết…
Ông Phạm Ngọc Thạch - Phó Ban pháp chế VCCI cho rằng, địa phương được coi là có chất lượng quản trị môi trường tốt khi: có những nỗ lực phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm và rủi ro thiên tai, biến đổi khí. Thực thi các quy định và có các biện pháp hợp lý để đảm bảo việc tuân thủ các quy định pháp luật về môi trường mà không tạo thêm gánh nặng quá lớn cho doanh nghiệp. Hướng dẫn, phổ biến đầy đủ về các thực hành xanh và chú trọng mua sắm xanh. Khuyến khích “xanh hóa” mô hình sản xuất kinh doanh thông qua các chính sách và chương trình hỗ trợ.
Do vậy các tỉnh ĐBSCL cần tiếp tục nỗ lực xây dựng chính quyền địa phương thân thiện với người dân và doanh nghiệp, cải thiện hiệu quả hoạt động, nâng cao năng lực phản ứng và chất lượng thực thi chính sách, pháp luật, kịp thời xử lý các vấn đề mới phát sinh thuộc thẩm quyền.
Thực hiện Luật Đất đai 2024 và các nghị định hướng dẫn một cách hiệu quả, theo hướng đơn giản hóa quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đất đai và tiếp tục hoàn thiện, thực hiện công khai cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình phê duyệt giá đất, tạo tiền đề thực hiện các thủ tục hành chính liên quan. Cần tiếp tục cải cách TTHC, giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia thị trường. Tập trung vào các lĩnh vực mà doanh nghiệp cho biết còn nhiều phiền hà như đất đai, thuế, môi trường, phòng cháy, bảo hiểm xã hội.
Tuyên truyền, thông tin đến các doanh nghiệp về chương trình hỗ trợ doanh nghiệp và thủ tục thực hiện. Các chương trình hỗ trợ cần tập trung giải quyết những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải, đó là tiếp cận tín dụng, tìm kiếm khách hàng, biến động thị trường... Chú trọng đào tạo lao động có kỹ năng chuyên môn kỹ thuật cao, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao doanh nghiệp trong khu vực và các khu vực lân cận, tạo lợi thế cạnh tranh từ nguồn nhân công giá rẻ sang lực lượng lao động có trình độ cao. Đẩy mạnh tuyên truyền để doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực, thực hiện các TTHC, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp..., tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp.
Phó chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh, để tăng cường cải thiện môi trường kinh doanh gắn với kinh tế xanh phát triển bền vững, các tỉnh ĐBSCL cần thực thi tốt hơn nữa các tiêu chuẩn, quy chuẩn về bảo vệ môi trường, thực thi pháp luật nghiêm túc, giám sát chặt chẽ vấn đề ô nhiễm môi trường và xử lý nước thải từ khâu đầu tư, xây dựng đến vận hành, song cũng cần tránh tạo gánh nặng không cần thiết với doanh nghiệp.
Trong đó, chú trọng các dự án kinh doanh có trách nhiệm, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, truyền thông và nhân rộng những điển hình hiệu quả về ứng phó biến đổi khí hậu, các sáng kiến giải pháp, công nghệ thân thiện với môi trường phù hợp với xu thế mới, phù hợp với doanh nghiệp trong vùng có tính liên kết, định hướng và dẫn dắt từ chính quyền và các ngành hữu quan, địa phương tạo sức lan tỏa đồng hành phát triển cùng doanh nghiệp.