Đồng bằng sông Cửu Long: Ồ ạt trồng sầu riêng, dễ 'ôm sầu chung'

Tại ĐBSCL, khi giá sầu riêng tăng cao, nông dân ồ ạt chặt phá nhiều loại cây trồng khác để trồng loại cây này với tham vọng 'làm giàu nhanh'. Thậm chí, ở nhiều nơi, nông dân còn trồng sầu riêng trên đất nhiễm phèn - mặn, khu vực ngoài quy hoạch vùng trồng. Theo các chuyên gia, việc nông dân trồng sầu riêng theo cảm tính, không theo khuyến cáo của Bộ NN-PTNT sẽ rất dễ 'ôm sầu chung'.

Chăm sóc cây sầu riêng mới trồng tại huyện Tân Phước, Tiền Giang

Chăm sóc cây sầu riêng mới trồng tại huyện Tân Phước, Tiền Giang

Những năm qua, người trồng sầu riêng ở huyện Cai Lậy (Tiền Giang) trúng lớn, có hộ lãi bạc tỷ sau mỗi vụ thu hoạch. Thấy vậy, người dân ở nhiều địa phương khác trong tỉnh đổ xô chặt bỏ vú sữa, xoài, thanh long, bưởi da xanh… để trồng sầu riêng. Tính riêng tại huyện Cái Bè, trong 2 năm qua đã có gần 1.000ha bưởi da xanh, xoài bị đốn hạ, thay vào đó là những vườn sầu riêng 1-2 năm tuổi, nâng tổng diện tích sầu riêng tại địa phương này lên hơn 7.000ha.

Trong khi đó, tại huyện Tân Phước (Tiền Giang), thời gian qua, chính quyền địa phương và ngành chức năng khuyến cáo nông dân không nên trồng sầu riêng, bởi vùng đất này nhiều phèn, khó thoát nước, không phù hợp với điều kiện sống của loại cây này. Dù vậy, hiện rất nhiều hộ nông dân ở đây cũng như các địa phương lân cận trong vùng Đồng Tháp Mười vẫn ồ ạt chặt phá khóm rồi lên liếp, bơm cát, cải tạo đất để trồng sầu riêng.

Tại các địa phương khác như Phụng Hiệp (Hậu Giang), Phong Điền, Thới Lai (Cần Thơ), Giồng Riềng (Kiên Giang)…, diện tích trồng sầu riêng thời gian qua cũng tăng cao, song không phải nông dân nào trồng cũng đạt hiệu quả kinh tế. Đơn cử như trong năm 2023, nhiều diện tích sầu riêng tại huyện Giồng Riềng đã bị chết do thiếu nước và nhiễm phèn, mặn.

Theo ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, quan điểm của sở là không khuyến khích phát triển thêm diện tích trồng sầu riêng ở những vùng đất nhiễm phèn, nhiễm mặn hoặc ngoài các vùng quy hoạch, mà cần tập trung nâng cao chất lượng trái sầu riêng thương phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn phía Trung Quốc đưa ra để được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu chính ngạch.

Hàng năm, ngành chức năng đều xây dựng kế hoạch chuyển đổi chi tiết cho từng nhóm cây trồng và diện tích chuyển đổi của từng địa phương dựa trên cơ sở định hướng Đề án chuyển đổi cây trồng của tỉnh. Việc trồng ngoài vùng quy hoạch hay phá bỏ các loại cây ăn quả khác để trồng cây sầu riêng là do các nhà vườn tự phát, chạy theo “phong trào”. Hiện tỉnh Tiền Giang là một trong những địa phương có diện tích trồng sầu riêng lớn nhất khu vực ĐBSCL (hơn 22.000ha).

Còn tại Long An có hơn 500ha trồng sầu riêng, tập trung chủ yếu ở các huyện Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Mộc Hóa... Sở NN-PTNT tỉnh Long An yêu cầu ngành chức năng các địa phương cần quản lý chặt chẽ vùng quy hoạch trồng sầu riêng, quyết tâm giữ vững các mã số vùng trồng đã được cấp đối với cây sầu riêng. Đồng thời, khuyến cáo người dân không nên vì lợi nhuận trước mắt mà chuyển đổi từ các loại cây trồng khác sang trồng sầu riêng.

Theo tiến sĩ Võ Hữu Thoại, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, dù mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng chi phí đầu tư trồng sầu riêng cũng cao. Một cây sầu riêng từ lúc trồng đến khi thu hoạch trái mất chi phí khoảng từ 4-7 triệu đồng, 1ha khoảng 200 cây. Như vậy, nông dân cần hết sức cân nhắc trồng sầu riêng, vì nếu có rủi ro, nông dân bị thiệt hại lớn.

Tiến sĩ Võ Hữu Thoại cho biết, Bộ NN-PTNT đã có văn bản gửi các tỉnh có trồng sầu riêng đề nghị hạn chế phát triển mở rộng, đặc biệt ở những vùng nhiễm phèn nặng, không có bờ bao, những vùng thiếu nước. “Hiện sầu riêng chủ yếu xuất qua Trung Quốc. Họ chỉ cấp mã số vùng trồng cho mình khoảng 12.000ha, nhưng diện tích trồng đã khoảng 110.000ha. Như vậy, sản lượng sầu riêng trồng trên số diện tích còn lại sẽ đi đâu, nếu trồng thêm nữa thì 4 năm sau cho thu hoạch sẽ tiêu thụ thế nào?

Người dân trong quá trình trồng trọt sản xuất nhưng thu hoạch nông sản giá thấp đừng vội phá bỏ, cần tìm hiểu thị trường hoặc tham khảo ý kiến của ngành chức năng, đồng thời giảm đầu tư để hạ chi phí sản xuất. Sau khi giá tăng trở lại sẽ chăm sóc đầu tư, như vậy sẽ giảm thiệt hại cho người nông dân hơn so với việc vội vã chặt và đầu tư trồng mới...”, Tiến sĩ Võ Hữu Thoại nhấn mạnh.

NGỌC PHÚC - CAO PHONG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dong-bang-song-cuu-long-o-at-trong-sau-rieng-de-om-sau-chung-post723729.html