Đồng bằng sông Cửu Long: Ứng phó với sụt lún vùng ngọt hóa

Những năm gần đây, mỗi khi hạn mặn gay gắt, người dân ở các vùng ngọt hóa của ĐBSCL lại gồng mình ứng phó với tình trạng sạt lở, sụt lún. Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Thiện - Chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái vùng ĐBSCL về vấn đề này.

Ông Nguyễn Hữu Thiện.

Ông Nguyễn Hữu Thiện.

PV: Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng sụt lún trong các vùng ngọt hóa ĐBSCL, thưa ông?

Ông Nguyễn Hữu Thiện: Hiện tượng sụt lún bên trong các vùng ngọt hóa không mới. Mùa khô năm 2020, ở huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) và vùng ngọt hóa Gò Công (Tiền Giang) cũng đã xảy ra sụt lún nghiêm trọng.

Trước tiên, cần khẳng định các vùng này không phải là vùng ngọt tự nhiên quanh năm mà là vùng ngọt hóa. Trước đây các vùng này có hai mùa mặn - ngọt. Mùa mưa thì vùng Trần Văn Thời ngọt nhờ nước mưa, vùng Gò Công thì ngọt nhờ nước mưa và nước sông Tiền. Đến mùa khô ở vùng Trần Văn Thời khi nước mưa bốc hơi hết còn lại nước mặn từ biển vào. Ở vùng Gò Công, vào mùa khô, dòng chảy sông Tiền yếu thì biển đẩy vào, nước mặn pha với nước ngọt thành nước lợ. Sau khi các vùng này được bao đê khép kín ngăn mặn, trữ ngọt để ngọt hóa quanh năm thì nước mặn không vào được nữa. Gặp những năm thời tiết El Nino nắng nóng cực đoan, lượng nước từ mùa mưa trước bốc hơi hết nên kênh nội đồng bị cạn kiệt, có khi đáy kênh cũng khô đến nứt đất thì đất thì đất bị co ngót, xẹp xuống gây sụt lún toàn bộ đất bên trong đê bao khép kín. Ở những nơi đắp đất làm đường giao thông ven kênh mương thì sự sụt lún càng mạnh hơn khiến đường sá bị đứt gãy.

Cần lưu ý rằng hiện tượng khô kiệt dẫn đến sụt lún ở vùng ngọt hóa Trần Văn Thời hoàn toàn không liên quan gì đến mực nước sông Mê Công vì vùng này trong tự nhiên từ trước đến nay không nhận nước từ sông Cửu Long. Nguồn nước ngọt ở đây chỉ có từ nước mưa. Đối với vùng Gò Công, sự khô kiệt bên trong cũng không liên quan đến mực nước sông Mê Công vì thực tế mực nước sông Mê Công trong mùa khô 2024 ở mức trung bình, không hề bị cạn kiệt.

Ngoài ra, hiện tượng sụt lún trong các vùng ngọt hóa cũng là hiện tượng khác, không liên quan đến sự sụt lún chung của toàn vùng đồng bằng. Sụt lún trong các vùng ngọt hóa là sụt lún cục bộ bên trong phạm vi đê bao của các vùng ngọt hóa và là sự co ngót, xẹp xuống của tầng đất mặt chỉ vài mét sâu do khô hạn, thiếu nước. Còn sụt lún toàn vùng đồng bằng là sụt lún ở tầng sâu do khai thác nước ngầm ở tầng sâu. Lưu ý sự sụt lún toàn đồng bằng thì mắt thường không thể nhìn thấy được vì tốc độ chậm hơn và sụt lún trên diện rất rộng. Những vùng ngọt hóa như vậy đang chịu ảnh hưởng của cả hai hiện tượng, sụt lún tầng đất mặt do khô hạn và sụt lún tầng sâu trên toàn đồng bằng do khai thác nước ngầm tầng sâu.

Sạt lở, sụt lún đường giao thông ở U Minh Thượng, Cà Mau.

Sạt lở, sụt lún đường giao thông ở U Minh Thượng, Cà Mau.

Ngoài các khu vực ông vừa phân tích thì năm nay, khu vực vùng đệm U Minh Thượng (Kiên Giang) có hơn 450 điểm sạt lở, sụt lún. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có giống các vùng ngọt hóa ở Cà Mau, Tiền Giang không?

- Khu vực U Minh Thượng có 2 vòng đê bao, vòng trong là 8.000ha vùng lõi có nhiều than bùn, vòng ngoài bao là vùng đệm 21.000ha. Trước đây, lúc than bùn còn dày thì ngậm nước nhiều, mùa khô nhả ra cho vùng đệm hưởng. Nhưng đến năm 2002 vùng lõi bị cháy, than bùn hư nhiều, có chỗ cháy sát đất nên khả năng ngậm nước của than bùn vùng lõi giảm đi. Do vậy, khu vực vùng đệm phải tự mình trữ nước trong mùa khô, chứ không mong gì nước từ trong vùng lõi cung cấp ra trong mùa nắng được nữa.

Trong bối cảnh hiện nay, khi El Nino nắng nóng kéo dài thì nước trong vùng đệm bốc hơi rất nhanh. Thêm nữa là hệ thống đê bao, ngày xưa khi làm đê là đào kênh lên rồi đắp; đào lớp đầu là than bùn, đắp xuống, đào các lớp dưới là đất sét đưa lên trên. Vậy nên, dưới chân đê là than bùn, nước thấm ngang thất thoát dưới chân đê làm giảm khả năng giữ nước. Từ đó làm cho vùng đệm U Minh Thượng bị cạn khô, đất tầng mặt bị co ngót giảm thể tích, sụp đất.

Vậy giải pháp nào để khắc phục tình trạng sụt lún, sạt lở trong các vùng ngọt hóa ở ĐBSCL thưa ông?

- Trong bối cảnh nước biển dâng ngày càng cao, cả đồng bằng đang chìm xuống do khai thác nước ngầm tầng sâu, và sự xuất hiện ngày càng thường xuyên hơn các năm thời tiết El Nino cực đoan thì các vùng ngọt hóa này trở nên mong manh hơn, khó duy trì được mãi.

Thực tế đã chứng minh hiện tượng sụt lún do khô hạn chỉ xảy ra bên trong các vùng ngọt hóa và đã lặp lại nhiều lần. Trong bối cảnh mới, ngọt hóa cũng không mang lại lợi ích vì ngăn được mặn từ ngoài vào thì bên trong cũng không có nước.

Trước bối cảnh này, chúng ta có hai lựa chọn đối với các vùng ngọt hóa. Một là tiếp tục duy trì ngọt hóa để canh tác lúa và cây trái nước ngọt vào mùa khô, tiếp tục “chiến đấu” với mặn bằng các công trình đã và đang thực hiện, hai là thực hiện đúng Quy hoạch tích hợp ĐBSCL đã được Thủ tướng phê duyệt và công bố.

Nếu theo cách 1, có thể thấy rằng cứ vài mùa khô thì sẽ có một lần những vùng này phải “oằn mình” chống hạn - mặn. Các công trình có thể ngăn mặn từ biển vào rất hiệu quả nhưng mặn và phèn từ dưới đất sẽ trồi lên vì đất ở những vùng này bên dưới là đất mặn và phèn tiềm tàng. Trong những năm nắng hạn cực đoan thì việc ngăn mặn sẽ tạo ra sự khô hạn tuyệt đối vì không có nước mặn, cũng không có nước ngọt kể cả cho sản xuất và sinh hoạt. Vậy đã đến lúc chúng ta cần đặt câu hỏi, trong bối cảnh ngày nay, việc ngăn mặn - trữ ngọt ở những vùng ngọt hóa có còn khả thi không và có mang lại lợi ích gì nữa không? Đó là chưa kể bên trong các vùng ngọt hóa, nước bị tù đọng, ô nhiễm nặng, không còn tài nguyên thủy sản tự nhiên đã từng rất phong phú.

Cách ứng phó thứ hai là thực hiện đúng Quy hoạch tích hợp ĐBSCL mà Thủ tướng đã phê duyệt và công bố. Quy hoạch này đã được soạn thảo dựa trên nguyên tắc thuận thiên của Nghị quyết 120 của Chính phủ năm 2017. Quy hoạch này phân ĐBSCL thành 3 vùng: Vùng lõi ngọt ở phía thượng lưu là vùng luôn luôn có nước ngọt kể cả những năm cực đoan; vùng này ưu tiên cho cây lúa, cây trái, thủy sản nước ngọt. Tiếp đến là vùng chuyển tiếp, tức là vùng lợ với chế độ nước luân phiên, nước ngọt vào mùa mưa có thể trồng lúa, nước lợ vào mùa khô. Đối với vùng này cần chuyển đổi hệ thống canh tác sang thích ứng với nước lợ-mặn vào mùa khô để nước mặn-lợ là cơ hội chứ không phải là mối ám ảnh mỗi mùa khô nữa. Vùng sát ven biển là vùng mặn quanh năm thì phát triển hệ thống canh tác thích ứng với chế độ mặn quanh năm.

Đối với những vùng ngọt hóa như Gò Công, Tiền Giang, Trần Văn Thời, Cà Mau và một số vùng ngọt hóa khác nằm trong vùng chuyển tiếp thì sẽ chuyển đổi trở lại điều kiện luân phiên ngọt-lợ tự nhiên như trước đây sau thời hạn của kỳ quy hoạch này vào 2030.

Thực hiện đúng quy hoạch này thì không còn hiện tượng hạn ven biển nữa, và cũng không còn sụt lún gây hư hại đường sá trong các khu ngọt hóa nữa. Nhưng do các khu ngọt hóa này đã tồn tại hàng chục năm, hệ thống canh tác và sinh kế của người dân đã phụ thuộc vào nước ngọt, nên việc chuyển đổi trở lại thuận theo mùa mặn - ngọt tự nhiên sẽ ảnh hưởng đến sinh kế người dân và khó thực hiện ngay. Vì vậy Nhà nước cần có sự chuẩn bị ngay từ bây giờ để hỗ trợ người dân thực hiện cuộc chuyển đổi đó cho các vùng ngọt hóa.

Dù muốn hay dù không thì thực tế trong các năm qua và trong các năm tới cũng sẽ chứng minh rằng việc chuyển đổi theo đúng Quy hoạch tích hợp ĐBSCL đã được Chính phủ phê duyệt là phù hợp.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thanh Tiến (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/dong-bang-song-cuu-long-ung-pho-voi-sut-lun-vung-ngot-hoa-10283937.html