Đồng bào dân tộc thiểu số Gia Lai thay đổi tư duy sản xuất hướng tới tương lai sáng

Nhiều HTX nông nghiệp ở Gia Lai đã xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ hàng hóa theo hướng bền vững. Thông qua hợp đồng mua bán, cam kết ổn định giá thu mua đảm bảo có lợi cho thành viên, nhiều HTX đã góp phần thay đổi tư duy, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển và nâng cao thu nhập cho người dân, trong đó có bà con đồng bào dân tộc thiểu số.

“Bà con chủ yếu gieo trồng lúa HT1 và Đài Thơm, năng suất và chất lượng đạt khá cao so với những giống lúa khác. Nhờ đó, các hộ không còn phải lo về vấn đề lương thực quanh năm như trước. Hiện nay, cánh đồng đang sản xuất thử nghiệm 5 giống lúa năng suất, chất lượng cao, nằm trong top 10 loại gạo ngon nhất Việt Nam gồm: TBR39, J03, TĐ25, Hương Bình và QR1”, ông Nhôm (làng Thung, xã Hnol, huyện Đak Đoa) chia sẻ.

Sản xuất hàng hóa chất lượng cao

Gia Lai có diện tích trồng lúa gần 76.000 ha mỗi năm cùng hệ thống kênh mương thủy lợi đã được đầu tư hoàn thiện giúp người dân canh tác ổn định 2 vụ/năm. Đặc biệt, trong năm 2023, tỉnh đã triển khai mô hình xã hội hóa khuyến nông khi mời gọi các doanh nghiệp (DN) chuyên sản xuất giống lúa nước chất lượng cao hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình khảo nghiệm để nhân rộng trong thời gian tới.

Khuyến khích người dân liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với các HTX để đảm bảo lợi ích hai bên (Ảnh: BGL)

Khuyến khích người dân liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với các HTX để đảm bảo lợi ích hai bên (Ảnh: BGL)

Trên cánh đồng lúa nước làng Thung (xã Hnol, huyện Đak Đoa) rộng khoảng 31 ha, người dân sản xuất mỗi năm 2 vụ bằng giống HT1 và Đài Thơm từ nhiều năm nay. Vụ Đông Xuân 2022-2023, bà con rất phấn khởi khi được Trung tâm Khuyến nông tỉnh chọn xây dựng mô hình trồng lúa chất lượng cao giống TBR39, J03, TĐ25, Hương Bình, QR1 với quy mô 11 ha/51 hộ tham gia.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh còn xây dựng mô hình trồng lúa giống TBR39 tại làng Klăh 2 (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) và xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện), mỗi nơi 1 ha. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% giống và được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch lúa. Ngoài ra, Trung tâm Nghiên cứu giống cây trồng tỉnh cũng trồng khảo nghiệm giống lúa nếp hương tại xã Ia Sol, huyện Phú Thiện.

Ông R’Châm Mer (làng Klăh 2, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) chia sẻ: Vụ Đông Xuân trước, ông gieo trồng hơn 3 sào lúa nước giống J02 cho năng suất rất khả quan. Còn vụ Đông Xuân 2022-2023, ông được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ giống lúa TBR39 để trồng thử nghiệm. Hiện, cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, chống chịu sâu bệnh gây hại trong giai đoạn làm đòng.

“Tôi kỳ vọng giống mới này đạt năng suất cao như J02. Nếu thuận lợi, gia đình sẽ nhân rộng trong vụ mùa tới”, ông Mer bộc bạch.

Năm 2019, gạo ST25 được công nhận là loại gạo ngon nhất thế giới. Ngay năm sau, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Thiện đã hỗ trợ kinh phí để HTX Nông nghiệp Chư A Thai (xã Ia Ake) mua giống lúa này về trồng khảo nghiệm 5 sào trên cánh đồng Ayun Hạ. Sau khi khảo nghiệm thành công, HTX đã nhân rộng diện tích lúa ST25 và áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác theo hướng sạch, đạt chứng nhận VietGAP. Từ đó, loại gạo ngon nhất thế giới “made in Gia Lai” được người tiêu dùng tin tưởng tìm mua.

Giám đốc HTX Nông nghiệp Chư A Thai Phạm Ngọc Nghĩa thông tin: Năng suất lúa ST25 tại huyện Phú Thiện bình quân đạt 7 tấn/ha. Từ kết quả khảo nghiệm, HTX đã liên kết cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, chuyển giao kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cho người dân địa phương mở rộng diện tích lúa ST25 lên 25 ha. Nhờ đảm bảo quy trình sạch từ sản xuất đến chế biến nên gạo ST25 được Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đánh giá đạt 4 sao.

“Mỗi năm, HTX cung cấp khoảng 100 tấn gạo ST25 cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Giá bán tại huyện Phú Thiện là 24.000 đồng/kg, còn thị trường khác 27.000 - 28.000 đồng/kg, cao hơn rất nhiều so với gạo truyền thống của địa phương. Bên cạnh đó, HTX cũng đang trồng khảo nghiệm giống lúa TBR39 cùng một số giống nếp miền Bắc, nếu phù hợp sẽ nhân rộng trong những vụ sản xuất tới”, ông Nghĩa cho biết.

Gia đình ông Ksor Van, thành viên HTX Nông nghiệp Chư A Thai, tham gia mô hình cánh đồng lúa lớn trên diện tích 1 ha. Bên cạnh việc được cung ứng giống lúa chất lượng cao, gia đình ông còn được HTX tạo điều kiện mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không tính lãi để sản xuất và trả sau khi thu hoạch.

“Trước đây, gia đình phải đi vay mượn hoặc mua giống, phân bón nợ của đại lý với lãi suất cao. Vì vậy, lợi nhuận thu được sau vụ thu hoạch chẳng được bao nhiêu, thậm chí lỗ, nợ nần thêm. Từ khi vào HTX, tôi không còn phải lo vay tiền để mua giống, thuốc trừ sâu, phân bón như trước đây nữa. Đặc biệt, sản phẩm làm ra được HTX mua lại nên không lo bị thương lái ép giá. Đời sống gia đình từ đó cũng khấm khá hơn”, ông Van phấn khởi nói.

Theo đại diện Phòng NN&PTNT huyện Phú Thiện, từ năm 2020 đến nay, người dân đã tiếp cận với nhiều giống lúa mới năng suất, chất lượng cao như: HL12, J02… Đặc biệt, giống lúa ST25 đang được nhân rộng tại các xã: Ia Ake, Ayun Hạ, Ia Sol. Hiện nay, huyện hỗ trợ những giống lúa mới năng suất, chất lượng cao cho người dân nhằm nâng cao chất lượng và giá trị hạt gạo; khuyến khích người dân liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với các HTX để đảm bảo lợi ích hai bên.

Liên kết sản xuất bền vững

Liên minh HTX tỉnh Gia Lai đánh giá, HTX liên kết với DN là xu thế phát triển lâu dài, từng bước xây dựng các chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp từ liên kết sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, chất lượng sản phẩm của HTX tăng lên, giá cả sản phẩm luôn ổn định.

Sản xuất quy mô lớn, tạo ra sản phẩm có truy xuất nguồn gốc, có các chứng nhận tiêu chuẩn về chất lượng.

Sản xuất quy mô lớn, tạo ra sản phẩm có truy xuất nguồn gốc, có các chứng nhận tiêu chuẩn về chất lượng.

Trong thời gian qua, nhiều chuỗi liên kết giữa HTX với các DN lớn như: Doveco, Vĩnh Hiệp, Nhà máy đường An Khê, Tập đoàn Lộc Trời… đã làm thay đổi tập quán sản xuất của người dân theo hướng bền vững, tạo đột phá nâng cao giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, số HTX nông nghiệp thực hiện chuỗi liên kết chiếm tỷ lệ chưa cao. Thời gian tới, Liên minh HTX sẽ phối hợp với các cấp chính quyền rà soát, thống kê toàn bộ HTX nông nghiệp để có hướng hỗ trợ giúp tăng cường kết nối, liên kết xây dựng chuỗi giá trị.

HTX Sản xuất kinh doanh và Dịch vụ nông nghiệp Tâm Thành (xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) là một ví dụ điển hình trong liên kết sản xuất theo hướng bền vững. Chủ tịch HĐQT Lê Tất Đỗ cho hay, HTX có 157 thành viên canh tác 280 ha cà phê được cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn 4C. Để sản phẩm đạt chất lượng, HTX tạo điều kiện cho các thành viên tham gia tập huấn quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn 4C, chất lượng cà phê được đồng nhất, năng suất cũng ổn định ở mức 4 - 4,2 tấn/ha. HTX cũng liên kết với các DN tiêu thụ sản phẩm cho thành viên với giá ổn định; đồng thời làm cầu nối hỗ trợ các thành viên mua vật tư, phân bón đảm bảo chất lượng với giá thấp hơn so với thị trường.

“Trước đây, 2 ha cà phê nhà tôi canh tác theo phương thức cũ, năng suất chỉ đạt 4-4,5 tấn/ha. Sau khi áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C, năng suất đạt 5-5,5 tấn/ha. Bên cạnh đó, tôi tiết giảm được rất nhiều chi phí trong sản xuất nhờ tưới nước tiết kiệm, sử dụng phân bón hợp lý, hạn chế tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Việc tham gia HTX đã giúp người dân thay đổi tư duy canh tác để nâng cao hiệu quả sản xuất. Không những vậy, đầu ra sản phẩm luôn ổn định, không lo bị thương lái ép giá”, ông Phạm Huy Hợi (thôn Thanh Hà 2, xã Ia Hrung) kể.

Đại diện UBND huyện Ia Grai khẳng định, trong định hướng phát triển nông nghiệp, huyện chú trọng phát triển theo hướng xây dựng chuỗi liên kết giữa nông dân với DN, thông qua đầu mối là HTX. Huyện đã làm việc với Tập đoàn Lộc Trời, Doveco Gia Lai và sẽ có các chương trình liên kết qua HTX. Bởi lẽ, HTX sẽ làm đầu mối tập hợp nông dân tham gia liên kết để sản xuất quy mô lớn, tạo ra sản phẩm có truy xuất nguồn gốc, có các chứng nhận tiêu chuẩn về chất lượng.

“Thông qua việc phát triển HTX sẽ gắn với tổ chức sản xuất lại cho nông dân, để làm sao nâng cao ý thức trách nhiệm của người sản xuất khi làm ra sản phẩm phải đạt chất lượng tốt. Vì vậy, phải xây dựng HTX có đủ năng lực để tập hợp được người nông dân tham gia, hướng đến mục đích cuối cùng vẫn là làm sao nâng cao giá trị cho sản phẩm nông nghiệp địa phương và hướng đến xuất khẩu”, đại diện UBND huyện Ia Grai chia sẻ.

Hay như ở huyện Đak Đoa, ông Lê Hữu Anh, Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ Lam Anh (xã Glar) cho biết, HTX liên kết với người dân trên địa bàn sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C, UTZ và hữu cơ. Trong đó, HTX làm đầu mối tổ chức tập huấn hướng dẫn quy trình kỹ thuật; đồng thời kết nối với DN thu mua sản phẩm ổn định giúp tăng thu nhập. Cách làm này đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân tạo ra những sản phẩm sạch đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ hiện nay.

Theo Chi cục PTNT Gia Lai (Sở NN&PTNT), thời gian qua, nhiều HTX nông nghiệp sản xuất nông sản theo các tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ… để nâng cao giá trị sản phẩm và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, thông qua các HTX nông nghiệp, nhiều DN đã liên kết gắn tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, xây dựng vùng nguyên liệu lớn, mở rộng sản xuất theo thị trường tiêu thụ. Số HTX nông nghiệp đa dạng về mô hình hoạt động sản xuất kinh doanh thay đổi tư duy sản xuất từng bước mang lại hiệu quả kinh tế là tín hiệu lạc quan trong phát triển kinh tế tập thể (KTTT).

Chú trọng phát triển kinh tế hợp tác

Toàn tỉnh hiện Gia Lai hiện có 391 HTX với tổng số 18.270 thành viên. Các HTX hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, còn lại hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp; giao thông-vận tải; xây dựng; thương mại và 6 quỹ tín dụng nhân dân. Tổng vốn điều lệ của các HTX khoảng 833,153 tỷ đồng.

Phát triển KTTT năng động, hiệu quả, bền vững thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế.

Phát triển KTTT năng động, hiệu quả, bền vững thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế.

Một trong những nét nổi bật là các HTX nông nghiệp đã chủ động liên kết với người dân và các DN sản xuất những mặt hàng nông sản chủ lực của địa phương. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 80 HTX nông nghiệp liên kết với người dân và các DN; 32 HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; 42 HTX nông nghiệp tham gia Chương trình OCOP sở hữu 105 sản phẩm được công nhận 3-4 sao cấp tỉnh.

Để tiếp tục phát huy hiệu quả của kinh tế hợp tác trong thời gian tới, mới đây, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Kế hoạch số 997/KH-UBND về phát triển KTTT, HTX năm 2023.

Theo đó, mục tiêu tổng quát của kế hoạch là đẩy mạnh củng cố, nâng cao năng lực tổ chức và hoạt động của khu vực KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh; phát triển KTTT năng động, hiệu quả, bền vững thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết, hợp tác trên cơ sở tôn trọng bản chất, các giá trị và nguyên tắc của KTTT, thu hút nông dân, hộ kinh tế cá thể, cá nhân và nhiều tổ chức tham gia KTTT, HTX; góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, hộ gia đình, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh.

Kế hoạch đề ra một số chỉ tiêu cụ thể trong năm 2023 gồm: Tiếp tục củng cố, đẩy mạnh hoạt động hiệu quả của các HTX hiện có. Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có khoảng 390 HTX với 18.257 thành viên, 529 tổ hợp tác (trong đó có khoảng 423 tổ hợp tác có đăng ký hoạt động với chính quyền địa phương), 3 liên hiệp HTX với 13 HTX thành viên. Tỷ lệ cán bộ quản lý HTX tốt nghiệp cao đẳng, đại học đạt ít nhất 34%; khoảng 48% giám đốc HTX được đào tạo sơ cấp nghề.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, phấn đấu đến cuối năm 2023, cả tỉnh có trên 8,8% HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản. Tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị giữa DN và HTX, phấn đấu có khoảng 31% HTX nông nghiệp liên kết với DN theo chuỗi giá trị.

Minh Đức

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//business-cooperative/dong-bao-dan-toc-thieu-so-gia-lai-thay-doi-tu-duy-san-xuat-huong-toi-tuong-lai-sang-1092647.html