Đồng bào Khmer huyện Cầu Kè đoàn kết xây dựng quê hương
Trong cộng đồng Kinh - Khmer - Hoa sinh sống trên địa bàn huyện Cầu Kè, trong đó, đồng bào Khmer chiếm hơn 32% dân số. Hiện trên địa bàn huyện có 22 ngôi chùa Khmer (Nam tông) và 02 cơ sở (chùa Ô Mịch và chùa Tà Ốt, xã Châu Điền) được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh. Với tinh thần đoàn kết và giàu truyền thống cách mạng, đồng bào Khmer huyện Cầu Kè đã chung tay cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương và Nhân dân trong huyện xây dựng quê hương ngày càng phát triển và văn minh...
Hòa thượng Thạch Thảo, Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Cầu Kè, Sư cả chùa MAJJHIMARAMA (Cành Đal) ấp Trà Kháo, xã Hòa Ân chia sẻ: các cấp, các ngành từ tỉnh đến huyện, xã rất quan tâm, nhất là việc đầu tư hạ tầng điện thắp sáng, đường nông thôn, kênh thủy lợi, trường học, nâng cao chất lượng nhà ở nông thôn… đến việc xây dựng, phát huy các mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, trong đó có đồng bào phật tử là dân tộc Khmer. Điều Hòa thượng tâm đắc đó là sự đoàn kết giữa các dân tộc, các tôn giáo, sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền cùng với sự đồng thuận chung tay của Nhân dân trong XDNTM, NTM nâng cao của huyện…
Thông qua các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; như Quyết định số 1719/QĐ-TTg, ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I (2021 - 2025). Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 08/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh “về tiếp tục phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030”. Quyết định số 2594/QĐ-UBND, ngày 05/12/2016 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 52/NQ/CP của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Triển khai thực hiện Kế hoạch số 23/KH-UBND, ngày 20/3/2024 của UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh…
Qua đó, đồng bào Khmer huyện Cầu Kè nói riêng và đồng bào Khmer trong tỉnh Trà Vinh nói chung đã được đầu tư, hỗ trợ nhiều nguồn vốn trong phát triển kinh tế; xây dựng thiết chế văn hóa; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong đồng bào Khmer; đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi…
Ông Lưu Kia, Phó Ban quản trị chùa Sâm Bua Prăng Sây (xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè) phấn khởi: các chư tăng, Ban quản trị, đồng bào Phật tử và Nhân dân rất phấn khởi trước sự phát triển của quê hương; đời sống kinh tế, cảnh quan môi trường trong từng thôn xóm được đổi thay và phát triển không ngừng. Qua đó, đã khơi dậy tinh thần yêu nước, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong đồng bào Khmer.
Trong năm 2024, huyện Cầu Kè triển khai hơn 36 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2024. Ngoài ra, các ngành còn phối hợp triển khai các nguồn vốn đầu tư cho đồng bào Khmer, như các dự án hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống, với tổng kinh phí 58 tỷ đồng; tạo việc làm cho 1.092 lao động là người dân tộc thiểu số; có 37 lao động là người Khmer tham gia lao động, làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; gần 900 học sinh Khmer được hỗ trợ tiền ăn trưa và chi phí học tập; trao tặng 1.707 phần quà/562,8 triệu đồng cho đồng bào Khmer…
Đồng chí Thạch Sa Riêng, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Cầu Kè cho biết: các ngành, các cấp trong huyện luôn quan tâm, phối hợp triển khai tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc đến với đồng bào Khmer. Phát huy tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc, giữa đồng bào và chư tăng Khmer với các cấp ủy Đảng, chính quyền ngày càng gắn bó mật thiết hơn. Đặc biệt, là về kinh tế, đời sống tinh thần của Nhân dân cũng như vùng đồng bào Khmer huyện Cầu Kè ngày càng phát triển và tạo không khí phấn khởi trong đồng bào dân tộc.
Cũng theo Hòa thượng Thạch Thảo, trong tham gia XDNTM, Hòa thượng cùng với Ban Quản trị và chư tăng trong Chùa phối hợp với ấp, xã thành lập mô hình vận động đồng bào phật tử chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thành lập Chi hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam trong nhà Chùa; mô hình “Trong nhà có mõ, ngoài ngõ có đèn”, mô hình vận động xây dựng đèn đường gắn với tuyến đường hoa… Ngoài ra, Hòa thượng còn thường xuyên nhắc nhở đồng bào Phật tử chấp hành nghiêm pháp luật, không tham gia vào các tệ nạn xã hội, giữ gìn trật tự xóm ấp…