Đồng bào Khmer Trà Vinh vươn mình từ chuyển đổi cây trồng
Hiện tỉnh Trà Vinh đang thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh, đồng thời nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn. Đời sống của người dân nông thôn, trong đó có đồng bào Khmer ngày càng khởi sắc.
Dù có hơn chục công đất và là người cần cù, không ngại vất vả khó khăn, nhưng trước đây gia đình ông Lâm Văn Năm (xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành) vẫn thiếu trước hụt sau, vì kinh tế của gia đình ông chủ yếu dựa vào cây lúa và thu nhập từ việc làm thuê. Năm 2019, khi địa phương có chủ trương chuyển đổi cây trồng, ông Năm đã mạnh dạn chuyển 1 ha đất lúa sang cây bưởi da xanh. Năm ngoái, dù vườn bưởi mới có khoảng 80% cây đậu trái, nhưng gia đình ông đã thu được gần 80 triệu đồng sau khi trừ đi các khoản chi phí.
Ông Lâm Văn Năm chia sẻ, hồi trước người dân ở đây ai cũng khó khăn, nhất là năm nào thời tiết bất lợi, lúa thu hoạch xong đầu ra hạn chế xem như từ hòa vốn đến lỗ. Sau này xã có chủ trương và khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trên đất lúa kém hiệu quả, đặc biệt là chuyển sang cây có múi, hỗ trợ tập huấn khoa học kỹ thuật, nông dân mạnh dạn chuyển đổi và cho thu nhập cao hơn từ 3 - 4 lần so với cây lúa.
“Trước đây, làm lúa năm nào cũng lỗ nên quyết định chuyển sang trồng bưởi. Trồng bưởi thấy hiệu quả hơn lúa và nhẹ công hơn lúa, hàng tháng thương lái đến mua tận vườn. Giá cũng ổn định so với trái cây khác, cứ bình bình trên 20.000 đồng/kg. Còn dịp Tết được giá, do đó thu nhập cũng đỡ hơn” - ông Lâm Văn Năm nói.
Trong thực hiện chuyển đổi cây trồng cho thu nhập cao, phải kể đến mô hình kinh tế hợp tác trồng màu công nghệ cao xã Lương hòa A. Anh Huỳnh Sa Rây, dân tộc Khmer, thành viên tổ kinh tế hợp tác trồng màu công nghệ cao cho biết, năm 2020 anh tham gia tổ hợp tác trồng màu và được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ vay vốn 100 triệu đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh để xây dựng nhà màng trồng dưa lưới.
Trong 3 năm qua, dưa lưới luôn có giá bán dao động từ 40.000 đồng/kg trở lên, 1.000 m2 nhà màng, mỗi vụ cho lợi nhuận từ 40 - 60 triệu đồng. Một năm trồng được từ 3 - 4 vụ, với diện tích 1.200 m2 anh Sa Rây thu về gần 200 triệu đồng, cao gấp vài chục lần so với trồng lúa. Tuy nhiên, dưa lưới đòi hỏi áp dụng công nghệ cao nên chi phí đầu tư cũng cao hơn so với trồng thông thường.
“Hiện THT cũng đã được chứng nhận 3 sao, theo đó sản phẩm chủ yếu hợp đồng với thương lái ngoài tỉnh. Họ thua mua rồi phân phối cho các siêu thị. Sắp tới cũng mong trên hỗ trợ đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, để sản phẩm được quảng bá rộng hơn. Còn THT sẽ tiếp tục phát triển thêm nhà màng và giữ vững danh hiệu sản phẩm OCOP 3 sao” - anh Huỳnh Sa Rây nói.
Lương Hòa A là xã có đồng bào Khmer chiếm hơn 72% dân số, bà con chủ yếu làm nghề nông. Từ khi có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, Lương Hòa A đã chủ động lựa chọn giống cây trồng có năng suất, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và có khả năng chống chịu được hạn mặn để đưa vào sản xuất; tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật từng loại cây trồng chuyển đổi cho các hộ dân ứng dụng nhằm tăng hiệu quả sản xuất. Lồng ghép các chương trình, dự án để thực hiện các mô hình trình diễn hiệu quả, giúp nông dân học hỏi, áp dụng.
Đến nay, toàn xã Lương Hòa A đã chuyển đổi được hơn 360ha, chủ yếu là cây có múi. Hiệu quả kinh tế mang lại gấp nhiều lần so với trồng lúa.
Ông Nguyễn Đức Anh, PCT UBND xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành cho biết: “Để việc sản xuất của người dân trên địa bàn mang lại hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống, hàng năm xã khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thực hiện những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thời gian tới để đảm bảo việc thích ứng với biến đổi khí hậu, xã sẽ tiếp tục phát động người dân thực hiện mô hình trồng dưa lưới, bên cạnh đó là mô hình chanh không hạt, đạt hiệu quả kinh tế”.
Với những kết quả đã đạt được cùng với sự đồng lòng chung sức trong phong trào xây dựng Nông thôn mới, tin rằng đời sống của người dân Lương Hòa A sẽ tiếp tục nâng lên, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội chung của Trà Vinh- địa phương đang quyết tâm hoàn thành tiêu chí tỉnh Nông thôn mới trước năm 2025./.