Đồng bào Pa Cô ở ĐaKrông (Quảng Trị): Người dân không dự đám cưới tảo hôn

Thấu hiểu cái khó, cái khổ của nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết, ông Bui đã vận động người thân không ủng hộ chuyện kết hôn trước tuổi ở trong xã. Sau vài năm, tình trạng tảo hôn nơi đây đã giảm dần.

 Ông Hồ Văn Bui - người có uy tín trong cộng đồng tại xã A Vao, huyện ĐaKrông, tỉnh Quảng Trị.

Ông Hồ Văn Bui - người có uy tín trong cộng đồng tại xã A Vao, huyện ĐaKrông, tỉnh Quảng Trị.

Kiên quyết từ chối dự đám cưới tảo hôn

Ông Hồ Văn Bui (70 tuổi, người có uy tín trong cộng đồng ở xã A Vao, huyện ĐaKrông, Quảng Trị) kể: Khoảng 20 năm về trước, chuyện con cô lấy con cậu là không hiếm gặp ở địa phương. Bởi các đồng bào dân tộc ở ĐaKrông rất sợ con cháu quên nguồn gốc, anh em máu mủ của mình.

Người Pa Cô quan niệm rằng, là anh em cận huyết nên khi lấy nhau, đôi phu thê sẽ không phụ bạc nhau, họ vừa là dâu rể vừa là anh em, chị em nên sẽ biết yêu thương, chăm sóc hai bên gia đình chu đáo.

Ngoài để đôi trẻ không quên nguồn gốc, con cô con cậu lấy nhau còn để không bị mất của. Bởi lẽ, nếu con cô con cậu lấy người khác thì của cải của gia đình phải chuyển cho người ngoài, như thế tài sản của gia đình sẽ bị mất đi.

Trong khi phong tục của người Pa Cô quy định của cải không được di chuyển cho người ngoài dòng họ. Dòng họ này có vật quý thì không thể cho sang dòng họ khác.

Ông Bui cho biết, trước đây đám cưới của người đồng bào dân tộc Pa Cô rất tốn kém. Lễ vật cưới vợ của nhà trai phải có trâu, bò, dê, chiêng, nồi đồng lớn, 10 cục đồng đặc (hoặc 1 thỏi bạc đặc).

"Nếu con trai trong nhà mà lấy người ngoài dòng máu làm vợ thì sẽ bị mất lượng lớn của cải này. Khi con cô lấy con cậu, của cải của 2 gia đình được chuyển về cho nhau, họ đều là anh em nên coi như không mất của", ông Bui giải thích.

Phụ nữ và trẻ em ở xã A Vao

Phụ nữ và trẻ em ở xã A Vao

Theo ông Bui, ngoài hôn nhân cận huyết, trước đây người dân tộc Pa Cô còn có tập tục cưới nhau vào năm 12 tuổi. Hệ lụy của các cuộc hôn nhân này là những đứa trẻ sinh ra thiếu cái ăn, suy dinh dưỡng, thậm chí có trẻ dị tật.

Thấu hiểu cái khó, cái khổ của nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết, không muốn người trong thôn mãi nghèo, ông Bui quyết tâm xóa bỏ những tập tục này. Dù là người thân, bà con trong thôn, ông Bui nhất quyết không dự lễ cưới nếu đó là cưới tảo hôn.

Không chỉ kiên quyết từ chối dự, ông Bui còn vận động người thân, anh em không đồng tình, ủng hộ chuyện kết hôn trước tuổi ở trong xã. Giữ nguyên tắc của mình, sau vài năm nhiều người cũng theo ông.

Theo ông Bui, trên địa bàn vẫn còn tình trạng tảo hôn, nhưng rất ít. Còn hôn nhân cận huyết thống thì hàng chục năm qua chưa ghi nhận trường hợp nào.

"Biết trước được tảo hôn khó khăn thế này thì em đã không lấy chồng"

Trong căn nhà gỗ xiêu vẹo, em Hồ Thị Hoa* (thôn Tân Đi 3, xã A Vao) kể về cuộc sống thiếu trước hụt sau của gia đình mình. Dù mới 19 tuổi, thế nhưng Hoa đã kết hôn và làm mẹ cách đây gần 4 năm về trước.

Hồ Thị Hoa cùng đứa cậu con trai 4 tuổi

Hồ Thị Hoa cùng đứa cậu con trai 4 tuổi

Nhà chồng Hoa cũng khó khăn, cuộc sống phụ thuộc vào nương rẫy. Rồi con thơ ra đời, cuộc sống vốn dĩ đã khó khăn nay lại chồng thêm khó khăn vất vả. Làm bố, làm mẹ khi còn quá trẻ khiến cho Hoa phải bối rối, chồng Hoa cũng chưa hiểu biết nhiều nên nuôi con và kiếm cái để ăn trở thành "cuộc chiến".

"Biết trước được tảo hôn sẽ gặp nhiều khó khăn thế này thì em đã không lấy chồng", vừa nói, Hoa vừa cầm cái que vẽ xuống đất.

Bà Hồ Thị Thoa - Chủ tịch Hội LHPN nữ xã A Vao, cho biết, là xã vùng cao, biên giới, cách xa trung tâm huyện, kinh tế phát triển chậm, hệ thống giao thông còn bất cập, nên người dân chưa được tiếp cận nhiều với cuộc sống hiện đại cũng như hiểu biết pháp luật về tảo hôn.

Bà Hồ Thị Thoa - Chủ tịch Hội LHPN xã A Vao (bìa trái) tuyên truyền về tác hại của nạn tảo hôn đến người dân

Bà Hồ Thị Thoa - Chủ tịch Hội LHPN xã A Vao (bìa trái) tuyên truyền về tác hại của nạn tảo hôn đến người dân

Bên cạnh đó, do điều kiện kinh tế còn khó khăn, người dân vẫn còn lam lũ với nương rẫy, ít ai có dịp đi xa khỏi bản làng nên nhiều người còn thiếu thông tin, kiến thức, về pháp luật, hôn nhân và gia đình. Những năm qua, các cấp Hội LHPN xã A Vao đã tích cực tuyên truyền để tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống được xóa bỏ.

"Chúng tôi đã tuyên truyền, vận động đến tất cả người dân trong xã. Phối hợp với nhà trường giáo dục con em mình nhằm nâng cao hơn chất lượng cuộc sống của từng gia đình và toàn xã hội. Thời gian qua, việc tuyên truyền, lồng ghép, nhận thức của người dân về tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn xã A Vao đã có chuyển biến đáng kể. Có trường hợp có dấu hiệu tảo hôn nhưng địa phương đã kịp thời phát hiện, vận động gia đình dừng tổ chức cưới hỏi", bà Thoa cho hay.

Theo số liệu thống kê của UBND xã A Vao, năm 2022 toàn xã có 13 cặp tảo hôn, năm 2023 có 4 cặp, 6 tháng đầu năm 2024 ghi nhận 1 cặp tảo hôn. Từ năm 2010 đến nay chưa ghi nhận tình trạng hôn nhân cận huyết thống.

A Vao là xã biên giới, vùng sâu, vùng xa, cách trung tâm huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị hơn 70km. Toàn xã có 6 thôn với 3.496 khẩu, 98% dân cư là đồng bào dân tộc Pa Cô. Do điều kiện địa hình phức tạp, khó giao thương nên đời sống đồng bào Pa Cô ở đây còn nhiều khó khăn với hơn nửa số hộ thuộc diện hộ nghèo.

Văn Long - Quang Ngọc

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/dong-bao-pa-co-o-dakrong-quang-tri-nguoi-dan-khong-du-dam-cuoi-tao-hon-20240730231858584.htm