Đóng BHXH trên tổng thu nhập cần hiểu thế nào cho chính xác?
Người lao động không phải đóng BHXH trên tổng thu nhập mà trên tiền lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác cố định.
Hiện nay, dư luận cho rằng từ năm 2018, người lao động phải đóng BHXH trên tổng thu nhập. Về vấn đề này, ông Mai Đức Thắng, Phó trưởng Ban thu BHXH Việt Nam cho biết, theo quy định của Nghị định 05 của Chính phủ cũng như thông tư 47 và thông tư 59 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH từ 1/1/2018 là tiền lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Trước đây, tiền đóng BHXH bao gồm tiền lương và phụ cấp lương, sang năm 2018 thì thêm các “khoản bổ sung khác”.
Tuy nhiên, ông Thắng khẳng định, các khoản bổ sung phải mang tính cố định mới đưa vào làm căn cứ để tính đóng BHXH. Về cơ bản, cách tính mới không ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của người lao động. Hiện, tiền lương đóng BHXH trong khu vực hành chính sự nghiệp là 4,3 triệu đồng, khu vực doanh nghiệp là khoảng 4,8 triệu đồng.
“Thực tế, người lao động không phải đóng trên tổng thu nhập mà chỉ đóng trên tiền lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác mang tính cố định được ghi trong hợp đồng lao động. Mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, BHYT, BHTN, theo chúng tôi thống kê chỉ chiếm khoảng 60% tổng thu nhập thực tế của người lao động hiện nay. Vì quy định của pháp luật nên ở các doanh nghiệp hiện nay lúc nào cũng có 2 bảng lương, một bảng dùng đăng ký đóng BHXH, BHYT, BHTN và một bảng lương là thực trả của doanh nghiệp. Tôi khẳng định cái này rất khó làm căn cứ để tính đóng. Bởi vì phụ cấp và các khoản bổ sung khác do doanh nghiệp tự điều chỉnh”- ông Thắng nói./.