Đồng bộ giải pháp bảo đảm có ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội
Các chuyên gia, nhà quản lý đã cùng trao đổi, góp ý giải pháp hoàn thiện mục tiêu phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2025-2030, nhất là bảo đảm ít nhất đạt mục tiêu của Đề án 'Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030'.

Tọa đàm thu hút đông đảo đại biểu và báo chí tham dự. (Ảnh: HNV)
Sáng 1/4, tại Hà Nội, Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt đã tổ chức Tọa đàm "Giải pháp bảo đảm có ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội".
Từng bước gỡ vướng về nhà ở xã hội
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương đã được giao chỉ tiêu cụ thể về xây dựng nhà ở xã hội, phải coi đây là nhiệm vụ chính trị, với quan điểm lấy con người là trung tâm, là chủ thể, con người là yếu tố quyết định với sự phát triển, mọi chính sách phải hướng đến con người.
Tuy nhiên, theo ông Chử Văn Hải, Trưởng phòng Phát triển và quản lý nhà ở xã hội, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, cả nước có 655 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 593.428 căn, trong đó có 103 dự án hoàn thành với quy mô 66.755 căn; 137 dự án đã khởi công với quy mô 114.618 căn; 415 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 412.055 căn.
Về triển khai nguồn vốn tín dụng của Chương trình 120.000 tỷ đồng, tính đến tháng 3/2025 đã có 37/63 Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố gửi văn bản hoặc công bố trên cổng thông tin điện tử về danh mục dự án tham gia chương trình với tổng số là 90 dự án, tổng số tiền giải ngân là 2.845 tỷ đồng gồm: 2.580 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 20 dự án và 265 tỷ đồng cho người mua nhà tại 15 dự án. Tỷ lệ giải ngân được đánh giá là rất thấp.

Hình ảnh một dự án nhà ở xã hội cho công nhân. (Ảnh: HNV)
Mặc dầu vậy, các diễn giả cho rằng, các vướng mắc liên quan đến nhà ở xã hội đang được giải quyết hiệu quả. Nhiều ưu đãi cho nhà ở xã hội đã được triển khai và đổi mới của Luật Đất đai 2024 và Luật nhà ở 2023 đã thổi “luồng gió mới”, hy vọng khắc phục các khó khăn, vướng mắc trước đó. Đơn cử như quy định về 20% quỹ đất trong dự án nhà ở xã hội không qua đấu giá, đấu thầu đã là cái lợi lớn của chủ đầu tư, chủ đầu tư với nhà ở xã hội sẽ có lợi nhuận ổn định, rủi ro thấp nhất là với đối tượng khách hàng lớn, nhu cầu cấp thiết và thật sự cần khi người dân muốn mua nhà ở xã hội phải xếp hàng hoặc bốc thăm để mua thậm chí đang có đề xuất bổ sung thêm quy định cho bán trả chậm và có hình thức cho thuê đối với nhà xã hội.
Quy trình thủ tục phê duyệt dự án và quy trình thủ tục triển khai dự án đã được đẩy nhanh và rút gọn nhiều rồi. Tiến sĩ Cấn Văn Lực gợi ý “nhiều dự án bất động sản đang bị bỏ hoang, lãng phí, theo thống kê thì hiện đang có khoảng 1.500 dự án dạng này, nếu giải quyết được thì giảm thiểu lãng phí rất lớn, trong đó có thể xem xét một số dự án thương mại bị bỏ hoang chuyển sang nhà ở xã hội có được không?”.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia. (Ảnh: HNV)
Từ nay đến 2030, mỗi năm cần có ít nhất 150.000 căn nhà ở xã hội
Ông Lê Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đất đai, Bộ Nông nghiệp và Môi trường chỉ ra, quy hoạch còn thụ động ở cấp địa phương, lợi nhuận thu hút nhà đầu tư còn thiếu hấp dẫn. Liên quan tới đề xuất về Quỹ nhà ở quốc gia, nếu dùng để xây nhà ở xã hội thì không đủ nhưng dùng quỹ này để thực hiện công tác thu hồi mặt bằng tái định để thực hiện dự án nhà ở xã hội thì sẽ hiệu quả hơn. Đây có thể xem là nội dung quan trọng để khởi nguồn cho đầu tư dự án nhà ở xã hội.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực nhận định, cần nhìn đúng và trúng lại các vấn đề liên quan tới nhà ở xã hội vì quả thực hiện nay, nguồn vốn không phải là vấn đề nữa. Chúng ta đều biết rằng, gói 120 nghìn tỷ đồng đã nâng quy mô lên 145 nghìn tỷ đồng với sự tham gia thêm 9 ngân hàng thương mại gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV, TPBank, Techcombank, VPBank, MB, HDBank. Cái chính là thay đổi tư duy về nhà ở xã hội, nếu căn cứ số liệu thống kê về xây mới nhà ở xã hội trước đó thì theo tiến độ, từ nay đến 2030, mỗi năm phải có 150.000 căn thì mới có thể đạt tới mốc 1 triệu căn nhà xã hội theo Đề án.
Cũng theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, liên quan tới đối tượng mua nhà ở xã hội, chúng ta đã tháo gỡ 3 điểm gồm không cần xác nhận nơi ở, mức thu nhập được tính là 30 triệu đồng đối với hai vợ chồng, với cá nhân là 15 triệu đồng, đặc biệt là không cần xác nhận bên thuế về việc không nộp thuế thu nhập cá nhân. “Có hay chăng hiện nay, vướng nhất vẫn là cấp đất cho chủ đầu tư, do đó, cần thống nhất quan điểm có bộ tiêu chí đấu thầu cộng với việc bố trí, sắp xếp quy hoạch vị trí của các khu nhà ở xã hội… Có thể thấy, quy trình thủ tục hành chính liên quan tới nhà ở xã hội hiện nay đã được giảm bớt và nhanh hơn” - Tiến sĩ Cấn Văn Lực nói.
Luật sư Nguyễn Văn Đỉnh, chuyên gia pháp lý bất động sản nhấn mạnh tới nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa các chủ đầu tư và người dân đủ điều kiện mua nhà ở xã hội. “Mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội hoàn thành đến năm 2023, mặc dù chu kỳ là 10 năm nhưng khi được ban hành chỉ còn 7 năm thực hiện. Như vậy, chúng ta thấy được tốc độ cần phải tăng gấp 10 lần, tốc độ năm sau tăng hơn năm trước gấp 10 lần, thì cần phải có đột phá về chính sách” – Luật sư Đỉnh nói.