Dòng chảy 50 năm văn học TPHCM: Những tác phẩm sống với thời gian

Sau 50 năm đất nước thống nhất, với những điều kiện thuận lợi mới để phát huy tự do sáng tạo, một chân trời tươi sáng mở ra cho nền văn học nghệ thuật cả nước nói chung, Sài Gòn - TPHCM nói riêng.

Chủ trương đoàn kết, thực hiện hòa hợp dân tộc, là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, được chuẩn bị và triển khai ngay từ trước khi vào tiếp quản những vùng đất vừa giải phóng. Nhưng thực hiện trong thực tiễn lại không hề đơn giản. Các nhà văn phát hiện và nêu lên những vấn đề nóng đặt ra để khắc phục, là sự nhạy bén của những trí tuệ sắc sảo.

Một số tác phẩm văn học của các nhà văn: Viễn Phương, Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức, Nguyễn Mạnh Tuấn. Ảnh: M.H

Một số tác phẩm văn học của các nhà văn: Viễn Phương, Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức, Nguyễn Mạnh Tuấn. Ảnh: M.H

Trong khi phần đông nhà văn chủ chốt vẫn đang dành tâm sức viết về kháng chiến, Anh Đức hoàn thành “Đứa con của Đất”, Nguyễn Quang Sáng viết “Mùa gió chướng”, rồi kịch bản “Cánh đồng hoang”, cùng bối cảnh về Đồng Tháp Mười và những chuyện của kháng chiến. Viễn Phương bổ sung cho ra mắt “Quê hương địa đạo”. Trang Thế Hy hồi tưởng và cẩn trọng với trang viết, là những kỷ niệm kháng chiến, chống Pháp và chống Mỹ, bằng nhiều tập hợp khác nhau, hình thành các tập truyện, cơ bản theo kiểu tư duy truyền thống. Tuy nhiên, cách nhìn, cách khai thác vấn đề có khác chút ít. Nếu như trước đây, ông viết thiên về ca ngợi những con người anh hùng trong chiến đấu, thì bây giờ, cái bi được đề cập nhiều hơn, và chất bi hùng đem lại cho người đọc nhận thức toàn diện hơn.

Tuy nhiên, từ những năm 1980, văn học cả nước đã chuyển động, xu hướng chung có nhiều thay đổi, biểu hiện qua những tác phẩm của Nguyễn Trọng Oánh, Nguyễn Minh Châu, Lê Lựu, Ma Văn Kháng, thì văn học TPHCM cũng có những chuyển động mạnh.

Thời gian này, một tác phẩm được chú ý là “Chân dung một quản đốc” của Nguyễn Hiểu Trường. Tác giả tên thật là Trương Gia Triều, làm thơ với bút danh Hưởng Triều, viết tiểu luận bút danh Trần Quang, nhưng có lẽ ông được biết nhiều là Trần Bạch Đằng, là nhà hoạt động cách mạng và văn hóa có tiếng, từng đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng. Ở tác phẩm “Chân dung một quản đốc”, với giọng văn tưng tửng mà tinh tế, khắc họa chân dung một quản đốc tính cách độc đáo, làm ăn giỏi, khiến bạn đọc yêu thích. Đây là nét nổi bật trong cụm tác phẩm được Giải thưởng văn học Nhà nước về văn học nghệ thuật của Trần Bạch Đằng.

Đây cũng là tác phẩm trong hệ thống văn học đề cập những phương thức làm ăn mới, nảy sinh từ sự năng động, với những con người mới, được phản ánh trong sáng tác, như “Đứng trước biển” của Nguyễn Mạnh Tuấn, “Thị trấn giữa Rừng Sác” của Trần Thanh Giao hay rộng hơn là “Bí thư cấp huyện” của Đào Vũ, “Tan mây” của Nguyễn Phan Hách...

Những trang viết nhiều trăn trở của Lê Văn Thảo trong “Một ngày và một đời” cũng tạo ra sự hấp dẫn và có phần ly kỳ. Cô gái con một chiến sĩ biệt động đi tìm chân lý qua khảo sát, đào xới, kiểm nghiệm tiến đến sự thật. Biểu hiện trong tác phẩm với nhiều điểm nhìn, chắp nối nhiều mảnh vụn của quá khứ, qua lời kể, tâm tình của các nhân vật, từ đó chân lý được sáng tỏ. Về tư tưởng, người đọc vui với lớp trẻ, vì đồng tiền, sự giả dối không chi phối được chân lý. Cách viết lại mới, thoáng.

Trong thơ, thời kỳ này nổi lên một số hiện tượng đáng chú ý. Những năm đầu, người đọc chú ý nhiều đến Chim Trắng, Nguyễn Duy và Trần Mạnh Hảo. Thơ Chim Trắng trong “Những ngả đường”, chân chất mà sâu lắng, thơ anh đổi mới nhiều hơn, gần với hiện đại. Nguyễn Duy trong “Ánh trăng” có nhiều bài thơ gọn, đậm chất dân gian, mượt mà, triết lý giản dị mà sâu sắc, gây ấn tượng sâu đậm. Số bài thơ vui, hơi “tếu táo” của anh cũng được bạn đọc yêu thích, nhất là giới trẻ. Về sau, một số bài có phần chệch choạc, tâm sự cực đoan, lệch chuẩn, khái quát vội, có thể được lòng một vài người, nhưng thiếu toàn diện, mất sự nghiêm cẩn cần thiết.

Trần Mạnh Hảo có tài, bút lực khỏe, giàu sức sáng tạo. Nhiều bài thơ, trường ca của anh về kháng chiến, về tình yêu, có sức lay động lòng người. Tiêu biểu như “Mặt trời trong lòng đất”, hay “Đất nước hình tia chớp”... Tiếp theo, nhìn trong một phạm vi hẹp hơn và giai đoạn ngắn hơn, người ta cũng chú ý đến một số cây bút trẻ trưởng thành sau ngày giải phóng, như Nguyễn Đông Thức, Nguyễn Nhật Ánh, Lê Thị Kim, Phạm Sỹ Sáu, Trương Nam Hương. Riêng Nguyễn Nhật Ánh, sau chuyển sang chuyên về đề tài thiếu nhi là một hiện tượng đặc biệt.

“Ngày về”. Tranh: Thành Chương.

“Ngày về”. Tranh: Thành Chương.

Ở lĩnh vực này, Chế Lan Viên là một trường hợp đặc biệt. Ông vốn là một tài năng lớn của thơ ca Việt Nam. Từ tập thơ đầu tay “Điêu tàn” viết khi mới 17 tuổi, qua “Ánh sáng và phù sa”, “Hoa ngày thường - chim báo bão”, “Hoa trên đá” được đánh giá cao, nhưng với hai tập “Di cảo” khi ông đã mất, được vợ là nhà văn Vũ Thị Thường tập hợp sắp xếp cho xuất bản, khiến dư luận ngạc nhiên vì sự kỳ lạ và đồ sộ của nó. Nhiều bài cô đọng, nhịp độ nhanh, cảm giác như lên đồng nhưng ý tưởng thật kỳ diệu. Ông trăn trở nhiều vấn đề, đặt lại nhiều câu hỏi, từ mục đích, mỹ cảm, kỹ năng, kỹ thuật của thơ. Nhiều bài mang tư tưởng đặc sắc. Giải mã thơ ông không dễ dàng. Nhưng khi hiểu được bản chất của vấn đề, chiều sâu trong tư tưởng và tình yêu của ông với dân tộc, đất nước, với thành phố, thi ca, thì ta thấy tầm suy nghĩ của ông thật cao siêu, vĩ đại.

Cũng cần nhắc đến hai tên tuổi lớn của Sài Gòn trong giai đoạn 50 năm này, là Vũ Hạnh và Sơn Nam. Đây là những nhà văn hóa, nhà văn có bề dày hoạt động văn chương. Trong kháng chiến chống Mỹ, Vũ Hạnh hoạt động công khai trong nội thành, tả xung hữu đột trong nhiều thể loại, để lại nhiều tác phẩm xuất sắc mà kín đáo, như “Bút máu”, “Chất ngọc”, “Lửa rừng”, “Văn hóa và mạo hóa”, “Đọc lại Truyện Kiều”, “Tìm hiểu văn nghệ”… giàu chất cách mạng và tính tranh luận. Sau hòa bình, ông viết có ít đi nhưng các bài viết và sáng tác của ông vẫn có sức nặng của một ngòi bút có lửa. Sơn Nam giàu năng lượng, văn đậm đặc chất Nam Bộ, tiêu biểu là “Hương rừng Cà Mau”. Đoạn cuối đời, trước tác của ông nghiêng về khảo cứu, những hồi ký của ông rất giàu chất văn và tư liệu về đất và người phương Nam.

Tôi cũng muốn nhắc đến những nhà văn là người trong cuộc trong những năm kháng chiến gian khổ. Nguyễn Văn Tàu - Đại tá tình báo, nguyên cụm trưởng cụm tình báo H.63; lại là người rất đam mê văn chương, khi thư thả, ông say sưa viết về cuộc chiến đấu mà cá nhân và đơn vị mình tham dự. Rất nhiều trang viết sinh động của các chiến sĩ biệt động, những tử tù đặc biệt từ Côn Đảo, Phú Quốc, như Tư Chu (Nguyễn Đức Hùng), Lê Quang Vịnh, không chỉ độc đáo về tư liệu mà còn gây xúc động mạnh. Những trang viết như thế, cũng như những tác phẩm dày dặn của một cây bút nữ năng động, thích phiêu lưu, mê tư liệu, là nhà văn Trầm Hương, về những sự kiện chung quanh Tết Mậu Thân, đã để lại nhiều cảm tình.

Sài Gòn - TPHCM là miền đất mới, phóng khoáng, cởi mở, nghĩa tình, quy tụ nhiều con người từ khắp nơi. Ai đến đây, yêu đất này, nhiệt tình và nghị lực đều phát huy được năng lực. Tôi còn muốn nhắc đến nhiều người nữa, như trong lĩnh vực lý luận phê bình với các tên tuổi uyên bác, tinh tế, sắc sảo như Lê Đình Kỵ, Trần Thanh Đạm, Mai Quốc Liên, Lê Ngọc Trà, Huỳnh Như Phương, hay những cây bút trẻ trung đầy nhiệt huyết trên văn đàn sôi nổi một thời của Thanh niên xung phong đi mở mang xây dựng thành phố những năm đầu giải phóng.

Thành phố 50 năm qua có rất nhiều phong trào sáng tạo, nhiều hiện tượng và con người kỳ diệu. Đó là thực tiễn phong phú trong bước chuyển của thời cuộc, cho văn học khám phá thể hiện, nhưng chỉ thế thì chưa đủ, còn cần cảm quan nghệ thuật tinh tế, cùng trí tưởng tượng phong phú của nghệ sĩ cầm bút, mới có thể sáng tạo được những giá trị cao, hay và bền vững, được bạn đọc yêu mến và tồn tại lâu dài cùng thời gian.

Nhà báo Lê Quang Trang (nguyên Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết)

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/dong-chay-50-nam-van-hoc-tphcm-nhung-tac-pham-song-voi-thoi-gian-10304806.html