Dòng chảy mới tăng cường kết nối giữa Việt Nam - Thụy Điển
Ngày 12/11, hãng vận tải container hàng đầu thế giới - MSC đã công bố việc mở rộng dịch vụ SWAN từ năm 2025, theo đó lần đầu tiên kết nối trực tiếp giữa cảng Gothenburg (Thụy Điển) và Vũng Tàu (Việt Nam). Dịch vụ này dự kiến sẽ tăng cường luồng hàng hóa giữa hai khu vực, mang lại giải pháp vận chuyển hiệu quả, rút ngắn thời gian và củng cố mối quan hệ kinh tế song phương.
Theo phóng viên TTXVN đưa tin từ Stockholm, thông báo trên được chính thức công bố tại buổi Tọa đàm bàn tròn và Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Thụy Điển diễn ra tại Tập đoàn Ericsson vào cùng ngày. Sự kiện có sự tham gia của đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dẫn đầu, cùng đại diện 9 doanh nghiệp lớn của Thụy Điển.
Trước đó vài ngày, một Bản ghi nhớ (MOU) đã được ký kết giữa cảng Gothenburg và cảng SSIT (Vũng Tàu, Việt Nam). Thỏa thuận này thể hiện cam kết chung trong việc thúc đẩy kết nối và hợp tác sâu rộng trong lĩnh vực logistics và hàng hải, đưa hai cảng trở thành các trung tâm chiến lược về thương mại tại khu vực của mình.
Việc mở rộng dịch vụ SWAN nhằm nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Thụy Điển và Việt Nam, tạo động lực quan trọng cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường. Phát triển này nhấn mạnh tầm nhìn chiến lược và cam kết đổi mới của cả hai cảng, minh chứng cho sự hợp tác thương mại ngày càng gia tăng giữa Bắc Âu và Đông Nam Á.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân bày tỏ vui mừng được đến thăm đất nước Thụy Điển xinh đẹp, đặc biệt là tham quan Ericsson, một tập đoàn công nghệ hàng đầu của quốc gia Bắc Âu và đã có mặt tại thị trường Việt Nam hơn 30 năm qua. Phó Chủ tịch nước cho biết Việt Nam đang thực hiện các công việc chuyển đổi mô hình sang chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong quá trình chuyển đổi dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo này, Việt Nam rất mong nhận được sự hỗ trợ và hợp tác của các đối tác trên thế giới trong đó có Thụy Điển, quốc gia hiện có mối quan hệ rất tốt đẹp với Việt Nam, đặc biệt là hợp tác về kinh tế-thương mại-đầu tư.
Theo Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Việt Nam cũng có một số tập đoàn viễn thông hàng đầu như FPT, Viettel đang thực hiện quá trình chuyển đổi số. Hiện Việt Nam đang cải cách thể chế mạnh mẽ để cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, nhất là các doanh nghiệp có bề dày hợp tác lâu dài như Thụy điển, đầu tư vào Việt Nam.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân khẳng định rằng các hình thức hợp tác, giao lưu như tọa đàm bàn tròn, diễn đàn doanh nghiệp rất hữu hiệu và cần được tăng cường hơn trong thời gian tới. Doanh nghiệp hai nước sẽ có điều kiện tìm hiểu về thị trường, về môi trường đầu tư của nhau cũng như hiểu nhau hơn để tiến trình đầu tư và hợp tác thực chất và hiệu quả hơn.
Về phần mình, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hoàng Long cho biết Bộ luôn coi trọng vai trò của Thụy Điển, một trong những quốc gia đứng đầu thế giới nói chung và Bắc Âu nói riêng trong đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững các nguồn năng lượng sạch. Thụy Điển là người bạn lâu năm, là đối tác tin cậy sở hữu các kinh nghiệm thực tiễn và các giải pháp công nghệ tiên phong thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Đây là những điều mà Chính phủ Việt Nam đang rất mong chờ từ các đối tác nước ngoài.
Đối với việc triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8 (PDP8) và Thỏa thuận đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) tại Việt Nam, Bộ Công Thương hy vọng nhận được sự hỗ trợ từ các công ty Thụy Điển trong việc tăng cường hỗ trợ nâng cao năng lực, chia sẻ kinh nghiệm trong việc phát triển thị trường điện và vận hành hệ thống điện tích hợp tỷ lệ lớn các nguồn năng lượng tái tạo.
Phó Chủ tịch Tập đoàn Ericsson Jacob Wallenberg bày tỏ hân hạnh được đón Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đến thăm tập đoàn. Ông cho biết, trong chuyến thăm Việt Nam tháng Ba vừa qua, ông rất ấn tượng với sự phát triển của Việt Nam về kinh tế cũng như môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư.
Ông cho biết với những tiện ích mà công nghệ 5G đem lại và sự quan tâm của Việt Nam đã khiến Ericsson cảm thấy có dư địa để tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này. Điều này không chỉ giúp Việt Nam phát triển mạnh mẽ về kinh tế mà cả xã hội.
Theo ông Jacob Wallenberg, để trở thành điểm đến hấp dẫn hơn, Việt Nam cần có công nghệ 5G vì đây chính là nền tảng, cơ sở để các công ty, doanh nghiệp hiện đại muốn đầu tư vào Việt Nam.
Ông Andreas Carlson, Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng và Nhà ở Thụy Điển cũng khẳng định sự hiện diện của Ericsson tại Việt Nam trong 31 năm qua đã góp phần đẩy mạnh mối quan hệ “đơm hoa kết trái” giữa hai nước.
Theo ông Carlson, chuyến đi của ông dẫn đoàn doanh nghiệp Thụy Điển tới Đà Nẵng và Hà Nội tháng 3/2024 đã thực sự để lại ấn tượng. Các doanh nghiệp đã có sự kết nối và chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam khi làm việc với chính phủ, địa phương. Với cá nhân ông Carson, Việt Nam là mảnh đất có rất nhiều tiềm năng và Chính phủ Thụy Điển nhìn thấy một tương lai rất tươi sáng tại quốc gia Đông Nam Á này cũng như là trong quan hệ đối tác giữa hai nước.
Theo ông Carlson, không chỉ là đất nước phát triển rất nhanh về kinh tế, mà Việt Nam đang chuyển mình trong các lĩnh vực như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Với những cơ hội tốt này, Việt Nam đang trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các quốc gia châu Âu, đặc biệt là các quốc gia vùng Bắc Âu.