Dòng chảy văn hóa Chăm Pa từ góc nhìn Bảo vật Quốc gia

Lần đầu tiên, người dân và du khách được chiêm ngưỡng các Bảo vật Quốc gia của tỉnh Bình Định nhân dịp Sở Văn hóa-Thể thao tỉnh tổ chức Lễ công bố Quyết định công nhận Bảo vật Quốc gia đối với 2 tượng sư sử đá thành Đồ Bàn. Dòng chảy văn hóa Chăm Pa sống động mang đến những câu chuyện vượt thời gian.

2 tượng sư tử đá thành Đồ Bàn được công nhận Bảo vật Quốc gia. Ảnh: Trúc Hà

2 tượng sư tử đá thành Đồ Bàn được công nhận Bảo vật Quốc gia. Ảnh: Trúc Hà

Bình Định từng là kinh đô phồn thịnh nhất của Vương quốc Chăm Pa (từ thế kỷ XI đến XV), bởi vậy mà để lại rất nhiều di sản văn hóa vật thể vô giá, gồm đền tháp (đặc biệt là 8 cụm tháp Chăm với 14 khối tháp còn khá nguyên vẹn), thành quách, khu lò gốm ngàn năm, nghệ thuật điêu khắc, hiện vật, cổ vật.... Nghệ thuật điêu khắc Chăm Pa không chỉ là biểu tượng văn hóa, mà còn chứa đựng những yếu tố nghệ thuật, lịch sử, tín ngưỡng, triết lý, phản ánh bàn tay tài hoa, óc sáng tạo của người Chăm xưa.

Trong truyền thuyết của Hindu giáo, sư tử là một trong những kiếp hóa thân của thần Vishnu, một trong 3 vị thần tối thượng của Ấn Độ giáo. Sư tử là vật linh, có chiến công giết quỷ dữ Hiranyakasipy và sùng bái thần Brahma nên được thần Vishnu ban cho phép trường sinh. 2 tượng sư tử thường thể hiện theo cặp đối xứng đặt 2 bên cửa ra vào đền, tháp Chăm Pa. 2 tượng sư tử đá thành Đồ Bàn (hay còn gọi là thành Hoàng Đế tại xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) có niên đại từ cuối thế kỷ XI, được tìm thấy cách đây 32 năm tại thôn Bả Canh, gần tháp Chăm cổ Cánh Tiên, trong khuôn viên thành cổ Đồ Bàn.

2 tượng sư tử đá này thuộc nghệ thuật điêu khắc Chăm Pa, có tư thế nửa nằm, nửa đứng. Mỗi tượng có chiều cao khoảng 1,05m, dài 1,2m, lưng rộng nhất 0,6m, thể hiện giống đực. Hình dạng tượng tròn, cân đối được tạc từ chất liệu đá sa thạch. Nét độc đáo của 2 tượng đá sư tử này là 2 chân trước tạc ngắn, nhìn vào có sự mất cân bằng 2 bên trong tư thế nửa nằm, nửa đứng. Đây là nghệ thuật điêu khắc rất đặc trưng, chưa tìm thấy ở bất cứ hiện vật điêu khắc Chăm Pa nào. Theo đánh giá của giới chuyên môn, cho đến nay, 2 pho tượng sư tử đá được tìm thấy ở thành cổ Đồ Bàn được điêu khắc nửa nằm, nửa đứng là duy nhất. Đây là một hình tượng điêu khắc “độc nhất” trong lịch sử nghệ thuật điêu khắc tượng Chăm Pa...

Ngày 21/11, tại Bảo tàng tỉnh Bình Định (tọa lạc tại thành phố Quy Nhơn), Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Bình Định đã tổ chức Lễ công bố Quyết định công nhận Bảo vật Quốc gia 2 tượng sư tử đá thành Đồ Bàn. Như vậy, tính đến tháng 11/2024, đã có 13 tác phẩm điêu khắc đá Chăm Pa Bình Định được công nhận Bảo vật Quốc gia, trong đó, có 8 bảo vật được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bình Định, gồm: Phù điêu nữ thần Mahisha Sura Mardini; phù điêu thần Brahma; cặp phù điêu chim thần Garuda diệt rắn; phù điêu nữ thần Sarasvati; phù điêu thần hộ pháp Mả Chùa; 2 tượng sư tử đá thành Đồ Bàn. 5 Bảo vật Quốc gia còn lại hiện được lưu giữ tại các địa phương, gồm: Cặp voi đá thành Đồ Bàn; 2 tượng Hộ pháp chùa Nhạn Sơn; tượng thần Shiva chùa Linh Sơn. Đây là niềm vinh dự mà không nơi nào có được và là di sản quý giá trong kho tàng di sản văn hóa của cả nước và của tỉnh nhà, nguồn sử liệu quý đối với công tác nghiên cứu, sưu tầm lịch sử - văn hóa tỉnh Bình Định.

Phát biểu tại Lễ công bố Quyết định công nhận Bảo vật Quốc gia 2 tượng sư tử đá thành Đồ Bàn, ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh phải chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan, tích cực tuyên truyền, giới thiệu các Bảo vật Quốc gia của tỉnh lên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội. Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh cần tiếp tục phối hợp với các đơn vị, địa phương, phát huy vai trò của các chuyên gia, xác định niên đại, giá trị nghệ thuật các hiện vật, tượng đá Chăm Pa còn lại ở Bình Định để xây dựng hồ sơ, công nhận Bảo vật Quốc gia...

Ông Lâm Hải Giang cho rằng, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử và các di sản, hiện vật Chăm Pa ở tỉnh Bình Định thời gian qua được đẩy mạnh, tuy nhiên "mới chỉ thô", "chưa tinh”, “chưa sâu”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đề nghị ngành văn hóa tỉnh và các đơn vị, chuyên gia nên có giải pháp để “thổi hồn” cho các tượng điêu khắc đá và các di sản Chăm Pa cổ. Bởi vậy, Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh cần phát huy, tận dụng được vai trò của các nhà nghiên cứu trong giải mã, tìm ra những giá trị nghệ thuật, câu chuyện, lịch sử thời kỳ, bản sắc văn hóa để làm cho hiện vật, di sản biết kể chuyện..

Được biết, tới đây, tỉnh Bình Định sẽ xây mới Bảo tàng tỉnh, đặt tại trung tâm thành phố Quy Nhơn. Bảo tàng mới sẽ dành phần diện tích lớn để trưng bày, quảng bá, bảo tồn các di sản nghệ thuật văn hóa Chăm Pa. Theo ông Lâm Hải Giang, trong thời đại 4.0, vai trò của Bảo tàng tỉnh không chỉ đơn thuần làm nhiệm vụ trưng bày mà cần phải làm khác đi. Trong đó, cần số hóa trong trưng bày, làm sao kể được những câu chuyện hấp dẫn, ý nghĩa để nhiều người dân, du khách trong và ngoài nước được tiếp cận đầy đủ. Qua đó, góp phần lan tỏa sâu rộng những giá trị di sản vào đời sống xã hội...

Trúc Hà

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dong-chay-van-hoa-cham-pa-tu-goc-nhin-bao-vat-quoc-gia-post484535.html