Họ Lê ở xứ Đông trong dòng chảy phát triển

Phát huy truyền thống cha ông, người họ Lê ở xứ Đông xưa, Hải Dương nay không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, đóng góp tài năng, trí tuệ, công của xây dựng quê hương, đất nước.

Lãnh đạo Hội đồng họ Lê Việt Nam chụp ảnh lưu niệm với Hội đồng họ Lê tỉnh Hải Dương khóa 2, nhiệm kỳ 2019-2024

Lãnh đạo Hội đồng họ Lê Việt Nam chụp ảnh lưu niệm với Hội đồng họ Lê tỉnh Hải Dương khóa 2, nhiệm kỳ 2019-2024

Dòng họ rạng danh

Dòng họ Lê là một trong những dòng họ khởi thủy, có nhân số đông thứ nhì ở Việt Nam. Theo sách Lễ hội và Danh nhân lịch sử Việt Nam của tác giả Hà Tùng Tiến, Thục Phán An Dương Vương là người dòng họ Lê ở Mỹ Đức (Hà Nội). Cuối thời Hùng Vương thứ 18, năm 258 trước Công nguyên, Thục Phán lên ngôi xưng là An Dương Vương, bỏ quốc hiệu Văn Lang đổi tên là Âu Lạc, đóng đô ở Đông Kinh, xây thành Cổ Loa. Thục Phán An Dương Vương được tôn là thủy tổ của dòng họ Lê Việt Nam.

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, cùng trăm họ, họ Lê đã đóng góp công sức, tài năng, trí tuệ và xương máu để xây dựng và bảo vệ giang sơn Việt Nam. Dòng họ Lê đã có đến hai lần lập ra triều đại vương quyền: tiền Lê và hậu Lê, tổng cộng 399 năm. Trong danh sách khoa bảng triều Nguyễn trong 115 năm có đến 650 vị hương cống, cử nhân, tiến sĩ, phó bảng là con cháu họ Lê.

Sử sách còn ghi bà Lê Chân, vị anh hùng đã cùng Hai Bà Trưng đánh đuổi nhà Hán dựng nền độc lập. Qua các thời kỳ cũng xuất hiện nhiều nhân sĩ, trí thức họ Lê tiêu biểu như: Lê Văn Hưu, nhà sử học thời Trần (tác giả bộ Đại Việt sử ký); Lê Quý Đôn, nhà bác học thời Lê trung hưng; Thần y đất Việt Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác...

Trong hai cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, dòng họ Lê đã cống hiến cho đất nước nhiều nhà cách mạng lỗi lạc. Thời bình nhiều người họ Lê giữ chức vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước, quân đội…

Tại Hải Dương, miền đất sản sinh nhiều bậc danh nhân, hiền tài đất nước cũng có nhiều người họ Lê.

Lê Cảnh Tuân người làng Mộ Trạch (Bình Giang) là một nhân sĩ không chỉ giỏi văn chương mà còn khí tiết thời Trần. Người con thứ của ông là Lê Thiếu Dĩnh theo Lê Lợi tham gia khởi nghĩa Lam Sơn rồi trở thành văn thần của nhà hậu Lê. Cháu nội ông là Hoàng Giáp Lê Tư, chắt nội là Hoàng Giáp Lê Quang Bí nhà Mạc.

Ngày nay, người dân xứ Đông còn tự hào về giai thoại vị trạng nguyên ăn khỏe, học giỏi Lê Nại. Sau này Lê Nại thi đỗ Trạng nguyên khoa thi năm 1505.

Hải Dương còn có đền thờ vua Lê Đại Hành ở phường An Lạc (TP Chí Linh), đền thờ vua Lê Thái Tổ ở xã Minh Tân (Nam Sách). Trong tỉnh có 4 đình làng thờ thần hoàng là người họ Lê. Tiêu biểu là đền thờ Lê Viết Hưng, Lê Viết Quang, các vị tướng thời Hai Bà Trưng tại đình Ngọc Uyên (TP Hải Dương)...

Ở Hải Dương hiện có hàng trăm chi họ Lê với hàng vạn nhân khẩu. Người họ Lê tỉnh Hải Dương luôn hướng về cội nguồn, tri ân tiên tổ. Dòng họ Lê ở Hải Dương có 4 người được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 3 nhà giáo ưu tú, 4 người là tướng lĩnh trong quân đội thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ; hàng trăm người con họ Lê đã anh dũng hy sinh trong các cuộc kháng chiến. Dòng họ tại tỉnh nhà cũng có 90 Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Đoàn kết và phát triển

Đại diện dòng họ Lê Việt Nam thăm và trao quà hỗ trợ bà con họ Lê ở Hải Dương bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra vào tháng 9/2024

Đại diện dòng họ Lê Việt Nam thăm và trao quà hỗ trợ bà con họ Lê ở Hải Dương bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra vào tháng 9/2024

Hướng về cội nguồn, tri ân tiên tổ, ngày 12/7/2014, Hội đồng họ Lê Hải Dương ra mắt và tổ chức Đại hội đại biểu họ Lê tỉnh Hải Dương lần thứ nhất.

Theo thiếu tướng Lê Ngọc Oa, nguyên Chủ tịch Hội đồng họ Lê Hải Dương, việc thành lập Hội đồng họ Lê Hải Dương nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp của dòng họ, giáo dục con cháu noi gương ông cha, đoàn kết xây dựng đất nước.

Sau 10 năm hoạt động (2014 - 2024), Hội đồng họ Lê tỉnh Hải Dương đã đoàn kết, quy tụ, kết nối bà con họ Lê toàn tỉnh thành một khối thống nhất, coi việc họ là việc nhà, việc nước.

Dòng họ cũng đã xây dựng theo Quy ước họ Lê Việt Nam, thành lập các ban lịch sử, ban khuyến học, Câu lạc bộ doanh nhân họ Lê của tỉnh.

12/12 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh đều có Hội đồng họ Lê lâm thời hoặc Ban Vận động thành lập Hội đồng họ Lê cấp huyện. Đến nay đã có 5 địa phương gồm các huyện Gia Lộc, Thanh Hà, Bình Giang, Thanh Miện và thị xã Kinh Môn đã tổ chức được Đại hội đại biểu họ Lê và ra mắt ban vận động họ Lê cấp huyện.

Công tác khuyến học, khuyến tài được quan tâm, Ban Khuyến học dòng họ Lê của tỉnh đã trao trên 500 suất quà khen thưởng cho học sinh con cháu họ Lê chăm ngoan học giỏi. Câu lạc bộ doanh nhân họ Lê Hải Dương là một trong những đơn vị đầu tiên trong cả nước ra mắt và hoạt động hiệu quả.

Đại hội Hội đồng họ Lê tỉnh Hải Dương lần thứ III nhiệm kỳ (2024 - 2029) vào ngày 14/12/2024. Đây là dịp các thế hệ con cháu họ Lê Hải Dương sum họp, kết nối, tri ân tiên tổ, đoàn kết và phát triển.

Với truyền thống được duy trì qua nhiều năm, tin tưởng mối đoàn kết của dòng họ Lê sẽ ngày càng gắn bó, đem lại những giá trị có ý nghĩa lớn cho toàn thể bà con.

TS. LÊ XUÂN HUY, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng họ Lê tỉnh Hải Dương

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/ho-le-o-xu-dong-trong-dong-chay-phat-trien-400240.html