Đồng chí Hoàng Trung Dũng điều hành thảo luận tổ về các dự án luật sửa đổi
Chiều 17/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Công chứng (sửa đổi), Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) và nghị quyết về giảm thuế giá trị gia tăng. Đồng chí Hoàng Trung Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh, Tổ trưởng Tổ thảo luận số 16 điều hành phiên thảo luận tổ gồm ĐBQH các tỉnh: Hà Tĩnh Cao Bằng, Lâm Đồng, Cà Mau.
Thảo luận tại tổ về dự án Luật Công chứng (sửa đổi), các đại biểu khẳng định, việc sửa đổi luật nhằm tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về công chứng.
Các đại biểu cũng thảo luận và cho ý kiến về mô hình tổ chức văn phòng công chứng; cơ chế hậu kiểm; xử lý vi phạm trong thực hiện quy trình công chứng; phân quyền khai thác dữ liệu bảo đảm hiệu quả; bảo mật, an toàn dữ liệu lưu trữ; thời hạn tạm đình chỉ hành nghề công chứng, miễn nhiệm công chứng viên; giới hạn độ tuổi bổ nhiệm, hành nghề của công chứng viên; quản lý, sử dụng chặt chẽ con dấu; trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với tổ chức hành nghề công chứng.
Đồng chí Hoàng Trung Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh và các đại biểu đoàn Hà Tĩnh khẳng định, việc bổ sung quy định về công chứng điện tử tạo thuận lợi cho người dân, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số; cân nhắc việc mở rộng phạm vi công chứng các giao dịch bất động sản không phụ thuộc địa giới hành chính; khuyến khích quảng cáo công chứng để người dân dễ tiếp cận; tiếp nhận, xử lý trách nhiệm văn phòng công chứng tạm ngừng hoạt động; quy định việc miễn nhiệm công chứng viên theo hướng quy định tỷ lệ giải quyết công chứng không liên tục; bảo đảm quyền tự chủ, nâng cao tính cạnh tranh; đồng bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về công chứng; xã hội hóa hoạt động công chứng, bảo đảm tốt nhất lợi ích của người dân.
Thảo luận về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), các đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo luật, bảo đảm tính thống nhất, chặt chẽ của hệ thống pháp luật; cân nhắc thu hẹp nhóm đối tượng không thuộc diện chịu thuế; kê khai, khấu trừ bổ sung được thực hiện vào kỳ phát hiện sai sót; quy định chặt chẽ điều kiện khấu trừ thuế; các trường hợp hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu được áp dụng thuế suất 0%.
Các đại biểu cũng đề nghị cân nhắc khả năng quy định lộ trình tăng thuế suất; bổ sung quy định cho phép không thu thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa mua bán của cư dân biên giới; quy định cụ thể việc cho phép các doanh nghiệp chế xuất được áp dụng cơ chế thuế suất 0%; mở rộng đối tượng được hoàn thuế; quy định cụ thể tiêu chí phân loại người nộp thuế.
Đồng chí Hoàng Trung Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh và các đại biểu đoàn Hà Tĩnh đề nghị cân nhắc các yếu tố liên quan như mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân; rà soát chuẩn nghèo đa chiều mới, thu nhập bình quân đầu người để quy định ngưỡng doanh thu thuộc diện không chịu thuế giá trị gia tăng; tạo điều kiện mở rộng và bao quát các nguồn thu. Xây dựng mức thuế suất giá trị gia tăng theo hướng bảo vệ nguồn thu và tránh bất lợi cho các nhà cung cấp trong nước; xác định phương án điều chỉnh điều kiện khấu trừ thuế đầu vào; loại hình dịch vụ xuất khẩu được áp dụng thuế suất 0%; điều kiện khấu trừ thuế đầu vào đối với hàng hóa xuất khẩu; quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng, tránh trục lợi, gây thất thoát ngân sách.
Cũng tại buổi thảo luận, các đại biểu cho rằng, việc xây dựng Nghị quyết về giảm thuế giá trị gia tăng là cần thiết nhằm giảm giá thành hàng hóa; kích cầu tiêu dùng; phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh; đóng góp ngân sách Nhà nước, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Các đại biểu cũng cho ý kiến về phạm vi, thời gian áp dụng; nhóm hàng hóa, dịch vụ giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng; hình thức thực hiện; nguồn lực đảm bảo thi hành nghị quyết.