Đồng chí Nguyễn Chí Thanh chỉ đạo thực hiện đường lối 'toàn dân kháng chiến' trên Chiến trường Bình - Trị - Thiên (1946 - 1950)

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Chí Thanh luôn thấm nhuần Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của quần chúng nhân dân và sức mạnh của đại đoàn kết dân tộc quyết định đến sự thành bại của sự nghiệp cách mạng.

Thời gian lãnh đạo phong trào cách mạng ở Bình - Trị - Thiên những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, dù phải đối mặt với khó khăn, thử thách hết sức ngặt nghèo, cách mạng bị tổn thất nặng nề, nhưng với tư duy nhạy bén, sắc sảo, tầm nhìn chiến lược, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã cùng tập thể cấp ủy kịp thời nghiên cứu, đánh giá sát đúng tình hình, đề ra những chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, nhất là đã phát huy được sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần từng bước khôi phục và phát triển phong trào kháng chiến trên địa bàn.

Từ cuối năm 1946, hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân Thừa Thiên - Huế tổ chức chiến đấu, tiêu hao, tiêu diệt quân Pháp, cùng cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ. Tuy nhiên, tương quan lực lượng giữa ta và địch quá chênh lệch, đầu năm 1947, Mặt trận Huế bị vỡ, các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên rơi vào tay giặc. Thực dân Pháp ra sức tàn sát nhân dân, bắt bớ, giết hại cán bộ, lập các vùng tề, dựng đồn bốt tạo nên hệ thống kìm kẹp từ thôn, xã đến khắp tỉnh; cơ sở kháng chiến tàn phá, số cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang phải dạt ra núi rừng phía bắc tỉnh, xa dân, mất địa bàn; đời sống nhân dân khổ cực… Cuộc kháng chiến của quân và dân Thừa Thiên - Huế đứng trước khó khăn, thử thách ngặt nghèo.

Để nhanh chóng phục hồi và đưa phong trào cách mạng phát triển, từ ngày 25 đến 27-3-1947, đồng chí Nguyễn Chí Thanh - Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên đã triệu tập và chủ trì Hội nghị cán bộ Đảng tỉnh Thừa Thiên tại Nam Dương (Quảng Điền). Thấm nhuần Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về sức mạnh vô địch của quần chúng nhân dân, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân…, đồng chí Nguyễn Chí Thanh cùng Hội nghị đã thảo luận, đánh giá đúng tình hình, đề ra chủ trương, giải pháp: Củng cố, xây dựng lại cơ sở, đưa cán bộ, đảng viên trở về địa phương cũ để hoạt động, nắm lấy quần chúng nhân dân để kháng chiến, chỉnh đốn quân đội, dân quân tự vệ, chỉnh đốn chính quyền, kiện toàn cơ sở Đảng…(1). Hội nghị đặc biệt nhấn mạnh: Phải nhanh chóng bám cơ sở, đánh địch bằng cách đánh du kích. Cán bộ, đảng viên, bộ đội kiên quyết trở lại đồng bằng, bám đất, bám dân, nhanh chóng khôi phục lực lượng kháng chiến, phải dựa vào dân, phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân, có nhân dân là có tất cả. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh nhắc nhở cán bộ, đảng viên: “Mất đất chưa phải là mất nước. Chúng ta phải tranh thủ từng người, từng thôn. Chúng ta không để mất dân, chết cũng không rời cơ sở. Chúng ta nhất định thắng”(2).

 Đồng chí Nguyễn Chí Thanh (thứ hai từ trái qua) tại Phân khu Bình - Trị - Thiên. Ảnh tư liệu

Đồng chí Nguyễn Chí Thanh (thứ hai từ trái qua) tại Phân khu Bình - Trị - Thiên. Ảnh tư liệu

Hội nghị Nam Dương đánh dấu một bước chuyển quan trọng có ý nghĩa quyết định công tác lãnh đạo của Đảng bộ Thừa Thiên, trong đó có vai trò to lớn của đồng chí Nguyễn Chí Thanh, đã kịp thời phát huy ý chí chiến đấu, hiệu triệu quân và dân Thừa Thiên đoàn kết một lòng, tập trung xây dựng và phát triển thế trận chiến tranh nhân dân, đẩy mạnh chiến tranh du kích, ngăn chặn bước đi xuống của phong trào, đưa cuộc kháng chiến ở Thừa Thiên từng bước đi lên.

Sau hội nghị, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sâu sát của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Chí Thanh, cán bộ, đảng viên và lực lượng vũ trang hăng hái trở lại đồng bằng, thành thị, bám cơ sở, bám đất, bám dân để hoạt động, đẩy mạnh hoạt động phá tề, trừ gian, tích cực tuyên truyền, giác ngộ nhân dân, hỗ trợ nhân dân trong lao động sản xuất, bảo đảm đời sống và tiếp tế cho cách mạng, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, với cách mạng, xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân… Nhờ đó, đã tập hợp, quy tụ được nhân dân dốc sức đồng lòng tham gia, ủng hộ kháng chiến.

Được sự đùm bọc, giúp đỡ và bảo vệ của nhân dân, lực lượng cách mạng đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách và hiểm nguy, vượt qua vòng vây của kẻ thù, trụ bám vững chắc trên địa bàn để hoạt động, từng bước gây dựng cơ sở, căn cứ kháng chiến, phát triển lực lượng vũ trang…, đẩy mạnh chiến tranh du kích rộng khắp vùng sau lưng địch, tiếp tục tiếng súng kháng chiến, giành được nhiều thắng lợi quan trọng, tiêu biểu là chiến công tiêu diệt đồn: Hộ Thành (24-3-1947), Đất Đỏ (29-3-1947)… Những chiến công trên đã “gây tiếng vang về quân sự, có ảnh hưởng về chính trị, thực hiện thắng lợi tinh thần chỉ đạo nổ lại súng kháng chiến để đem lại niềm tin tưởng cho đồng bào của Tỉnh ủy và đồng chí Nguyễn Chí Thanh”(3), tạo điều kiện cho lực lượng vũ trang Thừa Thiên trở về hoạt động ở đồng bằng và đô thị, làm nòng cốt cho phong trào toàn dân đánh giặc, qua đó, góp phần tăng cường và củng cố khối đoàn kết toàn dân, giữ vững lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào thắng lợi của cuộc kháng chiến dưới sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mới cho phong trào kháng chiến trên địa bàn.

Để tăng cường và thống nhất sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên, đầu năm 1948, Trung ương Đảng ra chỉ thị thành lập Phân khu Bình - Trị - Thiên trực thuộc Liên khu 4. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh được cấp trên tin tưởng, lựa chọn, phân công làm Bí thư Phân khu ủy. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của các cấp ủy đảng, phong trào kháng chiến ở Bình - Trị - Thiên dần được khôi phục và phát triển. Nhằm ngăn chặn, dập tắt phong trào kháng chiến của quân và dân ta, thực dân Pháp ra sức xây dựng, củng cố chính quyền tay sai, hệ thống đồn bốt, điên cuồng tổ chức nhiều đợt càn quét, khủng bố với quy mô ngày càng lớn, với tính chất ngày càng tàn bạo, sát hại dã man đồng bào, đồng chí của ta, Bình - Trị - Thiên trải qua những ngày đau thương chưa từng có(4). Có thể nói đây là “thời kỳ nguy ngập nhất của ba tỉnh Bình - Trị - Thiên”(5).

Với tài năng và những kinh nghiệm phong phú, trọng dân, vì dân, tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, luôn coi mối quan hệ quân với dân như “cá với nước”, nhân dân là nguồn sống và sức mạnh to lớn của lực lượng vũ trang nói chung, Quân đội nói riêng, đồng chí Nguyễn Chí Thanh khẳng định: “Kháng chiến, cách mạng cần phải có đông đảo nhân dân tham gia như làm ăn cần có vốn… Dân là cái vốn cách mạng quý nhất, quý hơn tất cả. Vì: Còn dân thì nước còn. Mất dân thì mất nước”(6)… Do vậy, ngay khi đảm đương cương vị Bí thư Phân khu ủy Bình - Trị - Thiên, đồng chí Nguyễn Chí Thanh nhanh chóng nắm bắt tình hình, cùng tập thể Phân khu ủy phân tích, đánh giá đặc điểm, tình hình chung của Bình - Trị - Thiên và đặc điểm, tình hình riêng của ba địa phương, từ đó xác định nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, trong đó, đặt lên hàng đầu công tác tuyên truyền, vận động, giác ngộ nhân dân, xây dựng, củng cố đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trong đấu tranh cách mạng. Yêu cầu các tổ chức cơ sở đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên dù khó khăn như thế nào cũng phải “bám đất, bám dân, bám lấy địa phương mà hoạt động; phải chú trọng vũ trang tuyên truyền, tiến sâu vào sau lưng địch tuyên truyền vận động thu phục dân và hội tề, gây cơ sở ở hậu phương địch, dọn đường cho đại đội độc lập vào phát triển du kích chiến tranh”(7).

Chiến thắng Võ Xá (Thừa Thiên Huế), tháng 3-1947. Ảnh tư liệu

Chiến thắng Võ Xá (Thừa Thiên Huế), tháng 3-1947. Ảnh tư liệu

Với chủ trương, đường lối lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của đồng chí Nguyễn Chí Thanh - Bí thư Phân khu ủy và tập thể Phân khu ủy, sức mạnh của toàn dân, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố và phát huy, đưa chiến tranh nhân dân ở Bình - Trị - Thiên phát triển mạnh mẽ. Quân và dân Bình - Trị - Thiên đã chủ động đánh địch mọi lúc, mọi nơi, với mọi lực lượng, kết hợp đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị, giành được những thắng lợi quan trọng, tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, hạn chế phạm vi kiểm soát của chúng, đưa cuộc kháng chiến ở Bình - Trị - Thiên từng bước vượt qua khó khăn, hiểm nghèo.

Để đưa phong trào cách mạng tiếp tục phát triển, tháng 4-1948, Bí thư Phân khu ủy Nguyễn Chí Thanh chủ trì Hội nghị cán bộ mở rộng Phân khu Bình - Trị - Thiên với thành phần là Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính các tỉnh và chỉ huy các trung đoàn, tỉnh đội. Trên cơ sở nắm chắc diễn biến tình hình mọi mặt và với tư duy sắc sảo, tầm nhìn chiến lược, tại Hội nghị, đồng chí đã phân tích, đánh giá một cách cụ thể đặc điểm, tình hình, thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm, hạn chế cần phải khắc phục, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng, trong đó nhấn mạnh về sức mạnh của quần chúng nhân dân, của đoàn kết toàn dân, về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng có tính chất quyết định của nhân dân đối với cách mạng: “Không có dân thì kháng chiến không thể thắng lợi. Tình trạng nhiều cán bộ, đảng viên bị đánh bật khỏi cơ sở, thoát ly địa phương là cực kỳ nghiêm trọng. Âm mưu của địch là tách nhân dân ra khỏi cách mạng, cán bộ, đảng viên không kiên trì bám đất, bám dân là mắc mưu địch”(8). Trên cơ sở đó, hội nghị đã đề ra những chủ trương, giải pháp lãnh đạo để đẩy mạnh phong trào kháng chiến, trong đó xác định phải: “Củng cố đoàn kết, thống nhất tư tưởng, bám sát nhân dân vùng sau lưng địch để gây dựng cơ sở, đẩy mạnh phong trào đấu tranh, chú trọng nhiệm vụ cải thiện dân sinh, phá tề, trừ gian”(9).

Với những chủ trương, giải pháp lãnh đạo đúng đắn, kịp thời, cùng với sự chỉ đạo sâu sát, tỉ mỉ của Phân khu ủy và các cấp ủy đảng, trong đó có vai trò quan trọng của đồng chí Nguyễn Chí Thanh - Bí thư Phân khu ủy, các lực lượng không quản gian khổ, hy sinh, kiên quyết bám trụ cơ sở, bám đất, bám dân, đẩy mạnh các hoạt động phá tề, trừ gian, tích cực tuyên truyền, giác ngộ nhân dân, củng cố mối quan hệ đoàn kết quân dân, đoàn kết toàn dân, cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, tích cực tham gia kháng chiến, kiến quốc… Hầu hết các hội tề bị giải tán, cơ sở chính trị được gây dựng, lực lượng cách mạng, chiến tranh du kích phát triển rộng khắc…, phát huy được sức mạnh tổng hợp đưa cuộc kháng chiến ở Bình - Trị - Thiên vượt qua tình thế hiểm nghèo, ngày càng phát triển mạnh mẽ(10).

Tiếp đó, từ tháng 5-1948, trên cương vị Bí thư Liên khu ủy 4, đồng chí Nguyễn Chí Thanh cùng với tập thể Liên khu ủy đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân Liên khu 4 nói chung, quân và dân Bình - Trị - Thiên nói riêng, đẩy mạnh củng cố cơ sở, xây dựng lực lượng, phát triển chiến tranh du kích. Trong đó, xác định rõ nhiệm vụ: “toàn Đảng bộ bám sát dân, tuyên truyền, vận động nhân dân, gây dựng lại cơ sở…, đẩy mạnh các hoạt động phá tề trừ gian, cải thiện dân sinh; củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân vào thắng lợi của phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng”(11).

Quán triệt và thực hiện sự chỉ đạo của đồng chí Bí thư Liên khu ủy 4 Nguyễn Chí Thanh, trong những năm 1948 - 1950, hệ thống tổ chức đảng được củng cố, lực lượng cách mạng, lực lượng vũ trang phát triển…, mối quan hệ đoàn kết gắn bó giữa Đảng với nhân dân, giữa lực lượng vũ trang với nhân dân không ngừng được củng cố, phát huy được sức mạnh của quần chúng nhân dân, của khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sức mạnh tổng hợp để quân và dân Liên khu 4 vượt qua mọi khó khăn, thử thách, xây dựng và bảo vệ vững chắc vùng do Thanh - Nghệ - Tĩnh, thực sự là hậu phương vững mạnh chi viện sức người, sức của cho các chiến trường, trực tiếp là chiến trường Bình - Trị - Thiên. Đồng thời, đẩy mạnh kháng chiến toàn dân, toàn diện ở Bình - Trị - Thiên, từng bước làm xoay chuyển tình thế, thay đổi cục diện chiến trường, giành nhiều thắng lợi lớn, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến.

Đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Bí thư Liên khu ủy Khu 4 cùng các đại biểu cấp ủy Đảng Nghệ An dự Hội nghị đoàn kết chiến đấu, sản xuất đẩy mạnh kháng chiến và xây dựng hậu phương vững mạnh toàn Liên khu (năm 1949). Ảnh tư liệu

Đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Bí thư Liên khu ủy Khu 4 cùng các đại biểu cấp ủy Đảng Nghệ An dự Hội nghị đoàn kết chiến đấu, sản xuất đẩy mạnh kháng chiến và xây dựng hậu phương vững mạnh toàn Liên khu (năm 1949). Ảnh tư liệu

Đánh giá về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước đã viết: “Nhận rõ và tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân, anh phát huy được ý chí cách mạng, tinh thần sáng tạo của quần chúng để tiến hành chiến tranh cách mạng, xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân, phát triển kinh tế và văn hóa”(12).

Có thể nói, bằng tư duy chính trị, quân sự sắc sảo, nhạy bén, với bản lĩnh, trí tuệ và tầm nhìn chiến lược của nhà lãnh đạo tài năng, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã có nhiều đóng góp quan trọng, to lớn, có tính chất quyết định đến thắng lợi của cuộc kháng chiến ở Bình - Trị - Thiên, được tôn vinh là “linh hồn cuộc kháng chiến ở Bình - Trị - Thiên”(13). Dù ở cương vị nào, từ Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, rồi Bí thư Phân khu ủy Bình - Trị - Thiên, đến Bí thư Liên khu ủy 4, đồng chí luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân, sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, làm xoay chuyển tình thế, đưa cuộc kháng chiến ở Bình - Trị - Thiên vượt qua khó khăn, thử thách, từng bước khôi phục và phát triển phong trào kháng chiến, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Những quan điểm và chỉ đạo thực tiễn của đồng chí Nguyễn Chí Thanh về xây dựng đoàn kết, xây dựng thế trận lòng dân, phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân, của khối đại đoàn kết toàn dân… là những kinh nghiệm vô cùng quý báu đến nay vẫn còn nguyên giá trị, cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Thượng tá, ThS NGUYỄN VĂN BÌNH - Viện Lịch sử quân sự, Bộ Tổng Tham mưu

------------------------

(1) Thừa Thiên - Huế kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược 1945 - 1954, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1994, tr. 67.

(2) Thường vụ Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu 4, Quân khu 4 - Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1990, tr. 114.

(3) Thừa Thiên - Huế kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược 1945 - 1954, Sđd, tr. 70.

(4) Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, Đồng chí Nguyễn Chí Thanh với cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên Huế, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2013, tr. 152.

(5) Tài liệu tham khảo lịch sử kháng chiến Việt Nam, Chiến trường Bình Trị Thiên, Nxb Văn Sử Địa, Hà Nội, 1957, tr. 69.

(6) Nguyễn Chí Thanh, Những bài chọn lọc về quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1977, tr. 48.

(7) Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Danh nhân quân sự Việt Nam, tập 6, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2015, tr. 270.

(8) Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Danh nhân quân sự Việt Nam, tập 6, Sđd, tr. 271.

(9) Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Danh nhân quân sự Việt Nam, tập 6, Sđd, tr. 271.

(10) Tính đến năm 1948, ta đã phá 3/4 số hội tề của địch. Riêng Quảng Trị phá được 230/280 ban tề; Thừa Thiên phá được 390/490 ban tề. Dẫn theo: Thường vụ Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu 4, Quân khu 4 - Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954), Sđd, tr. 169.

(11) Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Danh nhân quân sự Việt Nam, tập 6, Sđd, tr. 273.

(12) Nhiều tác giả (hồi ký), Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, một danh tướng thời đại Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr. 45.

(13) Trích bài Phát biểu của đồng chí Phó bí thư Tỉnh ủy Bình Trị Thiên tại Đại hội Hội Nông dân Bình Trị Thiên năm 1988. In trong: Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà chính trị, quân sự lỗi lạc, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1997, tr. 180.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/dong-chi-nguyen-chi-thanh-chi-dao-thuc-hien-duong-loi-toan-dan-khang-chien-tren-chien-truong-binh-tri-thien-1946-1950-758672