Đồng chí Phạm Ngọc Lân - 'Ngọn lửa thắp sáng' trên quê hương Châu Thành
Đồng chí Phạm Ngọc Lân sinh năm 1922, tại làng Vĩnh Kim Tây, nay thuộc xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Ông là một trong những cán bộ lão thành cách mạng đã tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trong kháng chiến, ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Phó Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính, Phó Bí thư Huyện ủy Châu Thành - tỉnh Mỹ Tho; Tổ trưởng tài chính của Xứ ủy Nam bộ; Trưởng ban Nghiên cứu miền Đông - Sài Gòn - Gia Định; Phó Chánh Văn phòng Trung ương cục miền Nam. Sau ngày giải phóng, ông giữ chức vụ Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh.SỚM GIÁC NGỘ CÁCH MẠNG
Đồng chí được sinh ra và lớn lên tại xã Vĩnh Kim đất đai trù phú, với những vườn cây ăn trái nổi tiếng từ thuở xa xưa. Sau khi học hết cấp tiểu học tại trường xã, đồng chí nghỉ học, về giúp gia đình trồng trọt, chăn nuôi trên mảnh đất nhà. Xã Vĩnh Kim có truyền thống văn hóa, có nền âm nhạc dân tộc nổi tiếng, đồng chí sớm gia nhập nhóm đờn ca tài tử của xã và nhanh chóng trở thành “tay chơi” đờn kìm có tiếng.
Vĩnh Kim là xã có truyền thống cách mạng, nơi các chiến sĩ cộng sản tiền bối về hoạt động sớm, bắt rễ vào nhân dân. Đầu năm 1940, vừa tròn 18 tuổi, đồng chí được các chiến sĩ cách mạng tuyên truyền giác ngộ, kết nạp vào tổ chức bí mật. Tháng 11 - 1940, khi cuộc khởi nghĩa Nam kỳ bùng nổ, Vĩnh Kim là một trong những trọng điểm nổi dậy của huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho.
Đồng chí đã hăng hái tham gia cuộc khởi nghĩa, tích cực hoạt động trong hàng ngũ nghĩa binh, lật đổ bộ máy hội tề xã, lập chính quyền nhân dân. Đồng chí được sống những ngày vinh quang ban đầu của cuộc khởi nghĩa, được chứng kiến lá cờ đỏ sao vàng năm cánh phấp phới, hiên ngang tung bay trên nóc nhà lồng Chợ Giữa. Cùng với đội thanh niên xung kích xã, đồng chí tích cực thực hiện các nhiệm vụ mà Ban Lãnh đạo chỉ huy giao cho đồng chí là canh gác, bảo vệ trụ sở xã, tuần tra các ấp, các nẻo đường, phòng chống kẻ gian.
Sau đó, không đầy một tuần, vào một buổi sáng sớm, thực dân Pháp ở Mỹ Tho cho máy bay mang bom đạn dội, bắn thẳng xuống Chợ Giữa trong lúc người dân đang mua bán, họp chợ đông đúc. Tiếp theo là những ngày ruồng bố, càn quét liên tục của nhiều lính “lê dương” từ Mỹ Tho đổ lên các vùng “Cộng sản dậy”. Cán bộ chỉ huy, lãnh đạo, cốt cán tích cực trong xã Vĩnh Kim phải phân tán, ẩn lánh nơi khác. Đồng chí cũng rút lui về vùng sâu trong xã, tạm bị mất liên lạc với tổ chức cách mạng một thời gian dài...
Đầu năm 1945, tình hình thời sự thế giới và trong nước có phần thuận lợi, đồng chí Phạm Ngọc Lân và các đồng chí năm xưa tìm gặp nhau và bắt đầu hoạt động trở lại. Tháng 5-1945, phong trào Thanh niên Tiền phong phát triển rộng khắp thành thị lẫn nông thôn, hoạt động công khai dưới chính quyền thân Nhật do Nhật dựng lên.
Đồng chí Phạm Ngọc Lân tích cực tham gia phong trào này mà thực sự bên trong có sự tham gia và lãnh đạo của các Đảng viên cộng sản, với danh nghĩa công khai là cán bộ Việt Minh. Giữa mùa thu năm 1945, đứng trong đội ngũ Thanh niên Tiền phong, đồng chí đã tham gia cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng 8-1945. Đồng chí được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cứu quốc, làm cán bộ Đoàn.
Giữa năm 1946, đồng chí được điều chuyển về tỉnh làm Trưởng đoàn Tuyên truyền vận động đời sống mới. Lúc bấy giờ, ngành Văn hóa Thông tin Tuyên truyền đã được thành lập cấp tỉnh. Ngành này cho lập nhiều đoàn Tuyên truyền vận động đời sống mới, trong đó, đoàn do đồng chí Phạm Ngọc Lân làm trưởng hoạt động ở các xã: Vĩnh Kim, Bàn Long, Phú Phong, Kim Sơn.
Tháng 8-1947, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam và được điều động trở lại huyện nhà, làm Ủy viên Ủy ban Kháng chiến Hành chánh huyện Châu Thành. Đầu năm 1949, đồng chí được bầu vào Huyện ủy Châu thành, làm Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chánh huyện, phụ trách kinh tế, tài chính.
Năm 1953, đồng chí được bầu Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chánh huyện Châu Thành. Đến năm 1954, đồng chí được bầu làm Phó Bí thư Huyện ủy Châu Thành. Sau Hiệp định đình chiến ký tại Giơ-ne-vơ vào tháng 7-1954, đồng chí được Đảng phân công ở lại miền Nam, hoạt động tại quê nhà. Năm 1958, đồng chí được Xứ ủy Nam bộ điều động về Ban Kinh tài, làm tổ trưởng Tài chính của Xứ ủy. Đồng chí rời quê hương Mỹ Tho, về miền Đông Nam bộ - căn cứ của Xứ ủy.
NGƯỜI LÃNH ĐẠO TẬN TỤY CỦA TRUNG ƯƠNG CỤC MIỀN NAM
Tháng 1-1961, Hội nghị Trung ương lần thứ 3 (khóa III) quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam để lãnh đạo, chỉ đạo toàn bộ công tác ở miền Nam. đồng chí được Trung ương Cục điều động về làm cán bộ Văn phòng, phụ trách nhóm theo dõi nghiên cứu miền Đông Sài Gòn - Gia Định.
Cùng với nhóm cán bộ ban, ngành, đoàn thể xung quanh Trung ương Cục có mặt lúc bấy giờ, số lượng rất khiêm tốn, đồng chí đã có nhiều đóng góp vào việc xây dựng căn cứ Xứ ủy tại miền Đông, rồi sau đó lại chuyển căn cứ về chiến khu B (Dương Minh Châu - tỉnh Tây Ninh), cuối cùng lại về vùng Bắc Tây Ninh, trở thành căn cứ Trung ương Cục - nơi cơ quan đầu não của cách mạng miền Nam bám trụ lại lâu dài, để chỉ đạo, lãnh đạo cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ.
“Phạm Ngọc Lân - Ngọn lửa thắp sáng quê hương”
Đó là tên tập sách được cho ra mắt bạn đọc nhân Lễ giỗ lần thứ 24 của ông ngày 31-1-2018 tại xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành. Đây là tập sách được nhà văn Huỳnh Mẫn Chi biên soạn dựa trên băng cát-set hồi ký của đồng chí Phạm Ngọc Lân, do Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ ấn hành quý I-2018. Tập sách đã chuyển tải hầu như trọn vẹn các mốc thời gian đặc biệt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Phạm Ngọc Lân từ những ngày đầu gian khổ cùng đồng đội chiến đấu, những mất mát, đau thương của quê hương và cả những niềm vui đoàn tụ trong ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30-4-1975.
Tại đây, với vai trò là Phó Chánh Văn phòng phụ trách hành chính - quản trị, Bí thư Đảng ủy cơ quan Văn phòng, đồng chí đã góp công lớn trong việc xây dựng căn cứ Trung ương Cục, trong hoạt động của Văn phòng Trung ương Cục. Là Bí thư Đảng ủy cơ quan, đồng chí cùng Đảng ủy dày công xây dựng một tập thể đoàn kết, mọi người toàn tâm, toàn ý phục vụ và bảo đảm an toàn tuyệt đối cho Trung ương Cục.
Là người phụ trách công tác quản trị, đồng chí thường xuyên chỉ đạo huy động bộ máy hậu cần, bảo đảm mọi điều kiện, mọi phương tiện làm việc của toàn cơ quan. Nhất là những khi có các cuộc hội họp lớn có đại diện các khu, tỉnh, thành về dự, đồng chí và bộ máy hậu cần phải làm việc cật lực, bất kể ngày đêm, bảo đảm phục vụ chu đáo cho khách dự họp về ăn ở, nghỉ ngơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe…
Căn cứ Trung ương Cục chỉ cách Sài Gòn - đầu não của địch, khoảng 80 km theo đường chim bay, địch nhiều phen mở những cuộc càn ồ ạt, hòng phá tan, xóa sổ căn cứ Trung ương Cục, nhưng nhiều lần chúng đều thất bại thảm hại, căn cứ luôn được bảo vệ, giữ vững. Tháng 3-1967, quân Mỹ mở màn bằng cuộc hành quân vào căn cứ Trung ương Cục.
Đảng ủy Văn phòng do đồng chí làm Bí thư, đã phối hợp cùng các đảng ủy và lãnh đạo các cơ quan trong căn cứ, tổ chức đánh trả chống càn, bảo vệ an toàn nhân tài, vật lực trong căn cứ. Sau nhiều ngày cầm cự, gây thiệt hại nặng cho địch, lực lượng phối hợp toàn căn cứ đã giành thắng lợi vẻ vang, buộc Mỹ phải rút lui. Để tránh né những trận đánh lớn của địch vào căn cứ, Ban Thường vụ Trung ương Cục đôi lúc phải chuyển một bộ phận cơ quan đầu não đi sơ tán.
Trong những trường hợp đó, Văn phòng là cánh tay đắc lực tổ chức và phục vụ cho các cuộc hành trình di chuyển, sau đó trở lại của cơ quan Thường vụ Trung ương Cục, những cuộc hành trình đầy gian khó, hiểm nguy.
Ngày 30-4-1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, các cơ quan trong căn cứ Trung ương Cục lần lượt rút về TP. Sài Gòn. Từ năm 1975 đến năm 1977, đồng chí là Phó Chánh Văn phòng Ban Đại diện Trung ương Đảng ở miền Nam. Từ năm 1977 đến năm 1981, đồng chí làm Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh. Năm 1982, đồng chí được nghỉ hưu theo chế độ.
Để ghi nhận công lao của đồng chí Phạm Ngọc Lân, Đảng và Nhà nước ta đã trao tặng Huân chương Kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất... cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Ông mất ngày 7-1-1993 tại xã Vĩnh Kim và tên ông được đặt cho một con đường trên chính quê hương ông.
HỒNG LÊ (tổng hợp)