Đồng chí Phùng Xuân Nhạ thăm, chúc mừng Ngày 20/11 Trường Đại học Giáo dục
Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, sáng 17/11, đồng chí Phùng Xuân Nhạ, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã tới thăm, chúc mừng tập thể lãnh đạo, cán bộ giảng viên Trường Đại học Giáo dục thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.
Dự buổi tiếp có GS. TS. Lê Quân, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; các thầy cô giáo trong Ban Giám hiệu, đại diện Hội đồng Khoa học và Đào tạo cùng các phòng, khoa của Trường Đại học Giáo dục.
Thay mặt lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phùng Xuân Nhạ gửi lời chúc mừng tốt đẹp tới các thầy cô giáo Trường Đại học Giáo dục nhân kỷ niệm 39 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2021).
Đồng chí Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, ngày 3/4/2009, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 441/QĐ-TTg thành lập Trường Đại học Giáo dục trên cơ sở Khoa Sư phạm của Đại học Quốc gia Hà Nội đã đánh dấu sự ra đời một mô hình đào tạo giáo viên mới trong hệ thống giáo dục Việt Nam - mô hình đào tạo mở hướng tới sự liên thông, liên kết trong đại học đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.
Với vai trò và vị trí của mình trong hệ thống Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Giáo dục đã từng bước xây dựng, phát triển, trở thành cơ sở giáo dục đại học và nghiên cứu chất lượng cao; tích cực xây dựng, tư vấn chính sách ở tầm vĩ mô tới các bộ, ngành và các cơ quan Trung ương. Đồng thời, tham gia tư vấn phát triển kinh tế - xã hội cho nhiều tỉnh, thành phố theo chỉ đạo của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội.
Cùng với các cơ sở thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Giáo dục đã có những đóng góp thực chất vào việc xây dựng nhiều chính sách quan trọng về giáo dục cấp Trung ương như đánh giá Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; tham gia xây dựng chuẩn nghề nghiệp giáo viên; nhiều tư vấn chính sách khác…
Đặc biệt, với sứ mạng là cơ sở giáo dục đại học đào tạo và nghiên cứu chất lượng cao và trình độ cao trong khoa học và công nghệ giáo dục, ứng dụng cho đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý và các nhóm nhân lực khác trong lĩnh vực giáo dục, Trường Đại học Giáo dục đang hướng tới mục tiêu tầm nhìn 2035 trở thành trường đại học định hướng nghiên cứu tiên tiến, có uy tín ở Việt Nam và trong khu vực, trong đó có một số ngành, lĩnh vực đào tạo đạt trình độ tiên tiến châu Á, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hiện nay, Trường Đại học Giáo dục là thành viên Hiệp hội giáo viên Châu Á Thái Bình Dương; thành viên mạng lưới các trường đại học giáo dục Á - Phi (AAD); thành viên Mạng lưới Quốc tế về Đào tạo Giáo viên (UNITWIN), thành viên mạng lưới Trao đổi Sinh viên giữa Nhật Bản và ASEAN (TWINCLE).
Thành công của Trường Đại học Giáo dục trong các lĩnh vực hoạt động đã được Đảng, Nhà nước và xã hội ghi nhận, đánh giá cao.
Phát huy những kết quả đạt được, hướng tới mục tiêu đã đề ra, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phùng Xuân Nhạ đề nghị, trong thời gian tới, với việc xác định sự nghiệp giáo dục, đặc biệt là sự nghiệp phát triển đội ngũ luôn là một nhiệm vụ trọng tâm, Trường Đại học Giáo dục cần tổng kết các mô hình đào tạo đã triển khai, hoàn thiện, bổ sung những vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Qua đó tiếp tục triển khai các mô hình liên kết gắn với đổi mới khoa học công nghệ, chú trọng đào tạo đội ngũ nghiên cứu khoa học giáo dục để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp đổi mới giáo dục của Việt Nam. Đồng thời, cần tăng cường hơn nữa kiến thức quản trị nhà trường; đổi mới phương pháp để phù hợp với chương trình; cùng với hệ thống các đơn vị thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội tích cực phối hợp tham gia với Ban Tuyên giáo Trung ương trong các hoạt động nghiên cứu, tham mưu, đề xuất về những vấn đề của giáo dục; tiếp tục nghiên cứu nhân rộng mô hình đào tạo giáo viên A+B của Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia, nhưng có đổi mới cho phù hợp tình hình hiện nay…
Thông tin về một số thành tựu nổi bật của nhà trường, GS. TS. Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục cho biết, hiện nay, Trường có 4 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ, 11 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ và 16 ngành đào tạo bậc cử nhân. Song song với việc đào tạo trong nước, Trường đã triển khai có hiệu quả các hoạt động liên kết đào tạo quốc tế và chuyển giao công nghệ trong đào tạo; nhân lực khoa học được tăng cường, thu hút mạnh nhà khoa học về công tác; cơ sở vật chất tăng cường mạnh, trong đó gồm có các phòng thí nghiệm, phòng Lab công nghệ giáo dục hiện đại, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa chương trình đào tạo. Hệ thống đào tạo của Trường đã thực hiện chuyển đổi số từ trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, từ năm 2018 các học phần dạy học đã được thực hiện trên Moodle.
Trường Đại học Giáo dục tiên phong đào tạo các lĩnh vực mới trong khoa học giáo dục như Quản trị trường học, Quản trị chất lượng giáo dục, Quản trị công nghệ giáo dục, Tham vấn học đường. Đặc biệt, Trường là đơn vị duy nhất của cả nước có cả 2 chương tình đào tạo giáo viên dạy các môn tích hợp cho bậc trung học cơ sở là môn Lịch sử và Địa lý và môn Khoa học Tự nhiên./.
Tin, ảnh: Thế Hoàng