Đồng chí Tổng Bí thư Hà Huy Tập, người chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam

Đồng chí Hà Huy Tập là Tổng Bí thư của Đảng ta trong những năm 1936-1938. Đồng chí là nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam, người chiến sĩ cách mạng kiên cường, người cộng sản mẫu mực, trọn đời chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Hoạt động và cống hiến của đồng chí Hà Huy Tập trước năm 1936

Đồng chí Hà Huy Tập (1906-1941), còn gọi là Hồng Thế Công, Xinhitrơkin, Joseph Marat, sinh ra trong gia đình nhà nho yêu nước tại làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa, nay thuộc xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Thuở nhỏ Hà Huy Tập được thân phụ dạy học chữ Hán tại nhà, sau đó đi học và đỗ đầu kỳ thi tốt nghiệp trường tiểu học ở tổng Thổ Ngọa nhưng do gia cảnh khó khăn nên không được học tiếp.

Đồng chí Hà Huy Tập (1906-1941).

Đồng chí Hà Huy Tập (1906-1941).

Năm 1917, nhờ có người giúp đỡ, Hà Huy Tập được ra tỉnh lỵ Hà Tĩnh học Trường tiểu học Pháp-Việt. Năm 1919, Hà Huy Tập đỗ thủ khoa kỳ thi chọn học sinh xuất sắc do nhà trường tổ chức, được cấp học bổng, rồi vào học Trường Quốc học Huế. Năm 1923, tốt nghiệp Trường Quốc học Huế hạng ưu nhưng vì không có điều kiện học lên nữa nên đồng chí vào làm giáo viên Trường tiểu học Pháp-Việt tại Nha Trang (Khánh Hòa).

Trong thời gian này, đồng chí Hà Huy Tập tiếp xúc và đọc nhiều tài liệu, hiểu thêm về tội ác của thực dân Pháp, cuộc sống bần hàn của nhân dân lao động ở Việt Nam và Đông Dương. Trong Tiểu sử tự thuật trên Thẻ sinh viên, đồng chí Hà Huy Tập viết: “Năm 1923… tôi đã có tư tưởng chống bọn bảo hoàng và bọn thực dân, bởi tôi cảm thấy căm thù sự chuyên chế, bóc lột của chủ nghĩa thực dân và chế độ phong kiến… Cuộc đời cách mạng của tôi chỉ bắt đầu từ năm 1925. Năm đó, tôi được tiếp xúc với các cựu chính trị phạm”[1], nên sớm có tư tưởng yêu nước.

 Ảnh đồng chí Hà Huy Tập (người ngồi ghế) chụp ở Quảng Trị.

Ảnh đồng chí Hà Huy Tập (người ngồi ghế) chụp ở Quảng Trị.

Tháng 8-1926, thầy giáo Hà Huy Tập chuyển về dạy học tại Trường Cao Xuân Dục ở Vinh, Nghệ An, tích cực hoạt động trong Hội Phục Việt, tích cực tuyên truyền tư tưởng chống chuyên chế và chống thực dân Pháp trong học sinh và tầng lớp lao động. Tiểu sử tự thuật viết: “Tháng 8-1926, tôi được chuyển về Vinh... Ở Vinh, tôi được giới thiệu với một nhóm cộng sản. Những ngày sống tại thành phố này, tôi đã tham gia vào việc bí mật gửi những sinh viên sang Trung Quốc dự các lớp huấn luyện ở Quảng Châu, nơi mà những người Việt Nam xuất dương đã thiết lập ở đó một tổ chức cộng sản (chỉ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập tháng 6-1925) và tổ chức này đã có những chi bộ ở trong nước”[2].

Tháng 3-1927, thầy giáo Hà Huy Tập vào dạy học tại một trường tiểu học ở Sài Gòn, sau đó đến Bà Rịa làm công nhân, lập ra một chi bộ, một hội đọc sách báo và tổ chức các lớp học xóa mù cho công nhân. Theo Tài liệu của Sở mật thám Đông Dương viết về Tân Việt cách mạng Đảng, “Hà Huy Tập phụ trách việc tổ chức”. Tháng 12-1928, đồng chí Hà Huy Tập và một số đồng chí khác được cử đến Quảng Châu (Trung Quốc) bàn việc hợp nhất Tân Việt cách mạng Đảng với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.

 Bìa cuốn sách Trotsky và phản cách mạng của đồng chí Hà Huy Tập viết mang bút danh Thanh Hương (1937).

Bìa cuốn sách Trotsky và phản cách mạng của đồng chí Hà Huy Tập viết mang bút danh Thanh Hương (1937).

Trong thời gian từ tháng 7-1929 đến tháng 4-1932, đồng chí được cử đi học tại Trường Đại học phương Đông ở Mátxcơva (Liên Xô) với tên là Xinhitrơkin, nhập học ngày 19-7-1929, số thẻ sinh viên 4716, khi mới 23 tuổi.

Tháng 6-1933, đồng chí Hà Huy Tập về Trung Quốc hoạt động cách mạng, tham gia Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương, triển khai công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội lần thứ nhất của Đảng. Sau một thời gian chuẩn bị về nội dung, nhân sự và tổ chức, Đại hội I của Đảng họp tại Ma Cao từ ngày 27 đến ngày 31-3-1935, dưới sự chủ trì của đồng chí Hà Huy Tập. Đại hội đã thảo luận và thông qua các văn kiện, vạch đường lối cho cách mạng Việt Nam. Tại đại hội này, đồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm Tổng Bí thư (Tổng Thư ký Ban Trung ương Chấp ủy), đồng chí Xinhitrokin (Hà Huy Tập) phải ở lại làm thư ký Ban Chỉ huy ở ngoài[3].

2. Tôi chẳng có gì phải hối tiếc “Nếu còn sống, tôi vẫn sẽ tiếp tục hoạt động”

Ngày 26-7-1936, Hội nghị giữa các đồng chí cán bộ chủ chốt Ban Chỉ huy ở ngoài Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Hội nghị do đồng chí Lê Hồng Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản chủ trì, họp tại Thượng Hải (Trung Quốc). Tham dự Hội nghị có các đồng chí Hà Huy Tập, Phùng Chí Kiên. Hội nghị xác định chủ trương của Đảng về các vấn đề chiến lược và sách lược cách mạng ở Đông Dương. Hội nghị cử đồng chí Hà Huy Tập giữ chức Tổng Bí thư.

Nghị quyết của Hội nghị đã bổ khuyết cho các nghị quyết của Đại hội I của Đảng và mở ra cho cách mạng Đông Dương một thời kỳ phát triển mới. Từ Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, lần thứ 3 (khóa I), ngày 29 đến ngày 30 tháng 3-1938, đồng chí thôi giữ chức Tổng Bí thư, nhưng vẫn tham gia Thường vụ Trung ương.

Ngày 1-5-1938, đồng chí Hà Huy Tập bị mật thám bắt tại Sài Gòn do Đinh Nho Hàng chỉ điểm[4], và bị giam tại Khám Lớn Sài Gòn. Tòa Thượng thẩm Sài Gòn xử đồng chí “8 tháng tù và 5 năm quản thúc… bị đưa về quản thúc tại quê nhà ở Hà Tĩnh, dưới sự theo dõi, giám sát của bọn mật thám và hằng tháng phải tới dinh Tuần phủ để trình diện”[5].

 Thư của đồng chí Hà Huy Tập gửi gia đình trước lúc hy sinh.

Thư của đồng chí Hà Huy Tập gửi gia đình trước lúc hy sinh.

Chỉ mấy tháng sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, đế quốc Pháp đã tiến hành khủng bố, bắt bớ cán bộ ta, nhiều lãnh tụ của Đảng như Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Võ Văn Tần... lần lượt sa lưới kẻ thù. Ngày 30-3-1940, chính quyền thực dân Pháp ra lệnh bắt Hà Huy Tập, đưa về giam tại Khám Lớn Sài Gòn. Sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, chính quyền thực dân mở phiên tòa đại hình ngày 25-3-1941, đưa ra xét xử hàng trăm chiến sĩ cộng sản, trong đó có đồng chí Hà Huy Tập.

Mặc dù cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra trong lúc đồng chí Hà Huy Tập vẫn đang bị giam giữ trong tù, nhưng chúng vẫn buộc đồng chí Hà Huy Tập về tội “hoạt động Cộng sản” và “xúi giục phá hoại Quốc phòng”, phải “chịu trách nhiệm tinh thần về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ” và khép đồng chí vào tội tử hình.

Sau thời gian bị tra tấn, cùm kẹp, ngày 28-8-1941, tại Hóc Môn, Gia Định, thực dân Pháp đã đưa các đồng chí: Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai... ra xử bắn. Đồng chí Hà Huy Tập đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ.

Với 35 năm tuổi đời, trải qua gần 16 năm hoạt động cách mạng, trong đó có gần hai năm giữ cương vị Tổng Bí thư của Đảng (tháng 7-1936 đến tháng 3-1938), với nhiều bí danh và tên gọi khác nhau, đồng chí Hà Huy Tập đã có nhiều chủ trương, quyết sách lãnh đạo cách mạng nước ta vượt qua nhiều khó khăn, thử thách. Đồng chí Hà Huy Tập đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc ta. Trong lời tuyên bố đanh thép trước tòa án đế quốc, nêu cao khí tiết của người cách mạng, bác lại lời cầu xin của trạng sư bào chữa, đồng chí Hà Huy Tập đã khảng khái tuyên bố: “Tôi chẳng có gì phải hối tiếc. Nếu còn sống, tôi vẫn sẽ tiếp tục hoạt động!”.

 Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dâng hương tại phần mộ cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dâng hương tại phần mộ cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập.

Đồng chí Hà Huy Tập là tấm gương của người chiến sĩ cộng sản anh dũng, kiên trung, bất khuất, chí công vô tư, đã chiến đấu, cống hiến, hy sinh trọn đời vì nước, vì dân. Cuộc đời hoạt động cách mạng oanh liệt của đồng chí tuy ngắn ngủi, nhưng những đóng góp của đồng chí cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, dân tộc ta là rất quan trọng và to lớn.

Trong Báo cáo Chính trị đọc tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (năm 1951), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Các đồng chí ta như đồng chí Trần Phú, đồng chí Ngô Gia Tự, đồng chí Lê Hồng Phong, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, đồng chí Hà Huy Tập, đồng chí Nguyễn Văn Cừ, đồng chí Hoàng Văn Thụ, và trăm nghìn đồng chí khác đã đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc lên trên hết, lên trước hết. Các đồng chí đó đã tin tưởng sâu sắc, chắc chắn vào lực lượng vĩ đại và tương lai vẻ vang của giai cấp và của dân tộc. Các đồng chí ấy đã vui vẻ hy sinh hết thảy, hy sinh cả tính mệnh mình cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc. Các đồng chí ấy đã đem xương máu mình vun tưới cho cây cách mạng…”[6].

 Lễ truy điệu cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 1-12-2009.

Lễ truy điệu cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 1-12-2009.

 Lễ đón hài cốt đồng chí Hà Huy Tập tại sân bay Vinh.

Lễ đón hài cốt đồng chí Hà Huy Tập tại sân bay Vinh.

Đến nay, Đảng ta đã vừa tròn 95 mùa xuân trường tồn cùng dân tộc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong Diễn văn tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930/3-2-2020) đã khẳng định: “Chúng ta mãi mãi ghi nhớ công ơn to lớn của các vị lãnh đạo tiền bối… của dân tộc đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do, vì chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”. Trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta ôn lại, ghi nhớ công ơn, tấm gương chiến đấu, hy sinh và những cống hiến to lớn của đồng chí Hà Huy Tập cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta.

NGUYỄN VĂN BIỂU, Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

1. Hà Huy Tập - Một số tác phẩm, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006.

2. Tiểu sử tự thuật, in trong Hà Huy Tập - Một số tác phẩm, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.414.

4. Nguyễn Văn Cừ, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam (hồi ký), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.130.

5. Hà Huy Tập tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.244.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.20.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/dong-chi-tong-bi-thu-ha-huy-tap-nguoi-chien-si-cong-san-kien-cuong-nha-lanh-dao-tai-nang-cua-dang-va-cach-mang-viet-nam-813365