Đồng chí Trường Chinh với xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân ba thứ quân (kỳ 1)
Trên cương vị là cán bộ lãnh đạo, chủ bút, biên tập viên của các tờ Lao động, Tập hợp, Tiến lên, Tin tức, Đời nay tập mới, Giải phóng, Cờ Giải phóng, Tạp chí Cộng sản... đồng chí Trường Chinh đã dùng báo chí và ngòi bút của mình để vạch trần âm mưu, thủ đoạn, tội ác của thực dân, đế quốc và tay sai phản động... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Bạo
Là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, đồng chí Trường Chinh đã đến với cách mạng từ rất sớm và có những đóng góp to lớn cho Đảng, dân tộc Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực, cả trong đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước và trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Bài viết này tập trung đề cập đến những cống hiến của đồng chí Trường Chinh trong lĩnh vực xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang nhân dân ba thứ quân.
Trên cương vị là cán bộ lãnh đạo, chủ bút, biên tập viên của các tờ Lao động, Tập hợp, Tiến lên, Tin tức, Đời nay tập mới, Giải phóng, Cờ Giải phóng, Tạp chí Cộng sản... đồng chí Trường Chinh đã dùng báo chí và ngòi bút của mình để vạch trần âm mưu, thủ đoạn, tội ác của thực dân, đế quốc và tay sai phản động; tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng; vận động và tổ chức quần chúng làm cách mạng; xây dựng và củng cố, phát triển Đảng, chính quyền cách mạng; chỉ đạo kháng chiến và kiến quốc; cổ vũ và định hướng phong trào cách mạng..., tạo cơ sở chính trị - xã hội sâu rộng, thuận lợi cho xây dựng, mở rộng, phát triển thực lực cách mạng và lực lượng vũ trang nhân dân ba thứ quân.
Nắm chắc những vấn đề căn bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, cương lĩnh và chính cương, sách lược của Đảng; quan điểm nghị quyết đội tự vệ, với tầm nhìn chiến lược, dự báo chính xác tình hình về "Một cao trào cách mạng nhất định sẽ nổi dậy", ngay từ nửa cuối những năm 30 của thế kỷ XX, trong vai trò ủy viên Ban Tuyên truyền cổ động Trung ương, Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí Trường Chinh đã chỉ rõ: "Đảng phải chuẩn bị để gánh lấy cái sứ mệnh thiêng liêng: lĩnh đạo cho các dân tộc bị áp bức Đông Dương võ trang bạo động giành lấy quyền tự do độc lập". Sự ra đời và hoạt động, phát triển của các đội tự vệ, du kích, ủy ban bạo động, căn cứ du kích... những năm này là thành quả ban đầu của quá trình xây dựng, mở rộng, phát triển lực lượng vũ trang nhân dân ba thứ quân.
Từ ngày 10 đến ngày 19-5-1941, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương đã họp dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, quyết định chuyển hướng chiến lược cách mạng. Đồng chí Trường Chinh được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giới thiệu và được Hội nghị bầu làm Tổng Bí thư của Đảng ta. Tại Hội nghị, từ thực tiễn các cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kỳ, Đô Lương và tình hình cách mạng, đồng chí Trường Chinh đã cùng Ban Chấp hành Trung ương phát triển vấn đề khởi nghĩa mà các Hội nghị Trung ương 6 (năm 1939), Hội nghị Trung ương 7 (năm 1940) đã phác thảo để xác định chuẩn bị khởi nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của toàn Đảng, toàn dân ta. Quán triệt tinh thần đó và các văn kiện của Hội nghị, đặc biệt là Chương trình Việt Minh, Điều lệ của Việt Nam Tiểu tổ du kích, đồng chí Trường Chinh đã cùng Đảng xây dựng Mặt trận Việt Minh, xây dựng Đảng, phát động phong trào đánh Pháp đuổi Nhật, chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Trong xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân ba thứ quân, đồng chí Trường Chinh coi đây là nhiệm vụ cần kíp của cách mạng và kêu gọi phải phát triển các đội tự vệ để bảo vệ cho quần chúng đấu tranh, phát triển các đội du kích miền núi, xây dựng các tiểu đội du kích ở trung du đồng bằng, tiến lên phát động chiến tranh du kích ở cả miền núi, trung du và đồng bằng, nơi nào có quân Anh, Mỹ hoặc Trung Quốc thì đảng bộ địa phương phải lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền...
Đặc biệt, trong loạt bài viết phổ biến đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược sau khi Đảng đã lãnh đạo nhân dân giành được chính quyền Tháng Tám năm 1945, đăng trên 11 số của báo Sự thật năm 1947 (sau này tập hợp lại thành tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi), đồng chí đã đề cập rất kỹ các vấn đề quân sự, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân ba thứ quân, trong đó chỉ rõ dân quân, du kích là nền tảng để xây dựng và phát triển bộ đội địa phương và quân đội chính quy. Theo đồng chí, bản chất và mối quan hệ của các thành phần trong lực lượng vũ trang ba thứ quân ở Việt Nam là thống nhất biện chứng; đều do Đảng lãnh đạo trên cơ sở vũ trang toàn dân: "Quân đội chính quy, dân quân, du kích khác nào anh em ruột thịt cùng một mẹ là nhân dân đẻ ra". Vì vậy, "Quân đội đóng ở đâu phải huấn luyện dân quân, du kích ở đó; quân đội ở đâu, dân quân, du kích ở đó ủng hộ, giúp đỡ, hoan nghênh..."; "Cuộc kháng chiến lâu dài của ta thắng hay là bại, đó là trách nhiệm chung của toàn dân, nhưng cố nhiên về mặt quân sự, quân đội và dân quân, du kích phải gánh một phần lớn". Đồng chí nhấn mạnh: "Muốn kháng chiến thành công phải có lực lượng vũ trang hùng hậu"; "Nhân dân là hậu bị của lực lượng vũ trang nói chưng. Dân quân là hậu bị của bộ đội địa phương. Bộ đội địa phương là hậu bị của quân chủ lực". Riêng với quân đội, đây là quân đội cách mạng của nhân dân, vì nhân dân mà chiến đấu; mục tiêu chiến đấu của quân đội gắn liền với nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam qua từng giai đoạn. Trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, mục tiêu trước mắt của quân đội là độc lập dân tộc và dân chủ mới, đó là tiêu diệt quân cướp nước và bán nước là thực dân Pháp và tay sai của chúng. Do đó, tính chất của quân đội là dân tộc, dân chủ và nhân dân; do Đảng lãnh đạo, theo chủ nghĩa Mác - Lênin; gồm những người thuộc các thành phần cơ bản của cách mạng là nông dân, công nhân, trí thức cách mạng.
(Còn nữa)