Dòng chữ trên lọ thuốc giải độc trị giá 8.000 USD khiến bác sĩ trăn trở

Cầm trên tay 2 lọ thuốc giải độc tố Botulinum tổng trị giá 16.000 USD, tương đương khoảng 370 triệu đồng, Tiến sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, suy nghĩ mãi về một chi tiết đặc biệt.

LỜI TÒA SOẠN

Ba tháng đầu năm 2024, toàn quốc xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm làm 659 người bị ngộ độc (tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó có 3 người tử vong.

Năm 2023, toàn quốc ghi nhận 125 vụ ngộ độc thực phẩm, làm hơn 2.100 người ngộ độc và 28 ca tử vong. 3 chỉ số này lần lượt trong năm 2022 là 54 - hơn 1.300 và 18.

Về nguyên tắc, các trường hợp ngộ độc và ngộ độc thực phẩm hầu hết có thể phòng tránh được. Tuy nhiên, việc chẩn đoán xét nghiệm, điều trị gặp nhiều khó khăn bởi có nhiều bệnh mới nổi và thay đổi liên tục, thậm chí có những trường hợp chưa từng được đề cập trong y văn hoặc gặp thực tế.

Nhân Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (15/4-15/5), VietNamNet đăng tải tuyến bài Đằng sau những vụ ngộ độc gây ám ảnh, chia sẻ những câu chuyện, hành trình giải mã độc chất và nỗ lực cứu người của các thầy thuốc.

Bài 1: 24 giờ truy tìm manh mối cứu nạn nhân nhiễm độc chết người từ thực phẩm bẩn

Bài 2: Nơi vạch trần "kẻ giấu mặt" gây ngộ độc thực phẩm

Trăn trở về lời “nhắc nhở”

Đó là dòng chữ “Strategic National Stockpile use only” (tạm dịch: Chỉ sử dụng từ kho dự trữ chiến lược quốc gia), được thể hiện ngay trên nhãn lọ thuốc giải độc đặc biệt.

“Vừa ngẫu nhiên nhưng hoàn toàn thỏa đáng”, bác sĩ Nguyên nói. Điều này có nghĩa là mỗi nước cần phải có kế hoạch, quy định, triển khai kho dự trữ thuốc giải độc chiến lược quốc gia để bất cứ khi nào cũng có thể lập tức phục vụ cấp cứu, điều trị các loại ngộ độc đặc biệt, nặng, từ những ngộ độc hiếm gặp, lẻ tẻ đến các sự vụ ảnh hưởng tới nhiều người.

“Đây là trách nhiệm của cả hệ thống, trong đó ngành y tế chỉ có thể làm được một phần việc”, bác sĩ Nguyên nhận định. Ông cũng cho rằng “lời nhắc nhở trên thực sự thấm thía” và cần phải chủ động thay đổi nếu muốn tiến bộ.

Hai lọ thuốc giải độc tố Botulinum tổng trị giá 16.000 USD, được chuyển từ Thái Lan về Việt Nam, năm 2020. Ảnh: Thạch Thảo

Hai lọ thuốc giải độc tố Botulinum tổng trị giá 16.000 USD, được chuyển từ Thái Lan về Việt Nam, năm 2020. Ảnh: Thạch Thảo

Mỗi năm, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, chẩn đoán, điều trị khoảng 4.000 bệnh nhân ngộ độc với nhiều loại đặc biệt. Phần lớn các bệnh nhân nặng, rất nặng không thể xử trí được ở tuyến dưới. Khoảng 10-20% trong số này là ngộ độc thực phẩm với 3 dạng chính gồm độc tố tự nhiên, vi sinh vật và hóa chất. Nhiều bệnh nhân cần thuốc giải hiếm, đắt tiền.

Đơn cử, với nhóm ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên, thường gặp nhất là ngộ độc nấm, cá nóc, cóc… Trong đó, tỷ lệ tử vong do ngộ độc nấm lên tới 50%, theo tổng kết sơ bộ.

“Loại nấm độc nhất lại chính là các loài nấm trông bắt mắt, có vẻ lành tính, trắng và hấp dẫn, như nấm độc trắng hình nón (Amanita virosa), nấm độc tán trắng (Amanita verna) chứa độc tố amatoxin rất độc. Loại nấm độc này trông hấp dẫn nhưng khi được ăn vào rất 'hiểm ác', chỉ khi nấm đã đi sâu xuống ruột thì ngộ độc mới biểu hiện, phải hơn 6 giờ sau ăn, khi đó chất độc đã được hấp thu hết vào máu”, bác sĩ Nguyên nói.

Biểu hiện ban đầu của ngộ độc nấm này là đau bụng, nôn, tiêu chảy kéo dài 1-2 ngày đầu, rất giống với các trường hợp ngộ độc thức ăn thông thường sau đó tự hết. Sau 1-2 ngày, bệnh nhân thấy đỡ tiêu chảy, tưởng đã khỏi, nhưng sau đó tình trạng viêm gan dần xuất hiện và nặng lên, dẫn tới tử vong.

“Bệnh diễn biến phức tạp, rất dễ bị cả thầy thuốc và bệnh nhân bỏ qua, dễ để lỡ thời gian cần cấp cứu ban đầu”, bác sĩ Nguyên nói. Nhiều trường hợp bệnh tiến triển nặng rất nhanh và dẫn đến tử vong, bác sĩ không kịp chữa.

Để điều trị người ngộ độc nấm amatoxin, cần có một thuốc giải độc truyền tĩnh mạch, thuộc diện thuốc hiếm, rất đắt tiền. Bác sĩ Nguyên cho biết khi có bệnh nhân ngộ độc, Trung tâm Chống độc đã đề nghị Bệnh viện Bạch Mai mua thuốc giải độc trị giá vài trăm triệu đồng. Nghịch lý là, có những năm công tác tuyên truyền phòng chống ngộ độc có hiệu quả, người dân biết nên không ăn nấm độc nữa, không bị ngộ độc, trong khi thuốc giải độc không được dùng thì hết hạn phải “đổ bỏ”.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc. Ảnh: Thạch Thảo

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc. Ảnh: Thạch Thảo

“Bản thân Trung tâm Chống độc, bản thân tôi, thấy có lỗi với bệnh viện khi đơn vị bị mất tiền như vậy”, bác sĩ Nguyên ngậm ngùi. Thậm chí, Trung tâm Chống độc đã liên hệ các chuyên gia quốc tế hỗ trợ, liên lạc với nhà sản xuất và phân phối loại thuốc giải độc trên, được họ đồng ý cung cấp miễn phí số thuốc giải độc mới thay thế cho số lượng hết hạn trên nhưng do một số thủ tục quá phức tạp nên không thể thực hiện thành công.

Không giải quyết tận gốc, khó phòng ngộ độc thực phẩm

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trung Nguyên, trong 3 nhóm nguyên nhân gây ngộ độc, ở nước ta, nhóm nhiều nhất vẫn là các vi sinh vật gây bệnh qua đường tiêu hóa như E.Coli, Salmonella, lị, tả…

Dạng ngộ độc này do thực phẩm mất vệ sinh, nhiễm vi khuẩn ngay từ khâu sản xuất, phân phối và đến khâu chế biến, đồng thời đun nấu cũng không đảm bảo chín, lây bẩn chéo giữa bàn tay, các vật dụng, bề mặt,…

Theo bác sĩ Nguyên, những năm gần đây, loại hình ngộ độc này bùng lên nhiều hơn do thực trạng không đảm bảo an toàn thực phẩm, cùng với yếu tố thương mại, thị trường, sử dụng sản phẩm, dịch vụ cung ứng cho nhiều người chưa được kiểm soát tốt nên thường xảy ra các vụ ngộ độc tập thể.

Theo thống kê ở các nước phát triển, mặc dù tỷ lệ tử vong của nhóm nguyên nhân này chỉ khoảng 1% nhưng mỗi vụ việc lại ảnh hưởng hàng trăm người. Bác sĩ Nguyên nhận định khi chưa giải quyết được tận gốc là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, sẽ còn nhiều vụ việc tương tự xảy ra, với nhiều người bị ảnh hưởng.

Thầy thuốc Trung tâm Chống độc thảo luận về một bệnh nhân đang cấp cứu, điều trị tại đây, tháng 4/2024. Ảnh: Thạch Thảo

Thầy thuốc Trung tâm Chống độc thảo luận về một bệnh nhân đang cấp cứu, điều trị tại đây, tháng 4/2024. Ảnh: Thạch Thảo

Dạng thực phẩm bị nhiễm các hóa chất thường do nuôi trồng, bảo quản, chế biến (như hóa chất bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản, phụ gia thực phẩm…) hoặc do yếu tố chủ đích, vì lợi nhuận, cố ý cho hóa chất vào thực phẩm, nguồn nước để đầu độc như cho asen - thạch tín, xyanua, thuốc diệt chuột.

Thậm chí, hiện nay, nhiều loại hóa chất mới gây các bệnh ngộ độc mới chưa từng được đề cập trong y văn hay gặp trong thực tế. Ví dụ, tháng 5/2023, Trung tâm Chống độc tiếp nhận một bệnh nhân nữ vào viện với biểu hiện chóng mặt, hoa mắt, thiếu máu nặng do tan máu. Trước đó bệnh nhân mua 100g bột màu thực phẩm đỏ tươi (gọi là bột Mai quế lộ) ở chợ, trộn với thịt lợn xay và gói nem. Sau khi ăn, bà phải nhập viện. Xét nghiệm mẫu bột mầu thực phẩm phát hiện có Acid Orange 7, được dùng làm chất màu công nghiệp và phụ gia thực phẩm. Khi sử dụng liều cao trên động vật, chất này có thể gây tan máu. Y văn chưa ghi nhận thông tin chất này gây ngộ độc trên người.

Đặc biệt, chuyên gia nhấn mạnh bên cạnh các chất gây độc mạn tính hoặc tác dụng lâu dài khó đánh giá, các hóa chất gây độc tính cấp tính khi ảnh hưởng tới nguồn nước, nguồn thực phẩm có thể khiến hàng trăm người tử vong, đó sẽ là thảm họa. Nếu chưa giải quyết được vấn đề an toàn thực phẩm, các vụ ngộ độc nghiêm trọng như vậy chắc chắn sẽ xảy ra.

Võ Thu

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dong-chu-tren-lo-thuoc-giai-doc-tri-gia-8-000-usd-khien-bac-si-tran-tro-2273265.html