Đồng dao nói về nghề rèn sắt thủ công truyền thống của người Nùng An

Đồng dao là thơ ca dân gian truyền miệng của trẻ em dùng để hát khi trẻ em chơi các trò chơi, khi theo cha mẹ đi làm nương rẫy, làm ruộng. Đồng dao gồm nhiều loại như các bài hát, khúc hát, câu hát phù hợp lứa tuổi của trẻ em, lời hát trong các trò chơi, bài hát ru em. Thường gặp nhất là các bài đồng dao gắn với trò chơi trẻ em, đồng dao ở các vùng, miền khá giống nhau về nội dung, chỉ khác cách phát âm tiếng địa phương từng vùng, miền của từng dân tộc, nhóm tộc người…

Trong các bài đồng dao ở bất cứ dân tộc nào cũng có nhiều bài hát vui mô tả nghề nghiệp của người lớn, thường là những bài mà trẻ em vừa hát vừa làm động tác bắt chước người lớn làm rèn mỗi khi đi chăn trâu, lấy củi. Dưới đây là nguyên văn một bài đồng dao nói về công việc quai búa làm rèn có tên là “Phjưn thiêng lếch - đồng dao lò rèn”: Cu hứn mứng lòng/Mứng lòng cu hứn/Sloong rạu slày hoón/Slí rạu slày hoón/Hoón hâứ lếch bang/Pền mjạc mịt phjắc/Slằm phjắc hắt hăm/Hoón hâứ lếch ủn/Đáy mjạc xạ kho/Pác kho lúm lẳm/Chủng phéo rây mjéy/Mjéy hứn pền pài/Slí hả hốc pấu/Slày hoón slày tụp/Tụp pền pạc thây/Pây thây nà nặm/Hoón pền mjạc quà/Pây phéo háu tạy/Pền pài kừn phja/Mứng hứn cu lòng/Mứng lòng cu hứn/Slày hoón slày hoón/Pấu pấu hôn nhùng”. Tạm dịch: “Mày lên tao xuống/Tao xuống mày lên/Hai ta cùng rèn/Bốn ta cùng đập/Rèn cho sắt mỏng/Thành con dao thái/Băm rau sớm tối/Đập cho sắt mềm/Được con dao quắm/Mỏ cong như diều/Dùng để trồng cây/Cây mọc thành rừng/Bốn năm sáu người/Cùng rèn cùng đập/Đập thành lưỡi cày/Đi cày ruộng nước/Rèn thành cái cào/Cào nương trồng ngô/Bãi ngoài chân núi/Mày lên tao xuống/Tao xuống mày lên/Cùng đập cùng rèn/Người người vui vẻ.

Roọng tha vằn khửn - gọi mặt trời lên: “Tha vằn ới khửn khửn/Khửn khảm khau, khảm phja/Khửn khảm pế, khảm hải/Khảm tồng nà nả bản/Khảm pò bản bưởng xoa/Khảm pò bản bưởng rại/Khảm chông rườn mẻ mải/Khảm thôm pja dả dỉn/Khay phạ hẩu cáy khăn/Cáy roọng vằn mâứ mà/Hâử tha vằn khua khước/Hâử lão pá hón lếch/Hón mjảc nhjặc tức pja/Hâử lão cố hón bai/Pây tức phước tình pò/Mẻ phước pặn pi kha/Mẻ pja pặn nghé loỏng/Luồng khẩu pặn luồng khuông/Bjoóng muột hoằn bấu cuông/Bjoóc phjón chắp tềnh đán/Pjoom me hán mường nưa/Tịa tha vằn mừa mâứ/Hắt soọc ly tạo mà/Hôi tha vằn rung mọ/Tha vằn ối hứn hứn”. Tạm dịch: “Mặt trời ơi lên lên/Lên vượt rừng vượt núi/Lên vượt hồ vượt biển/Vượt cánh đồng trước bản/Vượt ngôi làng bên phải/Vượt ngôi làng bên trái/Vượt nóc nhà bà góa/Vượt ao cá dả dỉn/Mở trời cho gà gáy/Gà gọi ngày mới đến/Cho mặt trời cười vui/Cho ông bố rèn sắt/Rèn chiếc xiên đánh cá/Cho ông anh rèn cuốc/Đi đào khoai trên đồi/Củ khoai bằng bắp chân/Con cá to bằng thuyền/Bông lúa như bông móc/Đục hết ngày không thủng/Bjoóc phjón bám vách núi/Cám ơn ngỗng mường trời/Cõng mặt trời về trời/Sáng mai hãy quay lại/Chiếu sáng một ngày mới/Mặt trời ơi mau mọc”.

Trong nhịp sống hối hả của một thời đại được coi là “cuộc sống số” cùng với sự du nhập, giao lưu văn hóa từ nước ngoài vào nước ta, bên cạnh những mặt tích cực đáng trân trọng, đáng để học tập cũng có những mặt trái khiến cho giá trị truyền thống, giá trị tốt đẹp ngày càng bị quên lãng và dần mất đi; những giá trị thuộc về văn hóa, văn học dân gian đang đứng trước tình trạng báo động. Nói riêng về nền văn học dân gian, chúng ta muốn nói đến là thể loại đồng dao của dân tộc Nùng nói chung và người Nùng An nói riêng cũng chịu tác động và ảnh hưởng trong dòng chảy chung đó. Hiện nay, chúng ta khẳng định giá trị không thể phủ nhận về nội dung và hình thức nghệ thuật của đồng dao gắn với làng nghề truyền thống của người Nùng An, khẳng định vai trò to lớn của đồng dao trong đời sống văn hóa tinh thần trong nhóm người Nùng An, đồng dao là một thế giới muôn màu sắc, muôn thanh âm. Những bài đồng dao có sức sống trong lòng mỗi người, trong tâm thức của dân tộc như những bài học vỡ lòng từ thuở ấu thơ, nó là nguồn nuôi dưỡng văn hóa dân gian, hơn nữa đồng dao còn có khả năng, vai trò to lớn trong việc hình thành, phát triển nhân cách cho trẻ em, do đó thế giới nội dung trong đồng dao vô cùng phong phú và đa dạng, phản ánh hiện thực đời sống, sinh hoạt văn hóa tộc người một cách chân thực và sinh động qua lăng kính trẻ thơ.

Nghề rèn thủ công truyền thống của người Nùng An.

Nghề rèn thủ công truyền thống của người Nùng An.

Thế giới nghệ thuật trong đồng dao rất phong phú, đặc sắc, mặc dù mục tiêu hướng tới của đồng dao là trẻ nhỏ nhưng không vì lẽ đó mà nghệ thuật đồng dao kém phần hấp dẫn, ngược lại nó vô cùng đa dạng, sống động và đặc sắc. Đó không chỉ là kết cấu lặp lại hết sức phức tạp và lý thú, mà còn là thế giới ngôn ngữ hàm súc, sống động, gợi hình, gợi cảm, sử dụng nhiều phép so sánh, nhân hóa; là những không gian, thời gian tràn đầy hoa thơm, cỏ lạ của đất trời quê hương, làng bản, là thế giới biểu tượng vừa quen, vừa lạ, vừa giản dị, vừa bay bổng đã vẽ lại chân dung và chuyển tải ước mơ của con người lúc bấy giờ...

Sự tồn tại những khúc đồng dao của người Nùng An ở Cao Bằng cùng với các giá trị văn hóa là những di sản minh chứng cho niềm tự hào về truyền thống văn hóa, tinh thần cần cù lao động, đoàn kết đấu tranh dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc ở vùng biên giới. Một điều đáng ngạc nhiên là trải qua bao biến thiên của tác động tự nhiên và tác động của các yếu tố lịch sử xã hội, nhưng các giá trị văn hóa truyền thống gắn với các khúc đồng dao của trẻ em người Nùng An vẫn được bảo lưu. Điều đó minh chứng các dân tộc nơi đây có ý thức cao trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa của quê hương mình, đó cũng là những biểu hiện trong bản chất, ý chí, tính cách của cộng đồng dân tộc, những con người đã tạo dựng cuộc sống từ đôi bàn tay lao động và ý chí tự lực, tự cường và tính tự hào dân tộc từ bao đời nay.

Ngày nay, văn hóa đang là mối quan tâm hàng đầu của Đảng ta trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Theo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII “văn hóa là nền tảng của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với các khúc hát đồng dao của cộng đồng tộc người Nùng An là việc làm cần thiết để đóng góp cho sự nghiệp phát triển chung của tỉnh. Đây là công việc khó khăn, đòi hỏi sự chung sức của nhiều người, nhất là phải bắt đầu từ nhận thức.

Trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đòi hỏi mỗi người phải có cái nhìn tổng thể trong việc đánh giá, nhận xét các giá trị văn hóa truyền thống, từ đó chọn lọc, phát huy và phát triển. Mặt khác, đồng dao gắn với làng nghề truyền thống, góp phần quảng bá văn hóa truyền thống tại các làng nghề, là điểm nhấn trong phát triển du lịch bền vững để thu hút du khách.

Thiên Phước

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/dong-dao-noi-ve-nghe-ren-sat-thu-cong-truyen-thong-cua-nguoi-nung-an-3178508.html