Động đất liên hoàn làm thay đổi địa hình Tokara (Nhật Bản)

Chuỗi động đất dị thường bắt đầu từ ngày 21/6 tại khu vực quần đảo Tokara, ngoài khơi tỉnh Kagoshima – miền Nam Nhật Bản vẫn đang tiếp diễn và đã làm thay đổi địa hình khu vực, thậm chí thay đổi vị trí của nhiều đảo lớn.

Trái với nhận định ban đầu của giới khoa học về việc chuỗi động đất liên hoàn đang xảy ra tại khu vực quần đảo Tokara sẽ không làm thay đổi địa hình, địa mạo và hệ sinh thái trong vùng ảnh hưởng, sau 1.782 rung chấn từ 1 - 6 độ ghi nhận được tính đến thời điểm 4h sáng 11/7 (theo giờ địa phương), vỏ trái đất ở quần đảo này đã bị biến dạng với nhiều đảo lớn bị di chuyển khỏi vị trí cũ.

Theo một báo cáo khoa học vừa được công bố, từ ngày 2 - 3/7, hai đảo lớn là Kodakara và Takara đã bị dịch chuyển theo hai hướng Nam Bắc đến gần 10cm. Trong đó, đảo Kodakara rời khỏi vị trí cũ và dịch lên phía Tây Bắc hơn 6cm, còn đảo Takara bị đẩy xuống phía Nam hơn 3,5cm.

Các chuyên gia đã tiến hành nhiều hoạt động khảo sát địa chất và địa chấn tại khu vực quần đảo Tokara. Ảnh: Jiji Press

Các chuyên gia đã tiến hành nhiều hoạt động khảo sát địa chất và địa chấn tại khu vực quần đảo Tokara. Ảnh: Jiji Press

Phó Giáo sư Aoki Yosuke thuộc Đại học Tokyo, chuyên gia núi lửa và biến dạng địa mạo, phân tích: “Động đất lần này rất giống với chuỗi động đất liên hoàn ở ngoài khơi phía Đông bán đảo Izu những năm 1980 và 1990. Sự biến dạng của vỏ Trái Đất có khả năng là do ảnh hưởng từ sự hoạt động của các núi lửa ngầm. Trong trường hợp các chất lưu, bao gồm các loại khí và chất lỏng cùng với magma dâng cao có thể làm vỏ trái đất phồng lên với thể tích từ 1 triệu đến 5 triệu mét khối”.

Theo một khảo sát khác được tiến hành từ trên không, tuy địa mạo của các đảo chưa bị biến dạng, nhưng nước biển trong khu vực quần đảo Tokara đã bắt đầu vẩn đục đến mức độ có thể nhận ra bằng mắt thường. Các chuyên gia cũng dự báo, chuỗi động đất này sẽ còn tiếp diễn, do những hoạt động tích cực của núi lửa ngầm.

Trên đảo Kodakara vẫn còn nhiều miệng núi lửa đã dừng hoạt động. Ảnh: Jiji Press

Trên đảo Kodakara vẫn còn nhiều miệng núi lửa đã dừng hoạt động. Ảnh: Jiji Press

Trong khi đó, một hiện tượng dị thường khác cũng đang xảy ra tại tỉnh Kagoshima. Đó là sự phun trào trở lại từ hôm 22/6 sau 7 năm của núi lửa Shinmoedake. Từ khoảng 1 tuần trước, cột khói từ miệng núi lửa này đã bốc cao tới hơn 5.000m. Cơ quan khí tượng Nhật Bản đã phải ban bố cảnh báo ở cấp độ 3 - cấp độ nguy cơ khá cao trong thang cảnh báo 5 cấp của nước này. Hai hiện tượng dị thường xảy ra tại cùng một khu vực với cùng một khoảng thời gian này đang làm đau đầu giới khoa học, đồng thời, gây lo sợ sâu sắc cho cư dân địa phương.

Tuấn Nhật/VOV-Tokyo

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/dong-dat-lien-hoan-lam-thay-doi-dia-hinh-tokara-nhat-ban-post1213909.vov