Phát hiện 'núi lửa nhỏ nhất thế giới' ở Peru gây xôn xao

Mới đây, một 'ngọn núi lửa nhỏ nhất thế giới' đã được phát hiện tại Peru, đang thu hút sự chú ý của cả người dân địa phương và du khách.

Một cấu trúc địa chất nhỏ xíu được người dân địa phương mệnh danh là "ngọn núi lửa nhỏ nhất thế giới" đã gây xôn xao tại thành phố Cusco, miền Nam Peru. Tuy nhiên, các chuyên gia đã nhanh chóng xác định rằng đây không phải là núi lửa thực sự mà là một núi lửa bùn.

Vụ việc bắt đầu khi một nhóm người dân tình cờ phát hiện một gò đất đen kịt cao khoảng 60cm, trên dãy núi Peru. Với hình nón nông và một miệng ở đỉnh, cùng với vật chất sệt màu tối rỉ ra và đông cứng lại hai bên, nó trông hệt như một ngọn núi lửa thu nhỏ. Người dân địa phương cho biết có khí và các chất lạ khác chảy ra từ miệng này, khiến họ ngay lập tức tuyên bố đây là "ngọn núi lửa nhỏ nhất thế giới".

Cấu trúc được coi là “ngọn núi lửa nhỏ nhất thế giới” xuất hiện ở Cusco, Peru. (Nguồn: Jam Press)

Cấu trúc được coi là “ngọn núi lửa nhỏ nhất thế giới” xuất hiện ở Cusco, Peru. (Nguồn: Jam Press)

Người đứng đầu cộng đồng, Arturo Mamani, đã đặt tên cho nó là "Mắt đại bàng" và cùng gia đình đặt lá coca làm lễ vật truyền thống dưới chân gò đất để thể hiện sự tôn kính. Khu vực này đã nhanh chóng trở thành tâm điểm của báo chí, thu hút ngày càng nhiều du khách tò mò đến chiêm ngưỡng.

Sau khi biết được hiện tượng bất thường này, chính quyền đã phong tỏa khu vực và mời các chuyên gia đến đánh giá. Hernando Tavera, người đứng đầu Viện Địa vật lý Peru (IGP), đã xác nhận rằng "Mắt đại bàng" thực chất không phải là một miệng núi lửa liên quan đến magma hay bất kỳ hoạt động núi lửa nào. Ông giải thích đây là một núi lửa bùn hay còn gọi là mái vòm bùn, một cấu trúc tự nhiên nơi bùn, nước và khí hòa tan trồi lên từ các tầng đất thấp hơn.

Tavera giải thích: "Hiện tượng này xảy ra khi các loại khí như mê-tan, cacbon dioxit và các loại khí khác bay lên bề mặt và mang theo trầm tích sét trộn lẫn với nước ngầm. Kết quả là một gò đất có một lỗ ở giữa, một hình nón có miệng núi lửa, khiến nó được coi là một núi lửa do hình dạng của nó. Tuy nhiên, nguồn gốc, loại hình hoạt động và vật liệu mà nó thải ra không liên quan gì đến các núi lửa đang hoạt động ở phía nam đất nước".

Mặc dù không gây ra nguy cơ núi lửa, Tavera cảnh báo rằng núi lửa bùn này có thể tác động tiêu cực đến môi trường, với khả năng gây ô nhiễm nguồn nước và mùa màng gần đó.

Các thanh tra địa phương và giới địa chất đang tiếp tục theo dõi hiện tượng này để xác định xem nó có gây ra bất kỳ rủi ro nào cho cộng đồng địa phương hay không. Trong khi đó, "Mắt đại bàng" đã trở thành một điểm đến thu hút khách du lịch hiếu kỳ, những người không ngại vượt núi để chiêm ngưỡng "ngọn núi lửa nhỏ nhất thế giới".

Quốc Tiệp (theo The Sun)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/phat-hien-nui-lua-nho-nhat-the-gioi-o-peru-gay-xon-xao-204250711112518922.htm