Động đất ở Kon Tum tăng cả tần suất và độ lớn
Trong bốn năm, tỉnh Kon Tum ghi nhận 1.086 trận động đất, tăng cả về tần suất, độ lớn.
Ngày 9-5, Liên hiệp các hội khoa học, kỹ thuật tỉnh tổ chức hội nghị khoa học phổ biến kiến thức đánh giá hiện tượng động đất tại tỉnh Kon Tum – thực trạng và giải pháp ứng phó.
Hội nghị nhằm cung cấp các phân tích chuyên sâu, cập nhật thông tin khoa học từ các cơ quan chuyên môn, đặc biệt là Viện Các khoa học trái đất thuộc Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, giúp cán bộ, người dân nâng cao nhận thức, chủ động ứng phó với tình hình động đất.

Hội nghị khoa học phổ biến kiến thức đánh giá hiện tượng động đất tại tỉnh Kon Tum - thực trạng và giải pháp ứng. Ảnh: ĐN.
Theo Viện Các khoa học trái đất, năm 2022 ghi nhận 254 trận động đất, năm 2023 có 316 trận, năm 2024 có 436 trận và đến tháng 4-2025 có 80 trận động đất.
Từ tháng 4-2021, chuỗi các trận động đất vừa và nhỏ được ghi nhận liên tiếp xảy ra trên địa bàn tỉnh Kon Tum qua các năm.
Các trận động đất ở khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum không chỉ gia tăng về tần suất, mà còn biểu hiện gia tăng về độ lớn. Độ lớn động đất cực đại năm 2021 là 3.9, năm 2022 là 4.7 và đến năm 2024 đã ghi nhận trận động đất mạnh nhất có độ lớn 5.0.
Theo thống kê của UBND huyện Kon Plông, động đất dù chưa gây thiệt hại về người nhưng đã gây ra một số thiệt hại về tài sản và các công trình, trụ sở trên địa bàn ở 7 xã, thị trấn có 12 cơ sở, gồm trường học, trạm y tế, UBND xã bị ảnh hưởng; bốn căn nhà bị nứt, một số tài sản bị hư hỏng.
Các chuyên gia, nhà khoa học đưa ra nhiều phân tích chi tiết về nguyên nhân, diễn biến và tác động của hiện tượng động đất tại tỉnh Kon Tum. Đồng thời, đưa ra nhiều kiến nghị về giải pháp kỹ thuật trong xây dựng hạ tầng phù hợp với điều kiện địa chất động lực tại Kon Tum, nhằm hạn chế tối đa thiệt hại.
Hội nghị đề xuất nhiều giải pháp cải thiện công tác thu thập, phân tích, sử dụng dữ liệu động đất, nâng cao hiệu quả phòng ngừa, ứng phó.
Theo ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, hội nghị lần này là dịp quan trọng để các nhà khoa học, chuyên gia và cơ quan quản lý cùng phân tích toàn diện hiện tượng động đất tại địa phương, từ đó đưa ra giải pháp cảnh báo, ứng phó và giảm thiểu rủi ro.
UBND tỉnh Kon Tum sẽ tiếp tục hỗ trợ các chương trình nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ trong lĩnh vực này.

Ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm, đầu tư thêm các trạm quan trắc địa chất, hệ thống cảnh báo sớm về động đất.
Đồng thời, kiến nghị các bộ, ngành trung ương tiếp tục quan tâm, đầu tư thêm các trạm quan trắc địa chất, hệ thống cảnh báo sớm, triển khai các đề tài nghiên cứu chuyên sâu để phục vụ công tác ứng phó với thiên tai.
Chuỗi động đất ở Kon Tum là do đâu?
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, Viện Các khoa học trái đất, xét về cơ chế phát sinh, có thể chia động đất thành hai nhóm chính là động đất do nguồn gốc tự nhiên và động đất do những hoạt động của con người.
Trong đó, động đất phát sinh do hoạt động của con người còn được gọi là động đất kích thích, phổ biến nhất là phát sinh từ các hồ chứa thủy điện. Nhóm động đất này thường có độ lớn dao động trong một dải rất rộng, có cả động đất mạnh có độ lớn 5.0 đến 7.0.
Sau một khoảng thời gian nhất định, khi ứng suất trong vỏ trái đất ở khu vực đã đạt đến trạng thái cân bằng, chế độ hoạt động động đất ở khu vực đó sẽ trở về chế độ hoạt động địa chấn kiến tạo ổn định.
PGS.TS Nguyễn Hồng Phương cho rằng chuỗi động đất tại huyện Kon Plông là động đất kích thích, được kích hoạt do tác động của con người vào môi trường địa phương.
Nhằm phục vụ kịp thời công tác báo tin động đất và phục vụ công tác nghiên cứu, Viện Vật lý địa cầu (nay là Viện Các khoa học trái đất) đã triển khai lắp đặt 11 trạm quan trắc động đất tại khu vực huyện Kon Plông.
Nguồn PLO: https://plo.vn/dong-dat-o-kon-tum-tang-ca-tan-suat-va-do-lon-post848922.html