Sửa đổi bất cập từ thực tiễn khám chữa bệnh để đảm bảo quyền lợi người dân và an toàn hoạt động nghề y
Theo quy định hiện nay, khi đi vào hoạt động, cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai sẽ được xếp cấp cơ bản. PGS.TS Vũ Văn Giáp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho rằng cơ sở 1 xếp cấp chuyên sâu (cao nhất), cơ sở 2 là cơ bản thì chưa phù hợp với thực tiễn.
Đây là một trong những bất cập bất cập từ thực tế triển khai Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã được nêu lên nhằm kiến nghị điều chỉnh chính sách cho phù hợp tại hội thảo lấy ý kiến góp ý sửa đổi, bổ sung Nghị định số 96/2023/NĐ-CP và Thông tư số 32/2023/TT-BYT – hai văn bản quan trọng hướng dẫn thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) năm 2023. Hội nghị do Bộ Y tế tổ chức hôm nay (9/5) tại BVĐK Đức Giang (Hà Nội).
Băn khoăn về vấn đề xếp cấp cơ sở khám chữa bệnh
Tại hội nghị, TS.BS Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia cho biết, Luật Khám bệnh, chữa bệnh được Quốc hội Khóa XV thông qua vào tháng 1/2023, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2024. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã nảy sinh nhiều điểm vướng mắc, bất cập đòi hỏi phải điều chỉnh, bổ sung trong các văn bản hướng dẫn thi hành.
"Là cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ Y tế đề nghị đại diện các bộ, ngành, Sở Y tế, cơ sở đào tạo, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các hiệp hội chuyên ngành và bệnh viện tư nhân tập trung đóng góp ý kiến sửa đổi Nghị định 96 và Thông tư 32 để đảm bảo tính khả thi, phù hợp thực tiễn khi triển khai"- TS.BS Hà Anh Đức nói.

TS.BS Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia phát biểu.
Cũng theo đại diện Bộ Y tế, việc hoàn thiện Nghị định 96 và Thông tư 32 là bước đi quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn trong thực tiễn, nâng cao hiệu quả quản lí nhà nước trong lĩnh vực khám, chữa bệnh, đồng thời đảm bảo quyền lợi của người dân và an toàn trong hoạt động hành nghề y.
Việc xếp cấp chuyên môn kỹ thuật được quy định tại điều 89 của Nghị định 96, với phần phụ lục V quy định các tiêu chí. Theo đó, tiêu chí xếp cấp được căn cứ theo 4 nhóm năng lực. Theo quy định hiện hành, cơ sở mới thành lập chỉ được xếp cấp cơ bản, sau 2 năm mới được xét nâng cấp.
"Như vậy, cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai sẽ chỉ được xếp ở cấp cơ bản". PGS.TS Vũ Văn Giáp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai dẫn chứng.
PGS Giáp phân tích: Bệnh viện Bạch Mai hiện được xếp cấp là chuyên môn kỹ thuật cao, chuyên sâu, căn cứ theo nhân lực, quy trình kỹ thuật, cơ sở vật chất, máy móc trang thiết bị… Khi đi vào hoạt động, cơ sở 2 sẽ hoạt động đồng bộ dưới sự quản lý, điều hành thống nhất về chuyên môn, nhân lực, quy trình kỹ thuật, hệ thống quản lý chất lượng như cơ sở 1.
Vì thế, khi bệnh viện chứng minh được điều này, cơ sở 2 nên được xếp cùng cấp chuyên môn kỹ thuật. "Bệnh viện đưa ra đề xuất này nhằm phản ánh đúng bản chất hoạt động liên thông giữa cơ sở 1 và cơ sở 2 của một đơn vị. Đồng thời, giảm bớt gánh nặng thủ tục hành chính cho bệnh viện, cơ quan quản lý, nhất quán về chuyên môn trong cùng một hệ bệnh viện", PGS.TS Vũ Văn Giáp nói.
Đồng thời Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh thêm: Việc này cũng sẽ khuyến khích các bệnh viện có uy tín, có chất lượng mở rộng mạng lưới các chuỗi bệnh viện và nâng cao khả năng phục vụ cho người dân.
Về nội dung này, TS Hà Anh Đức cho biết, Bộ Y tế sẽ xin ý kiến hội đồng chuyên môn. Các nội dung sửa đổi sẽ được trình Chính phủ trong tháng 6 tới.
Gặp khó trong việc thẩm định điều kiện hành nghề khám chữa bệnh của người nước ngoài
Một trong những bất cập nổi bật nữa được nêu tại hội thảo liên quan đến việc công nhận văn bằng chuyên môn của người nước ngoài. Hiện nay, Việt Nam chưa có hệ thống đối chiếu tương đương các văn bằng chuyên môn nước ngoài theo khung trình độ quốc gia 8 bậc, khiến các Sở Y tế gặp khó trong việc thẩm định điều kiện hành nghề.

Các đại biểu dự hội nghị.
Thêm vào đó, một số văn bằng không ghi rõ chuyên khoa hoặc thuộc chuyên ngành không tồn tại trong hệ thống đào tạo tại Việt Nam, như chuyên khoa thần kinh cột sống hoặc y học tự nhiên. Điều này dẫn đến việc không đủ căn cứ cấp phạm vi hành nghề.
Ngoài ra, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 96, Thông tư 32 cũng phát sinh một số bất cập khác cần điều chỉnh, sửa đổi như văn bằng chuyên môn, quy định về đăng ký hành nghề, vấn đề thực hành, cơ sở cấp cứu ngoại viện…
Chẳng hạn các quy định về thu hồi, đình chỉ, xử phạt người hành nghề, có quy định theo hướng cố tình đề nghị cấp nhiều hơn 01 giấy phép hành nghề thì phạt nặng.
Bên cạnh đó, bổ sung trường hợp thu hồi giấy phép hành nghề trong trường hợp hồ sơ không còn đủ điều kiện dù đã được cấp giấy phép hành nghề, bổ sung trường hợp xử lý đối với việc giả mạo giấy phép hành nghề.
Đối với dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà, đại diện các địa phương cho biết trước đây các cơ sở điều dưỡng có thể thực hiện một số kĩ thuật chuyên môn tại nhà bệnh nhân. Tuy nhiên, Nghị định 96 hiện hành lại chưa quy định loại hình cơ sở này, gây lúng túng trong quản lí và cấp phép.
Tương tự, Nghị định 96/2023/NĐ-CP cũng chưa có quy định cụ thể về diện tích và số giường tối thiểu đối với phòng lưu bệnh tại các phòng khám chuyên khoa có thực hiện thủ thuật. Trong khi đó, Thông tư chuyên ngành lại yêu cầu phòng lưu bệnh tối thiểu phải có diện tích 12m², dẫn tới sự thiếu nhất quán giữa các văn bản quy phạm pháp luật.
Một nội dung khác được nhiều đại biểu quan tâm là quy định về thực hành đối với bác sĩ chuyên khoa. Các đại biểu cho rằng hiện chưa có hướng dẫn cụ thể về nội dung chương trình, thời gian thực hành, cũng như nơi được phép tổ chức thực hành.

Việc sửa đổi bất cập từ thực tiễn khám chữa bệnh để đảm bảo quyền lợi người dân và an toàn hoạt động nghề y.
Việc người kí xác nhận thực hành có chịu trách nhiệm về chất lượng, điều kiện thực hành hay không cũng chưa được làm rõ. Ngoài ra, chưa có quy định về công nhận thời gian thực hành tại nước ngoài - một vấn đề đang ngày càng phát sinh do nhu cầu hội nhập và nhân lực y tế quốc tế.