Động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria: Hơn 16.000 người tử vong, những người sống sót cũng cảm thấy 'đơn độc'
Các quan chức và nhân viên y tế cho biết, đến thời điểm chiều 9/2 (theo giờ Việt Nam) tổng số người thiệt mạng liên quan động đất kinh hoàng ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria là 16.035 người.
Số nạn nhân thiệt mạng tại Thổ Nhĩ Kỳ là 12.873 người và ở nước láng giềng Syria là ít nhất 3.162 người.
Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại con số sẽ tiếp tục tăng mạnh, đặc biệt khi những nỗ lực cứu hộ vượt quá mốc 72 giờ mà các chuyên gia thảm họa coi là khoảng "thời gian vàng" có khả năng cứu sống nhiều người nhất.
Dưới tiết trời giá lạnh khắc nghiệt, các lực lượng cứu hộ đang cố gắng đẩy nhanh tốc độ tìm kiếm những người còn sống sót, với hy vọng cứu được nhiều người nhất có thể từ các đống đổ nát.
Trong khi đó, những người sống sót cũng đối mặt với khủng hoảng về thực phẩm và nơi trú ẩn. Nhiệt độ giảm xuống âm 5 độ C ở thành phố Gaziantep vào đầu ngày 9/2 khiến điều kiện sinh hoạt thêm khắc nghiệt, đặc biệt đối với hàng nghìn gia đình chọn ngủ lại trong ô tô và lều tạm do không thể trở về nhà.
Do quy mô thiệt hại quá lớn và nỗ lực cứu trợ bị hạn chế tại một số khu vực nhất định, nhiều người sống sót cho biết họ cảm thấy đơn độc khi ứng phó với thảm họa.
Trước đó, ngày 8/2, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã thừa nhận "những thiếu sót" sau hàng loạt chỉ trích đối với phản ứng của chính phủ liên quan trận động đất.
Ông Erdogan đã đến thăm một trong những điểm bị ảnh hưởng nặng nề nhất, tâm chấn của trận động đất tại tỉnh Kahramanmaras và thừa nhận các vấn đề còn tồn tại trong công tác phản ứng.
Một quan chức hàng đầu của Liên hợp quốc đã kêu gọi tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận viện trợ tại các khu vực Tây Bắc Syria, đồng thời cảnh báo rằng các nguồn cung cứu trợ sẽ sớm cạn kiệt.
Trong khi đó, Ủy ban châu Âu đã khuyến khích các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đáp ứng đề nghị về thực phẩm và vật tư y tế của Syria.
Hàng chục quốc gia, gồm Mỹ, Trung Quốc và các quốc gia vùng Vịnh cam kết giúp đỡ và triển khai các đội tìm kiếm cũng như đảm bảo hàng cứu trợ được chuyển đến.
EU đã triển khai các đội cứu hộ đến Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng ban đầu họ chỉ cung cấp hỗ trợ tối thiểu cho Syria do ảnh hưởng các lệnh trừng phạt của khối này áp đặt từ năm 2011 đối với chính phủ nước này.
Biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria là một trong những khu vực động đất hoạt động mạnh nhất thế giới. Trận động đất ngày 6/2 là trận động đất lớn nhất mà Thổ Nhĩ Kỳ từng ghi nhận kể từ năm 1939, khi một trận động đất ở tỉnh Erzincan phía Đông nước này khiến 33.000 người thiệt mạng.
Năm 1999, một trận động đất có độ lớn 7,4 cũng đã khiến hơn 17.000 người thiệt mạng.