CCB Trần Văn Thanh là đại biểu danh dự của đại lễ 50 năm lịch sử

Vượt hơn 1.300 km bằng xe máy vào TP. Hồ Chí Minh dự đại lễ 30/4, cựu chiến binh Trần Văn Thanh đã truyền cảm hứng, tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ.

Hành trình đặc biệt của người lính già

Ngày 30/4 - ngày đất nước thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà - luôn là thời khắc gợi nhắc về những hy sinh, cống hiến lặng thầm của bao thế hệ người Việt. Năm nay, giữa bầu không khí rộn ràng chào mừng kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, câu chuyện về cựu chiến binh Trần Văn Thanh, 76 tuổi, quê TP. Vinh, Nghệ An, vượt hơn 1.300 km bằng xe máy vào TP. Hồ Chí Minh dự lễ đã chạm đến trái tim của hàng triệu người Việt.

 Những người con xứ Nghệ tại TP. Hồ Chí Minh đón cựu chiến binh Trần Văn Thanh về nghỉ chân, trước khi cùng bác vào trung tâm thành phố dự lễ 30/4.

Những người con xứ Nghệ tại TP. Hồ Chí Minh đón cựu chiến binh Trần Văn Thanh về nghỉ chân, trước khi cùng bác vào trung tâm thành phố dự lễ 30/4.

Bắt đầu cuộc hành trình vào ngày 17/4/2025, bác Thanh quyết tâm một mình rong ruổi chiếc Dream cũ, băng qua đèo núi, nắng gió để đến được TP. Hồ Chí Minh kịp dịp đại lễ. Với người lính già từng vào sinh ra tử nơi chiến trường miền Nam năm xưa, chuyến đi này không chỉ là hành trình về địa lý mà còn là hành trình trở về kí ức, để được một lần tận mắt chứng kiến lễ diễu binh, diễu hành trên mảnh đất mà nửa thế kỷ trước ông và đồng đội đã chiến đấu để giành lấy hòa bình.

“Tôi muốn tự mình đi để tận mắt chứng kiến sự đổi thay của đất nước, để thắp nén hương thơm tri ân đồng đội đã hy sinh, để sống trọn vẹn lòng yêu nước trong ngày trọng đại của dân tộc”, bác Thanh chia sẻ.

Dù tuổi cao, sức yếu, phương tiện thô sơ, bác Thanh vẫn vững chí. Những ngày đầu tiên, hành trình gặp không ít khó khăn với những đoạn đường đèo dốc hiểm trở, thời tiết nắng gắt, xe cộ đông đúc, nhưng ý chí của người lính không cho phép ông dừng lại.

Đi qua từng miền đất, bác Thanh thắp hương tại những nghĩa trang liệt sĩ, thầm thì lời tri ân đến những người đã ngã xuống cho quê hương, đất nước, trong đó có nhiều đồng đội năm xưa.

Nghĩa tình đồng hương tiếp lửa hành trình

Sáng 20/4, khi bác Thanh vừa rời quê được ba ngày, thông tin về chuyến đi đặc biệt này được anh Trần Anh Sơn - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tiêu biểu tỉnh Nghệ An và Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Hội - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Nghệ An chuyển vào TP. Hồ Chí Minh. Người đầu tiên được nhắc đến để hỗ trợ bác Thanh chính là ông Phan Đình Tuệ - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Nghệ Tĩnh tại TP. Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng hương Nghệ An.

Ngay sau đó, ông Tuệ chủ động kết nối với cô Trần Thị Hồng Yến, con gái bác Thanh để nắm rõ lịch trình, sức khỏe và nhu cầu của bác. Khách sạn giữa trung tâm quận 1 vốn đã kín chỗ từ lâu, nhất là trong dịp đại lễ 30/4 - 1/5 nhưng nhờ sự hỗ trợ của anh Ngô Đức Nguyên, một doanh nhân trẻ đồng hương Nghệ An, ông Tuệ đã kịp thời thu xếp được một chỗ nghỉ chu đáo cho bác Thanh, cách địa điểm tổ chức lễ diễu binh không xa. Cũng chính ông Tuệ là người trực tiếp liên hệ với lãnh đạo thành phố và Ban Tổ chức lễ kỷ niệm, đề xuất để bác Thanh trở thành đại biểu danh dự, được vào khu vực khán đài chính thức của buổi lễ trọng đại.

Ông Phan Đình Tuệ trao thư mời danh dự cho bác Trần Văn Thanh.

Ông Phan Đình Tuệ trao thư mời danh dự cho bác Trần Văn Thanh.

Chiều ngày 28/4, khi bác Thanh nhận được tấm thư mời danh dự từ Ban Tổ chức, cả ông Tuệ và cô Yến đều không khỏi xúc động. Trong khoảnh khắc ấy, người lính già suốt đời chỉ biết đến những chuyến hành quân và những mùa mưa bom đạn đã lặng lẽ lau đôi mắt hoe đỏ. Ông nói trong nghẹn ngào: “Ra đi chỉ mong đến được TP. Hồ Chí Minh dịp này là mãn nguyện, nay lại được vào khán đài dự lễ diễu binh, diễu hành, hơn cả mong đợi.”

Không dừng lại ở đó, ông Phan Đình Tuệ còn sắp xếp để bác Thanh đến thăm cụ Lê Nguyễn Hồng Minh - con gái cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, một nhân chứng lịch sử sống động. Cuộc gặp của hai con người từng trải qua chiến tranh, mất mát và những tháng năm đất nước chia cắt, là một cuộc hội ngộ đầy nước mắt, đầy trân trọng và chan chứa ký ức. Họ ngồi bên nhau, kể lại những năm tháng cũ, nhắc lại những đồng đội, những người đã nằm lại trên dọc tuyến đường Trường Sơn và những chiến hào rực lửa.

Từ một câu chuyện nhỏ, chuyến đi của bác Trần Văn Thanh và nghĩa tình của cộng đồng người Nghệ An tại TP. Hồ Chí Minh đã nhanh chóng lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội và báo chí. Hàng trăm ngàn lượt chia sẻ, bình luận, lời động viên được gửi đến người lính già.

Ngân Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nguoi-linh-gia-vuot-1300-km-du-le-304-khi-long-yeu-nuoc-chua-tung-phai-nhoa-385552.html