Ký ức ngày thống nhất của cựu chiến binh Hải Dương trực tiếp làm nên đại thắng 1975
50 năm đã đi qua, thời khắc hào hùng ngày 30/4/1975 lịch sử vẫn nguyên vẹn trong ký ức những cựu chiến binh Hải Dương trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Các cựu chiến binh Nguyễn Văn Tới ở xã Dân An, Tứ Kỳ (giữa), Nguyễn Công Thuận ở xã An Phượng, Thanh Hà (bên trái) cùng đồng đội ôn lại kỷ niệm chiến đấu khi tới thăm Dinh Độc Lập
Vinh dự người lính tăng thiết giáp
Cuối tháng 3 vừa qua, phóng viên Báo Hải Dương may mắn được đi cùng Đoàn đại biểu tỉnh Hải Dương đến thăm, tham dự một số hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Cùng đi với các đồng chí lãnh đạo tỉnh có 25 đại biểu cựu chiến binh trực tiếp tham gia, đóng góp vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đây là hoạt động tri ân của Đảng bộ, chính quyền TP Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm sự kiện trọng đại của đất nước.
Có những cựu chiến binh đã vài lần trở lại TP Hồ Chí Minh nhưng cũng có những người lần đầu quay lại những địa điểm mà cách đây 50 năm họ anh dũng chiến đấu để thống nhất non sông. Ông Nguyễn Văn Tới, 72 tuổi ở xã Dân An (Tứ Kỳ) tìm trong chiếc điện thoại tấm ảnh ông chụp cạnh chiếc xe tăng mang số hiệu 975 cho tôi xem.
Khi vừa tròn 21 tuổi, ông Tới nhập ngũ, vào chiến trường miền Nam. Tháng 8/1974, khi vào đến miền Đông Nam Bộ, vì có sức khỏe loại 1 nên ông Tới được lựa chọn làm pháo thủ xe tăng ở Tiểu đoàn 20, Đoàn 26, Bộ Tư lệnh Tăng thiết giáp. "Trước khi Chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn ngày 26/4/1975, chúng tôi được học tập chính trị trong 3 ngày và chuẩn bị kỹ lưỡng trang thiết bị với tinh thần quyết chiến, quyết thắng", ông Tới nhớ lại.
Đến giờ, ông Tới vẫn nhớ gần như đầy đủ lịch trình đơn vị của mình tiến vào Sài Gòn ngày 30/4/1975. Ông Tới kể trên đường tiến vào Dinh Độc Lập, khi đi đến ngã tư Bảy Hiền thì có một xe tăng của ta bị địch tấn công nhưng sự kháng cự yếu ớt của địch không thể cản bước những đơn vị anh hùng.

Ông Nguyễn Văn Tới chụp ảnh cùng xe tăng 975 tại đơn vị sau khi Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Ngày 15/5/1975, ông Tới cùng đồng đội và chiếc xe tăng tham gia duyệt binh mừng chiến thắng tại Sài Gòn
Khoảng 12 giờ 15 ngày 30/4/1975, ông Tới và đồng đội trên chiếc xe tăng 975 cùng các đơn vị bộ binh đã áp sát Dinh Độc Lập, chĩa thẳng nòng pháo vào bên trong dinh. "Khoảng 4 giờ chiều sau khi Dương Văn Minh và toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, tình hình ổn định thì nhân dân đổ ra đường rất đông, chạy đến hỏi thăm, mời nước, đưa đồ ăn cho bộ đội. Quân và dân cũng mừng vui khi chắc chắn rằng miền Nam đã hoàn toàn giải phóng, đất nước đã thực sự thống nhất", ông Tới kể lại.
Tổng kết cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, tỉnh Hải Dương có 125.369 thanh niên lên đường nhập ngũ, 6.113 thanh niên xung phong ra tiền tuyến. Trong số đó, 26.876 người đã anh dũng hy sinh, 11.449 người đã để lại một phần xương máu trên khắp các chiến trường.
Mãi không quên
Tản bộ trong Dinh Độc Lập giữa những ngày tháng lịch sử của đất nước, ông Cao Xuân Đông ở xã Cẩm Đoài (Cẩm Giàng) xúc động nhớ lại ngày 30/4/1975. Chỉ tay ra một gốc cây lớn ở phía bên phải Dinh Độc Lập, ông Đông nói: "Trưa 30/4, chúng tôi bắc bếp nấu cơm ở ngay dưới gốc cây này. Nấu vội, ăn vội nhưng là bữa ăn ngon nhất của người lính khi đất nước thống nhất, hòa bình".

Ông Cao Xuân Đông ở xã Cẩm Đoài, Cẩm Giàng (đứng thứ 3 từ trái sang) cùng các đại biểu tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh ở TP Hồ Chí Minh
Khi ấy, ông Đông là Đại đội trưởng Đại đội 12, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 141, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Sư đoàn 7 đảm nhiệm hướng tiến công chủ yếu của Quân đoàn 4 đánh chiếm hướng đông đập tan "cánh cửa thép" Xuân Lộc. "Khoảng 10 giờ ngày 30/4/1975, chúng tôi lên xe đi từ Biên Hòa để qua cầu Sài Gòn tiến về Dinh Độc Lập. Lúc này, địch chốt chặn ở đây vẫn chưa đầu hàng, còn chống trả mạnh. Nhưng nhờ có sự phối hợp, hỗ trợ của các mũi tiến công mà chúng tôi tiến thẳng về Dinh Độc Lập. Đến nơi, tôi phân công cho anh em gác xung quanh dinh để bảo đảm an toàn", ông Đông chia sẻ.
Kể rành rọt cho chúng tôi về những trận đánh quan trọng giữa ta và địch trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, ông Đông cho biết rất nhiều đồng đội cùng sát cánh chiến đấu với ông đã ngã xuống trước "ngưỡng cửa" ngày đất nước thống nhất. "Được đứng ở đây, được thấy TP Hồ Chí Minh phát triển tôi thấy rất mừng, rất may mắn. Để có được ngày hôm nay, hàng nghìn đồng đội của tôi trong Sư đoàn 7 đã mãi mãi không trở về", ông Đông xúc động nói.
Không có mặt ở Dinh Độc Lập nhưng nhiệm vụ của Nguyễn Công Thuận, 73 tuổi ở xã An Phượng (Thanh Hà) cũng đặc biệt quan trọng. Ông Thuận khi ấy ở Trung đoàn 11, Sư đoàn 571 làm nhiệm vụ chở một trung đội trinh sát tiến thần tốc vào đánh chiếm Đài Phát thanh Sài Gòn. Ông Thuận nhớ khi lái xe chở quân đến cầu Sài Gòn,còn đang lúng túng chưa biết đi hướng nào thì có một phụ nữ mặc áo bà ba dẫn đường đến đánh chiếm mục tiêu. Nhờ vậy mà bộ đội ta thuận lợi đánh chiếm được một trong những mục tiêu quan trọng của Chiến dịch Hồ Chí Minh. "Đúng 11 giờ 30, chúng tôi chiếm được Đài Phát thanh Sài Gòn. Cả trung đội ôm nhau khóc, cùng hét lên sống rồi, đất nước thống nhất rồi", ông Thuận kể.

Các cựu chiến binh Hải Dương trực tiếp tham gia giải phóng miền nam, thống nhất đất nước trải nghiệm đi tuyến metro số 1 ở TP Hồ Chí Minh
Cùng với ông Tới, ông Đông, ông Thuận, được đi với các cựu chiến binh Hải Dương thăm TP Hồ Chí Minh chúng tôi còn được nghe rất nhiều câu chuyện xúc động, anh dũng và tự hào góp phần làm nên Chiến thắng 30/4. Để Bắc - Nam sum họp một nhà, non sông Việt Nam thống nhất, hàng vạn người con quê hương Hải Dương sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc.