Đóng gói quà tặng theo tinh thần 'sống xanh'

Bắt nguồn từ trăn trở trước thực trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt là sự gia tăng các sản phẩm nhựa, ý tưởng 'đóng gói quà tặng xanh' ra đời như một giải pháp thiết thực và ý nghĩa.

 Chị Lâm Thụy Nguyên Hồng và các sản phẩm của đơn vị. Ảnh: NVCC

Chị Lâm Thụy Nguyên Hồng và các sản phẩm của đơn vị. Ảnh: NVCC

Xu hướng mới tích cực từ những thay đổi nhỏ

Thay vì dùng túi nilon hay hộp nhựa, nhà sản xuất Ikachi (TPHCM) đã lựa chọn sử dụng chất liệu tự nhiên như giấy tái chế, vải bố, dây thừng, lá cây khô hay các vật liệu phân hủy sinh học. Đây không chỉ là cách giảm thiểu rác thải nhựa mà còn mang đến những bao bì sáng tạo, gần gũi với thiên nhiên, góp phần tạo nên những món quà "xanh" độc đáo.

Chị Lâm Thụy Nguyên Hồng, Giám đốc sáng tạo của công ty, cho biết: "Không chỉ dừng ở mục tiêu giảm thiểu rác mà giải pháp này còn hướng đến việc nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường.

Chúng tôi hy vọng mỗi món quà được đóng gói theo cách "xanh" và lành khi đến tay người nhận sẽ trở thành một thông điệp ý nghĩa, khuyến khích mọi người cùng hành động vì một hành tinh xanh hơn. Từ những thay đổi nhỏ hôm nay như việc chọn bao bì "xanh", có thể tạo nên xu hướng mới tích cực, góp phần xây dựng tương lai bền vững cho thế hệ sau".

Trước xu hướng đóng gói quà đa dạng, với tinh thần "sống xanh", các thành viên của Ikachi ưu tiên các nguyên liệu tự nhiên và tái chế. Có thể kể đến như giấy báo cũ, lá chuối, vải, lá cây và các loại sợi tự nhiên.

Quy trình thực hiện khá đơn giản, thường bắt đầu từ việc lựa chọn và xử lý nguyên liệu thô hoặc chọn nhà cung cấp uy tín, sau đó tạo hình và trang trí bằng các kỹ thuật thủ công như gấp, dán, buộc. Việc sử dụng vật liệu tự nhiên mang lại nhiều ưu điểm.

Đầu tiên phải kể đến là thân thiện với môi trường, dễ phân hủy, giảm thiểu lượng rác thải. Thứ hai, các sản phẩm này hầu hết có tính thẩm mỹ cao, tạo nên vẻ đẹp mộc mạc, gần gũi, góp phần tăng thêm giá trị cho món quà.

Cuối cùng, việc tự tay làm bao bì cũng là một trải nghiệm thú vị, thể hiện sự chân thành và tấm lòng của người tặng.

Bên cạnh những ưu điểm, việc đóng gói quà tặng bằng các sản phẩm "xanh" cũng gặp một số hạn chế: Vật liệu tự nhiên có độ bền không cao bằng các loại bao bì công nghiệp, dễ bị rách hoặc bị ẩm mốc trong quá trình vận chuyển.

Việc tìm kiếm nguyên liệu và thực hiện thủ công đòi hỏi nhiều thời gian, công sức. "Để khắc phục những hạn chế này, có thể kết hợp các vật liệu tự nhiên với các loại giấy tái chế có độ bền cao hơn hoặc sử dụng kỹ thuật bảo quản hiện đại để đảm bảo sản phẩm luôn đẹp mắt", chị Nguyên Hồng cho biết.

Hạn chế rác thải

Theo chia sẻ của chị Nguyên Hồng, rác thải từ giấy gói, dù thoạt nhìn có vẻ ít tác hại hơn nhựa nhưng vẫn gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng đối với môi trường. Chúng làm tăng lượng rác thải khó tái chế, tăng áp lực lên tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm đất và nước…

Cụ thể, nhiều loại giấy gói hiện nay được phủ lớp nhựa bóng hoặc kim tuyến, khiến chúng khó hoặc không thể tái chế. Những loại này thường bị chôn lấp hoặc đốt, gây ô nhiễm không khí và đất. Bên cạnh đó, giấy gói thường sử dụng keo hoặc băng dính khó phân hủy, làm giảm khả năng tái chế.

Một số giấy gói sử dụng mực in và phẩm màu chứa hóa chất độc hại, khi phân hủy sẽ ngấm vào đất và nước, làm ô nhiễm môi trường xung quanh. Nếu giấy gói bị chôn lấp trong các bãi rác mà không đủ điều kiện phân hủy tự nhiên, chúng sẽ tồn tại lâu dài, gây cản trở quá trình tái tạo đất.

Rác thải từ giấy gói thường bị đốt để giảm thiểu lượng rác thải chôn lấp. Tuy nhiên, việc này tạo ra khí thải độc hại như carbon dioxide (CO) và carbon monoxide (CO), làm ô nhiễm không khí và góp phần vào hiệu ứng nhà kính.

Trong các dịp lễ hội, lượng giấy gói bị vứt bỏ tăng đột biến, gây áp lực lớn lên hệ thống xử lý rác thải.

"Rác thải từ giấy gói không chỉ gây tổn thất tài nguyên mà còn là một trong những nguyên nhân làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm môi trường. Giải pháp lâu dài là sáng tạo cách gói quà bền vững bằng cách chuyển sang sử dụng các loại bao bì tái chế, vật liệu dễ phân hủy hơn để giảm thiểu tác động này", chị Nguyên Hồng nhấn mạnh.

Việc sản xuất giấy gói tiêu tốn lượng lớn gỗ, nước và năng lượng làm gia tăng áp lực lên tài nguyên thiên nhiên. Theo các nghiên cứu, để sản xuất 1 tấn giấy cần khoảng 24 cây xanh và hàng trăm nghìn lít nước. Sản xuất giấy cũng tạo ra khí thải carbon đáng kể, góp phần vào biến đổi khí hậu.

An Khê

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/dong-goi-qua-tang-theo-tinh-than-song-xanh-20241224120414139.htm