Đóng góp cho Hiến pháp: Nền tảng vững chắc để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tập hợp, động viên mọi tầng lớp nhân dân

Trong sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, tôi đặc biệt quan tâm tới việc sửa đổi, bổ sung Điều 9 quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ngược dòng lịch sử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được Đảng ta thành lập ngay sau khi thành lập Đảng năm 1930 với tên gọi Hội Phản đế đồng minh, một hình thức của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam.

Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử với nhiều tên gọi khác nhau nhưng Mặt trận vẫn luôn là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Ảnh minh họa: xaydungdang.org.vn

Ảnh minh họa: xaydungdang.org.vn

Khi nước ta còn là thuộc địa của Pháp, một loạt các tổ chức ngoại vi của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam như: Thanh niên Dân chủ Đông Dương, Hội Cứu tế bình dân, Công hội, Nông hội ra đời cùng với việc hoạt động công khai và nửa công khai của các tổ chức quần chúng như hội ái hữu, tương tế, các hội hoạt động âm nhạc...

Trong cả hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược cho tới khi đất nước giành được độc lập, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn là bộ phận của hệ thống chính trị của nước ta do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Việc xác định Mặt trận là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, là tổ chức tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thể hiện ý chí, nguyện vọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân... là hoàn toàn phù hợp với sứ mệnh lịch sử của Mặt trận, là bước phát triển của quy định tại Điều 1 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam số 75/2015/QH13.

Việc quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có chức năng thể hiện ý chí, nguyện vọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân đã nâng cao vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phù hợp với tình hình thực tế và xu thế phát triển của đất nước trong kỷ nguyên phát triển mới, nhất là khi các tổ chức chính trị-xã hội chủ yếu như: Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức chính trị-xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được tổ chức và hoạt động thống nhất trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cùng với các tổ chức thành viên khác hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động dưới sự chủ trì của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Việc thực hiện chức năng thể hiện ý chí, nguyện vọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, bao gồm mọi thành phần, giai tầng, dân tộc, giới, thế hệ, nghề nghiệp... trong xã hội là một nhiệm vụ thiêng liêng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mà lần này được quy định trong dự thảo nghị quyết về sửa đổi Hiến pháp. Nội dung mới này hoàn toàn không mâu thuẫn mà phù hợp với các nhiệm vụ, chức năng hiện có của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Chính các quy định mới này, ngoài việc nâng tầm vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với mô hình tổ chức mới, nhận thức mới, sẽ là nền tảng vững chắc để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tập hợp, động viên được mọi tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong giai đoạn phát triển mới của cách mạng Việt Nam.

TS TRẦN VĂN, đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/dong-gop-cho-hien-phap-nen-tang-vung-chac-de-mat-tran-to-quoc-viet-nam-tap-hop-dong-vien-moi-tang-lop-nhan-dan-827814