Đóng góp dự án Luật Hóa chất (sửa đổi)
Chiều 23/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi). Về cơ bản, các ý kiến đồng tình với sự cần thiết sửa đổi luật để thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, khắc phục bất cập của luật hiện hành.
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Trần Thị Thanh Hương khẳng định, việc sửa đổi Luật Hóa chất đáp ứng yêu cầu thể chế hóa quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý cho các hoạt động hóa chất.
Để góp phần tiếp tục hoàn thiện dự án luật, đại biểu quan tâm vấn đề vận chuyển và tồn trữ hóa chất (Điều 19, Điều 20). Một số nội dung quy định đối với việc tồn trữ hóa chất vẫn chưa rõ; những quy định liên quan đến việc vận chuyển hóa chất (trong đó có hóa chất nguy hiểm, hóa chất cấm) vẫn chung chung, chưa bảo đảm chặt chẽ và an toàn trong vận chuyển.
Vì vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể hơn, nhất là liên quan đến giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ tồn trữ hóa chất, trên cơ sở làm rõ giấy chứng nhận được áp dụng đối với mọi tổ chức, cá nhân tồn trữ hóa chất, hay chỉ áp dụng đối với tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ tồn trữ hóa chất cần kiểm soát đặc biệt; hóa chất có điều kiện.
Bổ sung đầy đủ hơn quy định về điều kiện được vận chuyển hóa chất; cấp giấy phép vận chuyển hóa chất; trách nhiệm khi xảy ra sự cố về hóa chất (gây ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe con người, trong quá trình vận chuyển hóa chất bằng phương tiện tàu, thuyền đi trên sông, trên biển).
Vấn đề thứ 2 là hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm hàng hóa (Chương V). Đại biểu Trần Thị Thanh Hương đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu, xác định rõ hình thức quản lý (tiền kiểm hay hậu kiểm); xác định cụ thể nội dung quản lý; chức năng quản lý của các bộ (Công Thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đối với việc quản lý hóa chất trong sản phẩm có chứa hóa chất. Cần đánh giá tính khả thi của việc quản lý nói chung; cân nhắc tính khả thi của việc quy định giao cho các bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm công bố danh mục hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm, để có biện pháp tăng cường quản lý, nâng cao trách nhiệm quản lý chất lượng sản phẩm.
Vấn đề thứ 3, về bảo vệ môi trường và an toàn cho cộng đồng (Chương VII). Dự thảo luật chỉ quy định nội dung liên quan đến trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, mà chưa quy định cụ thể về cơ chế, giải pháp bảo vệ môi trường và an toàn cho cộng đồng, như nội hàm của tên chương đã xác định. Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung làm sâu sắc và đầy đủ hơn quy định liên quan đến vấn đề này.
Cụ thể: Tiếp tục rà soát để thể chế hóa nội dung “Xây dựng và triển khai lộ trình cấm sử dụng các loại hóa chất độc hại gây ô nhiễm nguồn nước” trong Kết luận 36-KL/TW, ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị; cụ thể hóa nội dung “đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng công bằng” trong Kết luận 81-KL/TW, ngày 4/6/2024 của Bộ Chính trị, nhằm tăng cường quản lý tài nguyên, môi trường, chuyển đổi sử dụng năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo trong quá trình sản xuất và sử dụng hóa chất. Tiếp tục rà soát, quy định cụ thể hơn nội dung liên quan đến bảo vệ môi trường, an toàn sức khỏe; bảo vệ quyền con người; bổ sung quy định về chính sách theo hướng coi trọng, thúc đẩy mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế…
Đồng thời, rà soát, bổ sung nội dung, quy định tại luật có liên quan (Luật An toàn thực phẩm, Luật Bảo vệ môi trường) và dự án luật đang trình Quốc hội xem xét, thông qua (dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, dự án Luật Địa chất và khoáng sản), để các quy định tại dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường, an toàn cho cộng đồng được đầy đủ và chặt chẽ hơn.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/dong-gop-du-an-luat-hoa-chat-sua-doi--a410112.html